Giải quyết tính thanh khoản của các NHTM: Cần tăng cường tính liên kết

(ĐTCK-online) Trong một cuộc hội thảo do Ngân hàng Liên Việt phối hợp với Học viên Ngân hàng tổ chức vào cuối tuần trước với chủ đề “Quản lý thanh toán tại các ngân hàng thương mại Việt Nam”, nhiều ý kiến kiến nghị đã được các chuyên gia đưa ra nhằm tăng cường quản lý tính thanh khoản ở các NHTM Việt Nam.

Tính thanh khoản ở các NHTM Việt Nam trong thời gian vừa qua đang có nhiều điều đáng quan tâm và lo ngại, đặc biệt là đối với các NHTMCP nhỏ vừa mới được thành lập hoặc vừa được chuyển đổi mô hình hoạt động từ nông thôn lên thành thị. Đối với những ngân hàng này, khi thị trường tiền tệ gặp khó khăn do chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), những yếu kém trong tính thanh khoán được bộc lộ khá rõ, và các ngân hàng này đối mặt với không ít khó khăn và thách thức.

Ông Lê Trọng Nhi, Giám đốc tài chính Tổ chức M&C Corp, người đã từng giúp 1 ngân hàng nông thôn chuyển đổi thành ngân hàng thành thị, trong một lần trao đổi mới đây với ĐTCK-online đã cho rằng, hoạt động của ngân hàng chuyển đổi hiện đang gặp khó và xét về lâu dài thì khả năng chống đỡ với mọi thách thức trong hoạt động ngân hàng là vấn đề không đơn giản.

Về vấn đề giải quyết những khó khăn mà các NHTMCP đang gặp phải, theo T.S Nguyễn Quang A, nếu ngân hàng nào lâm vào tình trạng khó khăn, nếu giúp không được thì nên phân loại bệnh để điều trị, nếu “đáng chết” thì nên “để chết”, không nên để tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”.

Ông A cũng đưa ra kiến nghị: “NHNN cần tiếp tục phát huy chức năng thanh tra giám sát và cấm những sản phẩm huy động vốn được gọi là ‘linh hoạt’ mà nhiều ngân hàng đã tung ra sai với quy định của NHNN trong thời gian vừa qua, không nên ‘làm ngơ’ việc làm này, vì nếu một ngân hàng được ‘làm ngơ’ thì các ngân hàng khác cũng sẽ làm theo”. 

Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng, NHNN và Chính phủ có đủ sức giúp đỡ các NHTM vượt qua khó khăn tạm thời trước mắt, không thể để bất kỳ một ngân hàng nào bị phá sản, vì hoạt động ngân hàng có tính hệ thống cao và nhạy cảm. Nhưng các NHTM phải tự cứu mình bằng cách “liên kết phát triển” hoặc nâng cao vốn chủ sở hữu và phải hoạt động có thứ tự, bài bản, khoa học.

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Tổng giám đốc Ngân hàng Liên Việt thì cho rằng, NHNN nên công bố lộ trình áp dụng và các giải pháp quản lý vĩ mô liên quan đến hoạt động của các NHTM, để các NHTM có thể lượng hóa được các nhu cầu về vốn. Về phía Hiệp hội Ngân hàng cần đưa nội dung quản trị phòng ngừa rủi ro thanh khoản như một nội dung quan trọng của các thành viên Hiệp hội. NHNN và Hiệp hội đúc kết kinh nghiệm để xây dựng được những điển hình tiên tiến trong hệ thống NHTM. “Các NHTM cần gắn chặt với nhau liên kết phát triển tạo sức mạnh cho cả hệ thống NHTM đủ sức quản trị rủi ro thanh khoản nói riêng, tạo sức mạnh cạnh tranh hội nhập quốc tế, bởi vì thanh khoản tại các NHTM là lăng kính phản ánh cơ bản bức tranh thanh khoản của nền kinh tế”, ông Hưởng nói. Vì vậy, theo ông Hưởng, muốn cho nền kinh tế có thanh khoản tốt không thể một ngành mà đa ngành, đa cấp và chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ phải đồng thời quan tâm đến ‘sức khỏe thanh khoản’ của nền kinh tế.

 Về phía NHNN, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN Việt Nam cho biết, chắc chắn NHNN sẽ điều hành công cụ linh hoạt hơn, hỗ trợ tăng thanh khoản mạnh hơn cho các tổ chức tín dụng và cả nền kinh tế. “Chủ trương của Chính phủ và Thống đốc là sử dụng mạnh hơn các biện pháp quyền lực theo đúng chức năng của mình để điều hành chính sách tiền tệ và giám sát chặt chẽ, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả của hệ thống tổ chức tín dụng”, ông Bảo nhấn mạnh.  

Bên cạnh các kiến nghị, nhóm biện pháp nhằm quản lý tính thanh khoản được đưa ra cũng khá sôi nổi. Rút kinh nghiệm trong đợt khó khăn thanh khoản vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, các ngân hàng cần thiết lập ngay chiến lược quản trị thanh khoản thông qua việc hoạch định và dự đoán những thay đổi về lưu lượng tiền gửi và cho vay, cũng như những thay đổi về lợi nhuận. Công tác quản trị này phải đánh giá được ảnh hưởng của các yếu tố rủi ro và lợi nhuận.

Ông Hưởng cho rằng, có thể nâng cấp quản trị rủi ro thành quản lý khủng hoảng với những tình huống và giải pháp ma trận được thiết lập sẵn, tránh hiện tượng bị động trong nhận định đánh giá và giật mình đưa ra những giải pháp thiếu phù hợp. Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng hoạt động kinh doanh. Đây là một biện pháp được đánh giá là khá căn bản để có thể quản lý thanh khoản trong cả công tác phòng ngừa và xử lý các khó khăn về thanh khoản.

Trong hoạt động ngân hàng, chất lượng nguồn nhân lực và công nghệ đóng vai trò rất quan trọng. Ông Tô Ngọc Hưng, Giám đốc Học viện Ngân hàng đưa ra ý kiến, các ngân hàng cần tổ chức tốt khâu phân tích và dự báo thị trường, đánh giá các rủi ro có thể xảy ra trong từng quy trình nghiệp vụ để triển khai kịp thời các biện pháp phòng ngừa và xử lý rủi ro. Chia sẻ những kinh nghiệm của một ngân hàng mới ra đời nhưng đã có 2 năm chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi chính thức hoạt động và đặc biệt là đã có những chiến lược quản trị rủi ro riêng, ông Hưởng  thì ví von so sánh: “Thanh khoản là cái ngọn, hoạt động của các NHTM là cái gốc. Cái gốc cơ bản ngoài các chỉ tiêu kinh tế liên quan đến tài sản nợ - tài sản có của các NHTM”. Đồng thời, ông Hưởng cũng nhấn mạnh: “ Hiệu quả quản trị rủi ro thanh khoản không chỉ dừng ở thanh khoản mà có quan hệ mật thiết với tất cả hoạt động của từng NHTM, của hệ thống NHTM, của hệ thống định chế tài chính và liên quan đến cả cơ chế vĩ mô….nhưng trước hết, bản thân NHTM phải làm tốt”.

Cuối cùng, cần liên kết thống nhất giữa các NHTM để đảm bảo an toàn thanh toán, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Đây là một vấn đề quan trọng nhằm giúp các ngân hàng có thể hỗ trợ nhau trong những lúc khó khăn không chỉ về thanh khoản, tránh những hiện tượng tạo sự cạnh tranh không lành mạnh. Tham luận của ông Hưng nêu rõ: “các NHTM cần minh bạch hóa thông tin tạo sự liên kết bền vững, chủ động phối hợp để đối phó với những tình huống xảy ra thanh khoản bất thường”.

Kim Lan
Kim Lan

Tin cùng chuyên mục