GPBank đại hội bất thường bổ sung vốn điều lệ

Ngày mai (20/6), theo dự kiến, GPBank sẽ tổ chức ĐHCĐ bất thường lần 1. Nếu không thông qua được phương án bổ sung vốn điều lệ vào ĐHCĐ bất thường ngày mai, GPBank sẽ phải tổ chức thêm ĐHCĐ bất thường lần 2, thậm chí cả lần 3 để định đọat số phận của ngân hàng này.
GPBank đại hội bất thường bổ sung vốn điều lệ

Theo thông báo của Ngân hàng TMCP Dầu Khí Toàn Cầu (GP.Bank), ngày mai (20/6), ngân hàng này sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) bất thường năm 2015 tại Trung tâm Hội nghị Quốc Gia, Đại lộ Thăng Long, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Thành phần tham dự là toàn bộ Cổ đông sở hữu cổ phần tại danh sách cổ đông chốt ngày 04/06/2015.

Lý do ĐHCĐ bất thường lần này là GPBank muốn thực hiện tăng vốn điều lệ nhằm đảm bảo nguồn vốn hoạt động kinh doanh và giá trị thực của vốn điều lệ đáp ứng mức vốn pháp định 3.000 tỷ đồng mà Ngân hàng Nhà nước quy định.

Đồng thời Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu GPBank phải tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông bất thường thông qua phương án bổ sung vốn điều lệ trong vòng 30 ngày kể từ ngày 04/6/2015.

Nếu như lần tổ chức họp ĐHCĐ này mà không thực hiện được, cuộc họp Đại hội đồng cổ đông lần thứ hai sẽ được tổ chức vào ngày 27/6/2015. Trong trường hợp lần 2 cũng bất thành sẽ chuyển sang tổ chức cuộc họp lần 3 vào ngày 2/7/2015. Căn cứ theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2014, ĐHCĐ lần 1 sẽ đủ điều kiện tiến hành khi số cổ đông tham dự đại diện cho ít nhất 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Lần họp 2 phải đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 51% cổ phần có quyền biểu quyết. Và lần họp thứ 2 bất thành, ngân hàng sẽ họp lần 3 mà không cần đảm bảo tỷ lệ cổ phần tối thiểu.

Nếu trong trường hợp không thể thực hiện bổ sung vốn theo quy định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật.

GP.Bank là một trong 9 ngân hàng yếu kém thuộc diện phải xử lý trong đợt đầu nhưng đến nay vẫn chưa chốt phương án. Trước đó, ngân hàng UOB (Singapore) cũng ngỏ ý mua lại 100% vốn của GPBank nhưng thương vụ bất thành. Hồi đầu năm nay, lãnh đạo GPBank cho biết, đang đàm phán với đối tác nội, song đến nay vẫn chưa có đối tác nào chấp nhận bỏ vốn vào GPBank. Chính vì vậy, ĐHCĐ bất thường lần này sẽ quyết định số phận GPBank. Nếu các cổ đông GPBank không chấp nhận bổ sung vốn sau 3 lần ĐHCĐ bất thường, GPBank có thể sẽ bị xử lý theo hình thức "quốc hữu hóa" giống như VNCB và OceanBank.

Trước khi GPBank tổ chức ĐHCĐ bất thường vào ngày mai, cách đây gần một tháng, ngày 26/5, NHNN đã ra quyết định đình chỉ quyền và nghĩa vụ của 3 lãnh đạo chủ chốt của GPBank, gồm: ông Tạ Bá Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Đoàn Văn An, Phó chủ tịch và bà Tạ Thu Thủy, Thành viên. Đồng thời, NHNN chỉ định người đại diện tại GPbank là bà Trần Thị Lệ Nga, nguyên Trưởng ban kiểm soát của Vietinbank – ngân hàng đã tham gia hỗ trợ tái cơ cấu GPbank thời gian gần đây. Bà Lệ Nga đã tham gia vào GPbank từ ngày 6/4/2015.

Những động thái liên tiếp xảy ra với GPBank thời gian gần đây cho thấy, nhiều khả năng GPBank sẽ không tránh khỏi việc phải bán cho NHNN với giá 0 đồng để tránh khỏi cảnh phá sản. 

Hà Tâm
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục