Hạ lãi suất: Ngân hàng đồng tình, DN chê ít!

(ĐTCK) Các ngân hàng cho rằng, việc giảm lãi suất là một bước đi hợp lý của NHNN trong việc điều hành chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, về phía DN, đa số đều cho rằng, mức giảm 1% vẫn chưa phải là đáng kể.
Từ 13/3, lãi suất huy động được các ngân hàng đưa về mức 13% Từ 13/3, lãi suất huy động được các ngân hàng đưa về mức 13%

Ngày 12/3/2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 05/2012/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Điều I Thông tư số 30/2011/TT-NHNN ngày 28/9/2011 quy định lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo đó, quy định lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên là 13%/năm; riêng quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, ấn định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng trở lên là 13,5%/năm. Thông tư 05 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/3/2012.

Theo khảo sát của ĐTCK, sáng 13/3, trên thị trường, các ngân hàng chưa kịp điều chỉnh biểu bảng lãi suất công khai tại phòng giao dịch, nhưng khi làm việc với các giao dịch viên đều được thông báo kể từ ngày 13/3, lãi suất huy động đã hạ xuống 13%/năm. Cụ thể, tại VPBank, lãi suất 13%/năm áp dụng cho các kỳ hạn tiết kiệm từ 1 tháng đến 13 tháng; từ 15 tháng đến 36 tháng, lãi suất là 12%/năm; lãi suất không kỳ hạn và kỳ hạn tuần tương ứng là 3% và 5%/năm.

Tại OceanBank, lãi suất cho kỳ hạn từ 1 - 12 tháng là 13%/năm; các kỳ hạn trên 12 tháng, lãi suất được áp dụng ở mức 12,8% và 12%/năm; kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống, lãi suất 5%/năm; còn không kỳ hạn, lãi suất là 2,4%/năm. Lãi suất huy động VND tại VietinBank kỳ hạn trên 36 tháng được áp mức 9%/năm; 13%/năm áp dụng cho kỳ hạn từ 1 đến 12 tháng, còn tiền gửi không kỳ hạn là 3%/năm và dưới một tháng là 5%/năm.

Trao đổi với ĐTCK, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB nêu quan điểm, các điều kiện vĩ mô và vi mô đều khá thuận lợi cho quyết định giảm trần lãi suất của NHNN. Cụ thể, về vĩ mô, dữ liệu CPI trong quý I rất quan trọng, bởi thông thường, lạm phát trong quý này chiếm 50 - 70% tỷ lệ lạm phát cả năm. Nếu tính đến ảnh hưởng của việc tăng giá xăng thì lạm phát tháng này ước khoảng 1,5% và như vậy, trong quý I/2012, chỉ số này tăng dưới 4%. Về vi mô, nếu vay với lãi suất 16,5 - 18%/năm trở lên thì các DN kinh doanh bình thường khó có thể đạt được mức lợi nhuận trên trong bối cảnh hiện nay.

“Do vậy, quyết định hạ lãi suất của NHNN là hợp lý cả về thực tế thị trường và khả năng hấp thụ vốn của DN”, ông Trung nói.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó tổng giám đốc OceanBank nhấn mạnh, giảm lãi suất huy động xuống 13%/năm là phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô, tốc độ lạm phát hiện nay. Vấn đề lúc này chính là các ngân hàng cần chuẩn bị sẵn sàng để bước vào  một cuộc “chạy đua” lành mạnh về chất lượng và dịch vụ. Tạo được sự tiện lợi cho khách hàng với chất lượng dịch vụ tốt sẽ là chìa khoá để ngân hàng giữ chân và thu hút khách hàng.

“Trước đây, khách hàng có thể chia năm xẻ bảy đồng vốn của mình để gửi ở một vài ngân hàng có lãi suất cao, nhưng giờ đây, với việc giảm trần lãi suất, người gửi tiền có xu hướng cơ cấu lại danh mục tiết kiệm theo hướng ‘gom trứng vào một giỏ’ để quản lý tập trung dòng tiền. Với mặt bằng lãi suất hiện nay, cộng với dự báo lãi suất có thể tiếp tục giảm trong những quý tiếp theo, khách hàng sẽ có xu hướng gửi tiền với các kỳ hạn dài, thay cho việc gửi kỳ hạn ngắn theo kiểu lướt sóng lãi suất như trước kia”, bà Hương nói.

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPostBank nhận định, vấn đề đặt ra đối với các ngân hàng hiện nay sau quyết định giảm lãi suất sẽ là làm thế nào để giữ chân khách hàng. Cụ thể, ngoài chất lượng dịch vụ, việc tạo niềm tin vào ngân hàng là một yếu tố đặc biệt quan trọng.

“Rõ ràng, xu hướng này là những dấu hiệu tích cực thể hiện sự đồng thuận, thiện chí của các NHTM đối với chính sách của NHNN. Khi thanh khoản đã được cải thiện, những ngân hàng kịp thời quay về tập trung phát triển sản phẩm, chất lượng dịch vụ… chắc chắn sẽ giữ chân được khách hàng cũ và thu hút thêm nhiều khách hàng mới”, một chuyên gia ngân hàng nhận định.

Đặc biệt, cùng với trần lãi suất huy động đã giảm và có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới nếu chỉ số lạm phát ổn định, lãi suất cho vay sẽ giảm với   tỷ lệ chênh lệch lãi suất cho vay với lãi suất đầu vào bình quân khoảng từ 2% đến 5%, tức là lãi suất cho vay phổ biến vào khoảng 15 - 17%/năm.

“Trong thời gian tới, các NHTM sẽ có một cuộc đua hạ lãi suất cho vay để giành giật khách hàng tương lai và tránh ứ đọng vốn huy động. Lúc ấy, nước xuống, thuyền xuống, lãi suất huy động sẽ tự động bị đẩy xuống nếu chỉ số lạm phát tiếp tục giảm”, ông Hưởng nói và nhận định thêm: “Thậm chí, khi đó, các giải pháp hành chính như trần lãi suất huy động có thể sẽ được NHNN xóa bỏ”.

Về tổng thể, các ý kiến từ ngân hàng đều cho rằng, đây là một bước đi hợp lý của NHNN trong việc điều hành chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, về phía DN, đa số đều cho rằng, mức giảm 1% lãi suất huy động vẫn chưa phải là đáng kể, bởi lãi suất cho vay ra vẫn còn cao, vẫn là áp lực đối với DN. Bên cạnh đó, như Thống đốc NHNN đã tuyên bố, dự trữ ngoại hối tính đến thời điểm này đã tăng khoảng 30% so với cuối năm 2011. Cùng với sự ổn định về tỷ giá, NHNN có thể giảm sâu lãi suất xuống chứ không phải chỉ là 1%/năm.

Tuy nhiên, như nhận định của Thống đốc NHNN, chính sách tiền tệ có tác động 50% đến tình hình lạm phát. Như vậy, với động thái nới lỏng chính sách tiền tệ hiện nay, NHNN vẫn cần phải hết sức cẩn trọng với nguy cơ lạm phát có khả năng bùng lên. Khi đó, hiệu quả của việc siết chặt chính sách tiền tệ của lần sau sẽ càng trở nên khó khăn hơn so với lần trước. Chính vì vậy, những bước đi thận trọng là cần thiết.

Hồng Dung
Hồng Dung

Tin cùng chuyên mục