Giảm lãi suất, ngân hàng vẫn ngóng nhau

Xuất phát từ một vài ngân hàng lớn, làn sóng giảm lãi suất đang lan ra thị trường. Tuy nhiên, mức giảm vẫn khá dè.
Giảm lãi suất, ngân hàng vẫn ngóng nhau

“Ông lớn” đi tiên phong

Thứ Sáu tuần trước, VietinBank đã hạ mặt bằng lãi suất cho vay trong các lĩnh vực khuyến khích phát triển của Chính phủ. Theo đó, lãi suất cho vay VND đối với lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và cho vay tiêu dùng lần lượt là 16,5%/năm, 17,0%/năm và lãi suất cho vay USD là 6,0%/năm. Lãi suất VND cho vay đối với các đối tượng được khuyến khích như DN xuất khẩu là 15,8%/năm, nông nghiệp - nông thôn và công nghiệp hỗ trợ 16,0%/năm, DN vừa và nhỏ 16,5%/năm, các chương trình tín dụng quốc tế 15,5%/năm, còn lãi suất USD dành cho các đối tượng này là 5,2%/năm.

Chia sẻ với ĐTCK, một lãnh đạo cao cấp VietinBank cho biết, kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 01, VietinBank đã nhiều lần hạ lãi suất cho vay để đồng hành với khách hàng của mình. Tiếp đó, ngày 13/2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ra Chỉ thị 01, trong đó có định hướng về vấn đề giảm dần lãi suất, nên VietinBank chủ động tiếp tục giảm lãi suất cho vay, đặc biệt là đối với những ngành trong nhóm khuyến khích phát triển.

Trước đó, ngày 12/2, Vietcombank cũng chính thức bắt đầu chương trình hạ lãi suất cho vay trong các lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, DN vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ, DN xuất khẩu... Trong đó, mức lãi suất VND thấp nhất là 15%/năm và dao động đến 17%/năm, lãi suất USD từ 5,5 - 6%/năm. Trong một số lĩnh vực đặc biệt, lãi suất VND có thể là 14,5%/năm như DN xuất khẩu là khách hàng truyền thống của Vietcombank, có những hoạt động tiền gửi, bán ngoại tệ, thanh toán tại Ngân hàng; còn lãi suất USD là 5,5%/năm.

Riêng đối với BIDV, 4 tháng cuối năm 2011, ngân hàng này đã 5 lần hạ lãi suất cho vay và cũng dành riêng cho một nhóm đối tượng được ưu tiên.

Đại diện VietinBank chia sẻ thêm, trên thực tế, việc giảm lãi suất cho vay trong khi lãi suất huy động chưa giảm sẽ làm hiệu quả hoạt động của các ngân hàng giảm. Nhưng VietinBank có lợi thế chi phí vốn rẻ nên vấn đề này không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, để có thể giảm tiếp lãi suất cho vay thì tình hình lạm phát cần tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, qua đó hạ lãi suất huy động.

 

Mức độ còn dè dặt

Mặc dù vậy, có thể thấy, động thái hạ lãi suất hiện mới diễn ra ở các ngân hàng lớn với mức độ dè dặt, còn các ngân hàng nhỏ vẫn đang nghe ngóng.

Chủ tịch HĐQT một ngân hàng TMCP nhận định, hiện có một số ngân hàng lớn dư thanh khoản, nên cũng muốn hạ lãi suất để đẩy tín dụng ra. Bởi thời gian qua, lãi suất quá cao khiến DN không dám vay vốn kinh doanh. Điều này phần nào thể hiện qua con số vừa được NHNN công bố: trong tháng 1, tín dụng đối với nền kinh tế giảm 0,79% so với cuối năm 2011; trong đó tín dụng bằng VND giảm 0,21%, tín dụng bằng ngoại tệ giảm khá mạnh 2,93%. Nhưng mức độ hạ lãi suất chưa nhiều và mới chỉ dành cho những đối tượng khách hàng ưu tiên, bởi các ngân hàng vẫn lo ngại rằng, trong thời gian tới, việc huy động vốn sẽ khó khăn, do căng thẳng thanh khoản vẫn đang diễn ở không ít ngân hàng.

Ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc OCB cho rằng, để hạ lãi suất đầu ra thì sẽ phải hạ lãi suất đầu vào tương ứng. Trên thực tế, hạ lãi suất đầu vào phụ thuộc vào tình hình thanh khoản và khả năng huy động vốn của từng ngân hàng. Trong bối cảnh cạnh tranh huy động vốn vẫn đang diễn ra gay gắt, nếu ngân hàng nào có mức huy động thấp hơn thì có thể gặp rủi ro thanh khoản. Mặt khác, ngân hàng không thể quyết định lãi suất đầu vào, mà yếu tố chi phối vẫn là kỳ vọng lạm phát của người gửi tiền.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, để giảm mạnh lãi suất sẽ phụ thuộc vào các yếu tố: tỷ lệ lạm phát, thanh khoản của ngân hàng và lòng tin của dân chúng vào VND, cũng như mức độ ổn định của tỷ lệ lạm phát. Chỉ số lạm phát thực tế đang khá ổn, nhưng kỳ vọng lạm phát của dân chúng lại khá cao. Trong khi đó, tình hình thanh khoản của nhiều ngân hàng vẫn còn rất kém nên không thể giảm mạnh lãi suất. Do vậy, Chính phủ và NHNN cần phải có những tác động để giải quyết vấn đề thanh khoản cho hệ thống.

TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm, để xử lý vấn đề căng thẳng thanh khoản, cần phải hiểu rõ nguyên nhân của nó. “Trên thực tế, thời gian qua, việc thiếu thanh khoản chỉ là cục bộ. Vẫn có không ít ngân hàng dư vốn để cho vay kiếm lời trên thị trường liên ngân hàng. Nếu nhóm ngân hàng gặp căng thẳng thanh khoản cũng là những đơn vị được xếp vào nhóm cần tái cơ cấu thì khi tái cơ cấu xong, vấn đề thanh khoản của hệ thống sẽ được giải quyết. Một vấn đề khác là trước đây, nhiều ngân hàng chỉ huy động được với kỳ hạn ngắn, nhưng lại mang đi cho vay trung dài hạn. Do đó, rủi ro thanh khoản thực chất là rủi ro kỳ hạn. Để giải quyết rủi ro kỳ hạn thì cần tăng được kỳ hạn của đầu huy động và giảm kỳ hạn cho vay dài”, ông Ánh nói.

Hồng Dung
Hồng Dung

Tin cùng chuyên mục