Giá nào cho… nghề nguy hiểm?

(ĐTCK) Ngân hàng từ trước đến nay vẫn được xem là lĩnh vực có mức thu nhập, lương thưởng “khủng” hơn nhiều so với những ngành nghề khác, các sếp ngân hàng có thu nhập từ lương lên đến vài ba trăm triệu đồng một tháng. Tuy nhiên, liệu đó có phải là mức thu nhập tương xứng với sự lao tâm khổ tứ, những rủi ro khi nghề lãnh đạo ngân hàng đang được cho là… nghề nguy hiểm.
Để ngân hàng duy trì hoạt động bình thường, người khổ nhất không phải là nhân viên... Để ngân hàng duy trì hoạt động bình thường, người khổ nhất không phải là nhân viên...

Ngoài cuộc bảo cao, trong cuộc chê thấp

Sếp ngân hàng nhận lương gần 300 triệu đồng/tháng là kết quả từ một cuộc khảo sát của Navigos Search được công bố gần đây. Cụ thể, trong quý IV/2017, mức lương tháng cao nhất thuộc về vị trí quản lý cấp cao trong một ngân hàng là gần 300 triệu đồng. Nhiều vị trí quản lý cấp trung và cấp cao khác cũng được nhận mức lương cao từ 100 - 190 triệu đồng/tháng thuộc các lĩnh vực như sản xuất, tài chính - ngân hàng, hàng tiêu dùng - bán lẻ và dịch vụ…

Mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) ngân hàng 2018 đang diễn ra với các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2018 được trình cổ đông thông qua. Trong đó, một trong những nội dung giới đầu tư ưa thích “soi” là câu chuyện thù lao của HĐQT, ban kiểm soát, nhất là ở những nhà băng vẫn kiên quyết nói “không” với cổ tức, với nhiều lý do khác nhau. Thế nhưng, theo lãnh đạo các nhà băng, mức thù lao họ nhận hàng năm vẫn chưa xứng với trách nhiệm nặng nề trong kinh doanh ở lĩnh vực tiền tệ.

Tuy bức tranh lợi nhuận ngày một sáng lên, song áp lực xử lý nợ xấu và quản trị rủi ro vẫn là gánh nặng đối với những người điều hành. Lãnh đạo các nhà băng bất kể ngày đêm phải họp liên tục với cấp dưới để tìm ra hướng giải quyết tốt nhất cho bài toán nợ xấu, quản trị được rủi ro, tăng trưởng lợi nhuận. Vì thế, theo lãnh đạo nhiều ngân hàng, cổ đông không thể “so đo” giữa thù lao HĐQT, ban kiểm soát cao và cổ tức thấp. 

Cụ thể, tại ĐHCĐ thường niên 2018 vừa diễn ra ngày 29/3, giải trình về thù lao của lãnh đạo Ngân hàng, VIB cho biết, năm 2017 được cổ đông phê duyệt phương án dùng 2% lợi nhuận trước thuế để trả thù lao cho HĐQT và Ban Kiểm soát (tổng cộng 11 người, nhưng trong đó 3 người thuộc CBA nên CBA chi trả lương), tương đương với con số hơn 28 tỷ đồng. Năm 2017, VIB đạt lợi nhuận trước thuế 1.405 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2016 và đạt 187% so với kế hoạch ĐHCĐ giao.

Kế hoạch năm 2018, VIB sẽ tăng lợi nhuận trước thuế lên 2.005 tỷ đồng, huy động vốn khách hàng tăng 20% và tín dụng tăng 25%. Tuy nhiên, năm nay lãnh đạo Ngân hàng đề xuất giảm tỷ lệ chi trả thù lao cho HĐQT và Ban Kiểm soát trên mức lợi nhuận làm ra khi chỉ xin cổ đông phê duyệt mức thù lao tối đa là 1,5% lợi nhuận trước thuế. Như vậy, nếu Ngân hàng đạt lợi nhuận 2.005 tỷ đồng theo kế hoạch, thù lao cho HĐQT và Ban Kiểm soát sẽ vào khoảng 30 tỷ đồng.

 Tại ĐHCĐ năm nay, Sacombank vẫn nói không với cổ tức 

Tại ĐHCĐ Techcombank vừa diễn ra, HĐQT ngân hàng này quyết định tiếp tục không chia cổ tức năm 2017 cho cổ đông, nhằm tạo tính hấp dẫn cho nhà đầu tư khi niêm yết cổ phiếu trên sàn TP.HCM sắp tới. Trong khi đó, kết quả kinh doanh năm 2017 của Techcombank rất ấn tượng, đạt được hơn 8.000 tỷ đồng.

Thù lao cố định thực hiện cho HĐQT và Ban Kiểm soát của ngân hàng này ở mức 29 tỷ đồng cho 11 thành viên, giảm 2 tỷ đồng so với kế hoạch đưa ra đầu năm ngoái. Mức thù lao HĐQT và Ban kiểm soát  năm 2018 của Techcombank cũng cố định mức gần 32 tỷ đồng. Tuy nhiên, HĐQT và Ban Kiểm soát Techcombank không nhận thù lao thành tích năm 2017 và cũng có kế hoạch tiếp tục thực hiện chủ trương này trong năm 2018.

Tại ĐHCĐ ngày 31/3, HĐQT OCB đề xuất ĐHCĐ thông qua tổng mức thù lao, phụ cấp chuyên trách hoạt động năm 2018 của HĐQT và Ban Kiểm soát ở mức 20 tỷ đồng (tương đương 1% lợi nhuận trước thuế Ngân hàng dự kiến đạt trong năm 2018 là 2.000 tỷ đồng).

Còn đối với MB, về thù lao và ngân sách hoạt động của HĐQT và Ban kiểm soát năm 2018, dự kiến sẽ chi 1% lợi nhuận sau thuế của năm tài chính 2018. Trong năm 2018, MB dự kiến thu về 6.800 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 47% so với năm 2017, trong đó lợi nhuận mang về cho cổ đông ngân hàng mẹ là 6.500 tỷ đồng, tăng 21% so với năm trước. Ngân hàng cũng đặt mục tiêu chia cổ tức trong năm 2018 không thấp hơn 11%.

VPBank chi tới 49 tỷ đồng để trả lương và phụ cấp khác cho các thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát và Ban Tổng giám đốc trong năm 2017, tăng 47% so với năm 2016. Với 5 thành viên HĐQT, 3 thành viên Ban Kiểm soát và 9 thành viên Ban Tổng giám đốc tính đến cuối năm 2017, trung bình một lãnh đạo cấp cao VPBank nhận về hơn 2,88 tỷ đồng lương và phụ cấp khác trong năm qua. Đáng chú ý, với những vị trí kiêm nhiệm như ông Nguyễn Đức Vinh (thành viên HĐQT đồng thời cũng là Tổng giám đốc), thù lao có lẽ cao hơn nhiều so với con số bình quân trên.

Sacombank tăng thù lao cho HĐQT và Ban Kiểm soát năm 2017 gấp hơn 2,5 lần so với năm 2016 lên mức 18,5 tỷ đồng. Trong khi đó, gần 20 người trong Ban Giám đốc được chi trả tổng cộng hơn 54 tỷ đồng, giảm 15% so với năm 2016. Trung bình, mỗi “sếp” tại Sacombank nhận về tới 2,9 tỷ đồng trong năm qua, tức khoảng 238 triệu đồng/tháng.

Thế nhưng, lãnh đạo cấp cao của nhiều nhà băng vẫn cho rằng, với mức thù lao và chi phí nhận được hiện nay vẫn chưa tương xứng với trách nhiệm khá nặng nề mà họ đang phải gánh vác.

Vẫn chưa xứng với trách nhiệm và rủi ro cao

Trước bức xúc của cổ đông về việc tại sao nhiều năm qua, Sacombank vẫn nói “không” với cổ tức, trong khi đó HĐQT, Ban kiểm soát vẫn nhận mức thù lao “khủng”, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng cho rằng, trong năm qua, để xử lý được khối nợ xấu khổng lồ 20.000 tỷ đồng trong tổng nợ xấu gần 100.000 tỷ đồng, ông đã tham dự không dưới 100 cuộc họp với cấp dưới để tìm ra giải pháp tốt nhất cho quá trình đẩy mạnh xử lý nợ xấu, tái cơ cấu ngân hàng bất kể ngày hay đêm.

Trong khi đó, bản thân ông đầu tư vào Sacombank cũng mong muốn nhận cổ tức, nhưng trong bối cảnh Ngân hàng đang phải tập trung mọi nguồn lực để tái cơ cấu nên chưa thể mong lúc này, mà kỳ vọng sau 3 - 5 năm nữa sẽ hoàn tất tái cấu trúc, có cổ tức.

Đáng chú ý là trong bối cảnh thị trường tài chính còn khó khăn nhất định, lãnh đạo cấp cao một ngân hàng cho rằng, quá trình xử lý nợ xấu vẫn chưa thể đẩy nhanh, kể cả khi Nghị quyết 42 được ban hành. Trong khi đó, nguy cơ nợ xấu mới vẫn phát sinh đòi hỏi người điều hành phải nỗ lực lớn trong quản trị mới có thể hạn chế ở mức tối thiểu.

“Công sức bỏ ra của chúng tôi không thể đo đếm bằng chừng ấy mức thù lao. Vì thực tế, nếu sơ sẩy, hậu quả rất khó lường. Thị trường cũng đang chứng kiến nhiều đại án trong ngành ngân hàng được đưa ra xét xử, cho thấy sự phức tạp của công việc này”, vị lãnh đạo trên nói.

Trước thắc mắc của cổ đông về thù lao HĐQT, Ban Kiểm soát, ông Võ Tấn Hoàng Văn, thành viên HĐQT, kiêm Tổng giám đốc SCB cho rằng, thù lao HĐQT nên tính theo lợi nhuận ngân hàng. Theo ông Văn, SCB tính thù lao HĐQT trên cơ sở số cố định và không phát sinh thêm. Mức lương bình quân mỗi thành viên HĐQT là hơn 100 triệu đồng/tháng.

Thực sự con số này là không cao so với đóng góp của HĐQT, bởi đó không chỉ là lương, mà bao gồm các chi phí hoạt động như đi lại, công tác, tiếp khách… Mặt khác, một số thành viên HĐQT SCB chỉ nhận một phần nhỏ trong thù lao, phần còn lại đóng góp vào Quỹ Chung sức SCB để hỗ trợ cán bộ công nhân viên Ngân hàng. Mức thù lao, ngân sách hoạt động HĐQT, Ban Kiểm soát năm 2017 của SCB là 13 tỷ đồng.

Thực tế, thù lao lãnh đạo nhà băng luôn là một trong những vấn đề nóng tại mùa ĐHCĐ ngân hàng bên cạnh vấn đề lợi nhuận, nợ xấu, cổ tức… Theo lãnh đạo các nhà băng, việc trích thù lao HĐQT, ban kiểm soát vài phần trăm trên tổng lợi nhuận sau thuế là đương nhiên. Tuy nhiên, bên cạnh những nhà băng chi trả thù lao ở mức hợp lý thì cũng không tránh khỏi lãnh đạo ở một vài ngân hàng khiến cổ đông bức xúc.

Điều này từng xảy ra tại Eximbank khi tại ĐHCĐ thường niên 2017, cổ đông nhà băng này kiến nghị thu hồi 52 tỷ đồng thù lao đã trả chi vượt cho sếp cũ (HĐQT, Ban Kiểm soát) trong 3 năm liên tiếp trước đây (năm 2013, 2014, 2015), song đến nay vẫn chưa có kết quả.

ĐHCĐ Eximbank 2018 vẫn có tờ trình cổ đông thông qua mức thù lao cho Ban Kiểm soát năm 2017 ở mức 6,5 tỷ đồng, đồng thời giữ mức này cho năm 2018. Thù lao HĐQT trong năm 2018 cũng được Eximbank trình ĐHCĐ thông qua mức 2% trên tổng lợi nhuận năm 2018 (mục tiêu 1.600 tỷ đồng), nhưng mức thù lao này sẽ không thấp hơn dưới 15 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong tài liệu ĐHCĐ vừa được công bố không có tờ trình thù lao HĐQT của Ngân hàng trong năm 2017.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, nhân sự ngân hàng, đặc biệt là nhân sự cấp cao sẽ có nhiều biến động trong thời gian tới do những tác động từ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 15/1/2018. Bởi theo quy định mới, lãnh đạo cấp cao ngân hàng sẽ không được kiêm nhiệm giữ vị trí chủ chốt tại các doanh nghiệp khác.

Cụ thể, chủ tịch HĐQT, chủ tịch Hội đồng thành viên, tổng giám đốc của TCTD không được đồng thời là chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, chủ tịch hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

Thực tế, nhân sự tại một số ngân hàng đã có biến động sau kỳ ĐHCĐ năm nay. Các lãnh đạo như ông Dương Công Minh - Sacombank cũng như “bầu” Hiển - SHB, ông Hồ Hùng Anh - Techcombank... đã chọn nắm quyền điều hành chủ tịch HĐQT ở các nhà băng này. Trong khi đó, Kienlongbank năm nay cũng bầu lại HĐQT nhiệm kỳ 2018 - 2022. Theo đó, Chủ tịch Kienlongbank, ông Võ Quốc Thắng sẽ thôi nắm quyền tại Ngân hàng, giữ ghế Chủ tịch Tập đoàn Đồng Tâm.

Phương Anh
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2018

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục