Gập ghềnh thanh toán điện tử

(ĐTCK) Chị Vũ Hồng tại quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, chị khá hài lòng với dịch vụ thu tiền điện, nước, điện thoại… qua ngân hàng như hiện nay. Trước đây, chị phải về sớm, hoặc không ra ngoài vào buổi chiều tối trong những ngày đầu tuần để ở nhà “canh” việc thanh toán tiền điện, nước, truyền hình cáp…
Người dân vẫn còn e ngại việc thanh khoản điện tử Người dân vẫn còn e ngại việc thanh khoản điện tử

“Nếu sau 3 lần nhân viên thu tiền điện đến mà mình không có nhà, họ sẽ kẹp tờ thông báo đóng tiền điện ở cửa và gia đình phải tự lên trung tâm điện lực của phường (hoặc quận, thành phố) để nộp tiền. Phức tạp ở chỗ, các trung tâm này chủ yếu làm việc trong giờ hành chính, nếu ‘tranh thủ’ được thì không sao, nhưng nếu cơ quan nhiều việc không ra ngoài được, là khi về nhà chỉ lo bị cắt điện…”, chị Hồng chia sẻ.

Tuy nhiên, trường hợp thanh toán không dùng tiền mặt như chị Hồng cũng không hẳn đã phổ biến. Theo ông Đặng Công Hoàn, Giám đốc Kinh doanh Thẻ và dịch vụ chấp nhận thanh toán thẻ Techcombank, trong những năm vừa qua, việc thanh toán điện tử cho các khu vực dân cư được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rất quan tâm, nhằm hướng tới tạo lập một hệ thống dịch vụ thanh toán hiện đại, an toàn cho người dân, góp phần nâng cao hiệu quả và minh bạch cho nền kinh tế. Tuy vậy, dịch vụ thanh toán điện tử hiện đại phục vụ hoạt động thanh toán bán lẻ của người dân vẫn còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ giao dịch bán lẻ hiện đại chỉ đạt 25%, thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan là 34%, Trung Quốc là 51%, Malaysia là 60%, Singapore là 90%...

Ông Hoàn cũng chỉ rõ: “Các công cụ thanh toán điện tử trong thanh toán bán lẻ tuy đã có những sự phát triển nhanh về số lượng, nhưng về chất lượng vẫn còn nhiều điều cần phải nâng cao”.

Theo một nghiên cứu chuyên sâu trên mẫu 500 người dân trong 2 năm 2014 và 2015 để đánh giá mức độ cảm nhận về lợi ích khi thanh toán điện tử, có một tỷ lệ cao số khách hàng được điều tra lo ngại về an toàn trong quá trình sử dụng dịch vụ: 36,7% số người lo ngại yếu tố “hệ thống không ổn định, hay trục trặc”, hay có 17,6% số người được hỏi cho rằng, thanh toán điện tử cũng không tiện hơn là mấy so với tiền mặt. Điều này dẫn đến tỷ lệ gần 50% số khách hàng đang đòi hỏi các ngân hàng thương mại (NHTM) và các đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán cần nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán điện tử ở tất cả các khâu (phát hành thẻ, đăng ký thanh toán ngân hàng điện tử…), nhằm đem lại cho khách hàng sự an toàn, tin tưởng trong quá trình sử dụng.

Một vấn đề cũng được ông Hoàn thẳng thắn đề cập, đó là việc các ngân hàng cũng cần minh bạch và đưa ra một mức phí phù hợp với khách hàng, cũng như tăng cường lắp đặt các thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ. Bởi cũng theo nghiên cứu trên, có 41% số khách hàng mong muốn tiếp tục được giảm phí và 34% mong muốn các ngân hàng mở rộng mạng lưới thanh toán thẻ hơn so với hiện nay.

“Bên cạnh đó, còn một tỷ lệ lớn số người lo lắng về an toàn trong quá trình sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử và tình trạng phân biệt đối xử khi thanh toán điện tử (bị thu thêm phí, e ngại việc nộp thuế…), nên có 40,8% số khách hàng cho rằng, Nhà nước cần ban hành chính sách bảo vệ người tiêu dùng và chính sách khuyến khích thanh toán điện tử”, ông Hoàn chia sẻ.

Đại diện NHNN, ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán chia sẻ, với vai trò chức năng nhiệm vụ của mình, NHNN đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp theo lộ trình, để hoàn thành những mục tiêu đặt ra tại Đề án Thanh toán không dùng tiền mặt, nhằm giảm dần tỷ trọng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán qua các năm, từ mức 19,27% năm 2006, xuống mức 12% năm 2015.

NHNN đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tổng kết, đánh giá việc triển khai Đề án đẩy mạnh thanh toán điện tử giai đoạn 2011-2015 để làm cơ sở đề xuất những giải pháp tiếp tục phát triển các hệ thống thanh toán. Trong đó, cốt lõi là các phát triển các phương tiện thanh toán điện tử hiện đại, đơn giản, tiện lợi và có chi phí hợp lý, phù hợp với thu nhập và văn hóa của người Việt giai đoạn 2016-2020.

Ông Bùi Quang Tiên cho biết thêm, những hành động cụ thể nhằm phát triển thanh toán điện tử tại Việt Nam trong thời gian tới được NHNN đề xuất như sau: Thứ nhất, đồng bộ hóa hành lang pháp lý để quản lý, giám sát, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình, phương tiện, hệ thống thanh toán điện tử mới phát triển…;

Thứ hai, cơ sở vật chất, hạ tầng thanh toán cần đáp ứng với nhu cầu của thực tế;

Thứ ba, các sản phẩm dịch vụ thanh toán, ứng dụng các phương tiện hiện đại cần được đa dạng hóa, nâng cao chất lượng, chú trọng đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực nông thôn, cung ứng các dịch vụ đa dạng, phong phú gắn với tăng cường tiếp cận tài chính (Financial Inclusion) ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa;

Thứ tư, tăng cường quản lý, giám sát đối với các hệ thống thanh toán quan trọng, các phương tiện, dịch vụ thanh toán điện tử, đảm bảo các hệ thống thanh toán trong nền kinh tế hoạt động an toàn, hiệu quả và thông suốt…             

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục