Giá điện tăng, bài toán điều hành chính sách tiền tệ thêm khó

(ĐTCK) “Cân bằng được những điều này: Ổn định tiền đồng, tỷ giá; chấp nhận lạm phát ở mức nào đó và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế là bài toán muôn vàn khó khăn và áp lực đối với chính sách tiền tệ”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế chia sẻ.
Việc giá cả hai nguồn năng lượng là điện và xăng dầu tăng sẽ khiến mục tiêu giữ lạm phát ở mức dưới 4% trở nên khó khăn hơn. Việc giá cả hai nguồn năng lượng là điện và xăng dầu tăng sẽ khiến mục tiêu giữ lạm phát ở mức dưới 4% trở nên khó khăn hơn.

“Tiến thoái lưỡng nan”

Giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng 8,36% (tương đương tăng hơn 144,44 đồng/kWh) kể từ ngày 20/3. Giá điện tăng khiến chi phí sản xuất tăng tương ứng và chi phí này sẽ được san sẻ cho người tiêu dùng bằng cách điều chỉnh nhích lên giá hàng hóa, dịch vụ... cho tới khi hình thành một mặt bằng giá mới. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, giá điện tăng 8,36% sẽ khiến CPI tăng 0,29%.

Chưa kể, giá các mặt hàng xăng nhẽ ra đã tăng tới hơn 800 đồng/lít vào ngày 18/3 nếu các cơ quan liên bộ không sử dụng quỹ bình ổn để giữ giá xăng, góp phần kiểm soát kỳ vọng lạm phát trong nền kinh tế.

Trao đổi với Ðầu tư Chứng khoán, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định, việc tăng giá điện trong bối cảnh hiện nay sẽ ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ. Bởi một trong những mục tiêu của chính sách tiền tệ là ổn định đồng tiền, trong khi giá điện tăng là lực đẩy cho lạm phát. Một khi lạm phát đi lên, mục tiêu ổn định của chính sách tiền tệ sẽ bị ảnh hưởng.

Thực tế cho thấy, chính sách tiền tệ đang trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan” với nhiệm vụ vừa kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ tăng trưởng. Rõ ràng với việc lạm phát đang chịu nhiều sức ép như hiện nay, chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát cần phải kiểm soát cung tiền chặt chẽ. Nhưng ở góc độ khác, việc thắt chặt tiền tệ lại ảnh hưởng tới mục tiêu thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, từ đó ảnh hưởng tới đà tăng trưởng kinh tế vốn đang được dự báo sẽ giảm 0,22% vì giá điện tăng.

TS. Hiếu cho rằng, điện là sản phẩm không thể thiếu đối với người dân và mỗi quốc gia; là một trong những loại hàng hóa đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế. Bởi vậy, việc hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp ngành điện là cần thiết, nhằm bù đắp một phần chi phí. Tăng giá điện vi mô là hợp lý, nhưng ở mặt vĩ mô lại tác động đến lạm phát, khi hàng hóa “tát nước theo mưa”, đặc biệt trong bối cảnh nhiều khả năng giá xăng sẽ đi lên. 

“Việc giá cả hai nguồn năng lượng là điện và xăng dầu tăng sẽ khiến mục tiêu giữ lạm phát ở mức dưới 4% trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, phải chấp nhận lạm phát trong mức độ kiểm soát được để có thể tiếp tục phát triển kinh tế”, TS. Hiếu nói và cho biết, thực tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn có những biện pháp để kiểm soát lạm phát không tăng quá mạnh. Theo đó, kịch bản tốt nhất là lạm phát ở ngưỡng 4,5% và tối đa là 5%.

Trong bối cảnh này, chính sách tiền tệ kiểm soát cung tiền là chính, nhưng để cân bằng, Chính phủ có thể phát hành trái phiếu nhiều hơn, nhằm hút lượng tiền trong lưu thông.

“Tôi nhận định, năm nay Chính phủ sẽ phát hành trái phiếu mạnh hơn”, TS. Hiếu cho biết.

Ðáng chú ý, không riêng yếu tố thúc đẩy lạm phát từ trong nước, chính sách tiền tệ còn chịu thử thách ổn định đồng nội tệ trước một số áp lực từ bên ngoài. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào xuất khẩu, khi đó, việc tiền đồng giảm giá sẽ hỗ trợ xuất khẩu, nhưng đẩy lạm phát đi lên. Làm cách nào để ổn định đồng tiền, kiểm soát lạm phát là bài toán đau đầu đối với các cơ quan điều hành chính sách tiền tệ. 

Cơ chế điều hành tỷ giá cần linh hoạt hơn

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận định: “Ðối với NHNN, từ trước tới nay, cơ quan này duy trì nhiệm vụ đa mục tiêu như kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Ðiều này dẫn tới việc đôi lúc phải giảm mặt bằng lãi suất, mở rộng tín dụng, nhưng đồng thời phải kiểm soát chất lượng tín dụng, đảm bảo giảm nợ xấu… - những mục tiêu rõ ràng mâu thuẫn lẫn nhau”.

Với sự khó xử như vậy của NHNN, trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia kinh tế đến từ Ðại học Kinh tế quốc dân khuyến nghị, cần nhất quán và liên tục coi lạm phát ổn định và được duy trì ở mức thấp là mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất của chính sách tiền tệ. Ðiều này cần được thể hiện trong các văn bản điều hành của Chính phủ và NHNN.

Ðây cũng là những nền tảng quan trọng nhất đảm bảo phân bố nguồn lực hiệu quả và do vậy, không mâu thuẫn với tăng trưởng bền vững. Chính sách tiền tệ cần tiếp tục thận trọng, đảm bảo mức tăng cung tiền không quá 15% mỗi năm. Cần linh hoạt sử dụng các công cụ chính sách để đảm bảo duy trì mức tăng cung tiền và tín dụng ổn định.

Bên cạnh đó, cơ chế điều hành tỷ giá cần linh hoạt hơn nữa. Về cơ bản, với cơ chế điều hành hiện nay, đồng Việt Nam đang được định giá cao so với các đồng tiền chủ chốt khác và đang được kiềm giữ ở mức độ tương đổi ổn định, sử dụng chủ yếu công cụ dự trữ ngoại hối.

Trong bối cảnh dài hạn hơn (đặc biệt khi sức ép Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất đi lên) nếu muốn giữ ổn định tỷ giá, NHNN sẽ phải sử dụng với hàm lượng mạnh hơn công cụ lãi suất. Ðiều này dẫn đến tình thế lưỡng nan khi mục tiêu tăng trưởng đang được chú trọng hơn trong giai đoạn hiện nay.

“Ðồng Việt Nam mất giá ở mức độ vừa phải có thể khiến lạm phát gia tăng trong ngắn hạn, theo đó, NHNN có thể sử dụng các công cụ thắt chặt hơn như gia tăng lãi suất. Tuy vậy, lãi suất gia tăng ở đây để giảm áp lực lạm phát, thay vì để giữ ổn định tỷ giá. Lãi suất gia tăng trong trường hợp này có thể không nhất thiết ảnh hưởng đến tăng trưởng, bởi nền kinh tế có thể được hưởng lợi từ việc đồng Việt Nam được định giá hợp lý hơn, gia tăng tính cạnh tranh cho hàng Việt”, các chuyên gia kinh tế đến từ Ðại học Kinh tế quốc dân nhận xét.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục