Giá USD tự do tăng vọt, cam kết nào cho tỷ giá?

(ĐTCK-online) Trước sức nóng của USD tự do, giá USD liên ngân hàng đã phải điều chỉnh tăng. Mục tiêu ổn định của tỷ giá như cam kết của NHNN đang bị thách thức.
NHNN chỉ có thể can thiệp nóng bằng cách bán ra USD, nhưng dự trữ lại mỏng NHNN chỉ có thể can thiệp nóng bằng cách bán ra USD, nhưng dự trữ lại mỏng

Sức ép lớn lên tỷ giá

Tỷ giá bình quân liên ngân hàng tiếp tục được NHNN nâng lên mức 20.648 VND/USD kể từ ngày 6/10, mặc dù trước đó, ngày 5/10, NHNN vừa tăng tỷ giá này lên 20.638 VND/USD. Các NHTM cũng lập tức điều chỉnh giá mua bán ngoại tệ của mình với giá bán vẫn kịch trần, trong khi giá mua thấp hơn không đáng kể. Đơn cử, giá mua bán ngoại tệ của Vietcombank và Vietinbank được niêm yết ở mức 20.850 - 20.854 VND/USD (mua vào - bán ra). Còn trên thị trường tự do, các điểm thu đổi ngoại tệ báo giá 21.540 - 21.610 VND/USD, tăng mạnh so với ngày hôm trước, nhưng lực mua vẫn tăng khiến cho nguồn cầu có phần "căng". Tại Sở giao dịch Agribank, do chưa kịp thay đổi, giá mua bán ngoại tệ vẫn được giữ nguyên như ngày hôm trước là 20.600 - 20.844 VND/USD.

Lý giải về động thái thay đổi tỷ giá bình quân liên ngân hàng của NHNN, các chuyên gia ngân hàng đều chung nhận định, nguyên nhân là do mấy ngày qua giá mua bán USD trên thị trường tự do biến động mạnh. Ngày 5/10, giá mua bán ngoại tệ tự do có lúc lên tới 21.540 - 21.610 VND/USD, cao hơn gần 800 VND/USD so với giá mua vào của các NHTM. Một phần do thời gian qua, giá vàng trong nước luôn đứng ở mức cao so với giá vàng thế giới, chênh lệch nhiều khi lên tới gần 4 triệu đồng/lượng. Nhân cơ hội này, giới đầu cơ đẩy mạnh mua gom USD trên thị trường tự do để nhập lậu vàng. Ngay cả việc NHNN mấy lần phải cấp phép nhập khẩu vàng để bình ổn giá trong nước cũng làm tăng nhu cầu USD.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Giám đốc Ban vốn và kinh doanh vốn, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nêu quan điểm, yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tỷ giá nhiều nhất là vàng. Tất nhiên, có yếu tố do tâm lý thị trường tạo ra, nhưng NHNN nên công bố công khai những số liệu để thị trường biết rõ và có niềm tin. Bên cạnh đó, bản thân việc quản lý thị trường cần thiết có những giải pháp cụ thể, tránh trường hợp biên độ giá vàng trong nước và quốc tế quá lớn. NHNN cần "gạn" yếu tố gây nhiễu trên thị trường trong ngắn hạn vào những thời điểm cụ thể, đó là đầu cơ vàng tạo ra dòng tiền và áp lực lên tỷ giá rất lớn.

Chính NHNN cũng thừa nhận, thời gian gần đây, giá vàng thế giới biến động mạnh và bất thường, cộng với tập quán mua vàng vào của người dân vào quý IV và tâm lý nhận định giá vàng thế giới tiếp tục lên đã thúc đẩy hoạt động đầu cơ, buôn bán vàng trong nước tăng mạnh, từ đó gây áp lực lên thị trường ngoại tệ và tỷ giá. Để ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá, NHNN và các NHTM cho biết, sẽ tiếp tục bán ngoại tệ can thiệp thị trường, giải quyết đầy đủ nhu cầu ngoại tệ cần thiết của nền kinh tế, đảm bảo ổn định tỷ giá từ nay đến cuối năm với mức biến động không quá 1%.

"NHNN cần xác định mục tiêu ưu tiên trong giai đoạn hiện nay là ổn định tỷ giá ngoại hối nhằm tạo niềm tin trên thị trường, tạo ổn định kinh tế vĩ mô. NHNN nên sớm có giải pháp cụ thể trong vấn đề vàng thì việc kiểm soát thị trường ngoại hối sẽ không có những khó khăn", ông Quỳnh nói.

Đồng quan điểm này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc ổn định thị trường vàng sẽ giúp điều hòa thị trường ngoại hối, phần nào giúp NHNN giữ được tỷ giá dao động trong mức 1% từ nay đến cuối năm.

 

Căn cơ

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, câu chuyện sâu xa hơn của việc tỷ giá USD tự do tăng vọt là: Thứ nhất, khoản vay của các ngân hàng trong nước với các định chế tài chính nước ngoài thường là ngắn hạn, hiện là thời điểm phải trả nợ. Các NHTM đẩy mạnh thu mua USD, nâng giá mua bán nên giá USD trên thị trường tự do cũng tăng theo. Thứ hai, bản thân các doanh nghiệp cũng mua USD để trả nợ vay đầu năm. Thứ ba, cuối năm, việc mua bán USD thường sôi động vì doanh nghiệp cần USD nhập khẩu hàng cho dịp Tết, đó là chưa kể việc hạ lãi suất cho vay thúc đẩy sản xuất, khiến doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu phục vụ cho sản xuất.

"Bởi vậy, NHNN buộc phải tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng để kéo tỷ giá trên 2 thị trường xích lại gần nhau, tạo điều kiện cho các NHTM mua USD của người dân và doanh nghiệp", một chuyên gia ngân hàng nhận định.

Nhưng các chuyên gia đặt câu hỏi: việc nâng tỷ giá liệu có giúp NHNN ổn định thị trường ngoại hối? Theo NHNN, điểm nổi bật trong diễn biến kinh tế đối ngoại là cán cân thanh toán tổng thể chuyển sang thặng dư khoảng 5 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm, nhờ cán cân vãng lai và cán cân vốn và tài chính được cải thiện. Cụ thể, 7 tháng đầu năm 2011, cán cân vãng lai thặng dư 1,3 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2010 thâm hụt 3,2 tỷ USD; còn cán cân vốn và tài chính thặng dư 9,8 tỷ USD, tăng hơn gấp 2 lần mức thặng dư 4,57 tỷ USD của cùng kỳ năm 2010…

Tuy nhiên, về dài hạn, sức ép lên tỷ giá vẫn lớn, do về cơ bản, Việt Nam tiếp tục nhập siêu. Theo ước tính của Bộ Công thương, nhập siêu cả năm nay có thể lên tới 11 tỷ USD. Trong khi đó, các nguồn ngoại tệ để bù đắp như kiều hối, FDI, thu từ du lịch... cũng đang gặp nhiều khó khăn. Mới đây, một quan chức Chính phủ phát biểu với báo giới, năm nay không thể đạt được mục tiêu thu hút 20 tỷ USD vốn FDI như đã đề ra. Nguồn kiều hối, thu từ du lịch dự báo cũng sẽ giảm do kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn. Việc đồng USD đang tăng giá so với các đồng tiền chủ chốt trên thị trường thế giới cũng tạo nhiều sức ép đến tỷ giá USD/VND, ngay cả khi đồng tiền này mất giá so với nhiều đồng tiền trên thế giới thì nó vẫn lên giá so với VND.

"Bởi vậy, để tỷ giá chỉ thay đổi cỡ khoảng 1% như khẳng định mới đây của Thống đốc NHNN, khả năng NHNN phải bán ngoại tệ để can thiệp là điều khó tránh. Thế nhưng, vấn đề là phải bán bao nhiêu trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ vẫn còn khá mỏng manh hiện nay có lẽ đang là vấn đề đau đầu với các nhà quản lý", một vị chuyên gia nói.

Có vẻ như cũng thấy cái "khó" của mình nên sau cuộc họp với Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc 12 NHTM lớn đầu tuần này, NHNN tuyên bố sẽ kiểm soát chặt chẽ việc cho vay bằng ngoại tệ, giảm quy mô và tốc độ phù hợp với khả năng huy động vốn bằng ngoại tệ trên thị trường I và các nguồn vốn ổn định lâu dài từ nước ngoài. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ đối với trường hợp vay vốn bằng ngoại tệ để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ mà khách hàng không có nguồn thu bằng ngoại tệ từ sản xuất - kinh doanh để trả nợ vay. Từng bước thực hiện tốt chủ trương chuyển dần quan hệ nhận gửi và cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua bán ngoại tệ để giảm tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.

Hồng Dung
Hồng Dung

Tin cùng chuyên mục