Giới đầu tư vàng sợ Fed tăng lãi suất

(ĐTCK) Bất chấp thông tin hỗ trợ tích cực từ cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp và khả năng vỡ bong bóng chứng khoán Trung Quốc, giá vàng vẫn liên tiếp có chuỗi ngày giảm giá. Dường như, sự hấp dẫn của vàng đã không còn đủ lớn để hu thút giới đầu tư tìm đến như là kênh trú ẩn an toàn.
Giới đầu tư vàng sợ Fed tăng lãi suất

Sau khi tăng nhẹ phiên đầu tuần, giá vàng đã nhanh chóng giảm trở lại và xuyên thủng các ngưỡng hỗ trợ.

Trong phiên hôm qua (2/7) trên thị trường chứng khoán châu Á, giá vàng tiếp tục có phiên giảm thứ 3 liên tiếp, xuống mức thấp nhất 3 tháng rưỡi.

Cụ thể, tính đến 16h chiều qua theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngày đứng ở mức 1.165,1 USD, giảm 3,2 USD/ounce (-0,27%). Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 5 USD/ounce (-0,43%), xuống 1.164,3 USD/ounce.

Trước đó, trong phiên 1/7, trước các dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan, đồng USD tăng lên mức cao nhất gần 1 tháng khiến giá vàng giao ngay giảm 4,3 USD (-0,37%), xuống 1.168,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 2,5 USD/ounce (-0,21%), xuống 1.169,3 USD/ounce.

Cuối tuần trước, giới phân tích cho rằng, thông tin Hy Lạp sẽ là tác nhân chính ảnh hưởng tới giá vàng. Nếu Hy Lạp không trả được 1,5 tỷ euro cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và không có thỏa thuận cứu trợ nào được ký kết, vàng sẽ được hưởng lợi và tăng mạnh. Tuy nhiên, diễn biến thị trường lại không như dự đoán. Bất chấp Hy Lạp không thể trả nợ đến hạn cho IMF trong ngày 30/6, nhưng vàng vẫn giảm giá.

Dường như thông tin Hy Lạp không mấy ảnh hưởng tới giá vàng như nhiều người nghĩ, mà việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có tăng lãi suất trong tháng 9 hay không mới là vấn đề chính của giá vàng.

Theo dữ liệu vừa được Viện Quản lý nguồn cung Mỹ (ISM) công bố, chỉ số ISM sản xuất của Mỹ tăng lên mức 53,5, vượt kỳ vọng, trong khi chi tiêu xây dựng tăng 0,8% trong tháng 5, lên mức cao nhất 6 năm rưỡi. Đơn đặt hàng mới cũng tăng 0,2%.

Cũng theo dữ liệu vừa công bố, báo cáo việc làm khu vực tư nhân ADP của Mỹ có thêm 237.000 việc làm, vượt con số mong đợi của giới phân tích là 218.000 việc làm. Trong khi đó, chỉ số Nhà quản lý mua hàng (MPI) trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ trong tháng 6 giảm xuống 53,6, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2013, Markit.

Dữ liệu kinh tế khả quan của Mỹ vừa công bố, nhất là bảng lương ADP khiến nhiều người dự báo rằng, bảng lương phi nông nghiệp được công bố vào thứ Năm sẽ khả qua và khi đó sẽ tạo điều kiện cho Fed tăng lãi suất trong tháng 9 và đó chính là lý do khiến đồng USD tăng mạnh, ép giá vàng đi xuống.

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC cũng theo xu hướng của giá vàng thế giới khi liên tục giảm giá trong những ngày qua. Sau khi giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 40.000 đồng/lượng ở chiều bán ra trong ngày 1/7, xuống 34,34 - 34,42 triệu đồng/lượng, giá vàng SJC tiếp tục giảm thêm 60.000 đồng/lượng trong ngày hôm qua, xuống 34,28 - 34,36 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá USD lại có sự trái chiều trên thị trường ngân hàng và thị trường tự do. Sau hơn 1 tuần ổn định ở mức 21.780 - 21.840 đồng/USD, tỷ giá USD trên thị trường ngân hàng do Vietcombank niêm yết đã giảm 10 đồng/USD, xuống mức 21.770 - 21.830 đồng/ÚSD trong ngày 1/7 và duy trì mức này trong ngày hôm qua. Trong khi đó, trên thị trường tự do, đồng bạc xanh lại liên tục tăng trong 2 ngày qua. Đến chiều qua, tỷ giá USD tự do đứng ở mức 21.840 - 21.860 đồng/USD, tăng 15 đồng/USD ở chiều mua vào và 20 đồng/USD ở chiều bán ra so với 2 ngày trước.

Không chỉ USD, các loại ngoại tệ mạnh khác cũng đồng loạt giảm giá so với VND trong 2 ngày qua. Trong đó, giảm mạnh nhất là CHF với mức giảm 1,82%, tiếp đến là CAD giảm 1,67%, EUR giảm 0,97%, JPY giảm 0,96%...

Tỷ giá một số ngoại tệ ngày 2/7 và so sánh với ngày 30/6 (Nguồn: Vietcombank)

Giới đầu tư vàng sợ Fed tăng lãi suất ảnh 1

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục