Gánh nặng lãi suất USD

Hiện lãi suất huy động USD tại hầu hết ngân hàng, trong đó đáng chú ý nhất là khối NHTMCP tiếp tục được điều chỉnh theo chiều hướng tăng dần. Lãi suất USD của một số ngân hàng Việt Nam đã tăng cao hơn so với mức lãi suất cơ bản USD do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố hiện nay là 5,25%.
Gánh nặng lãi suất USD

Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) vừa điều chỉnh lãi suất huy động USD với biên độ tăng cho các kỳ hạn 1 - 24 tháng dao động từ 0,12 - 0,73%/năm. Trong đó, tăng mạnh nhất là các kỳ hạn 10 tháng và kỳ hạn 11 tháng, với các khách hàng gửi từ 100.000 USD trở lên, lãi suất tăng tương ứng từ 4,65%/năm lên 5,38%/năm và từ 4,7%/năm lên 5,42%/năm…

Tương tự, lãi suất huy động ngoại tệ của Ngân hàng Nam Á (NamA Bank) cũng vừa được điều chỉnh tùy từng kỳ hạn. So với mức lãi suất huy động USD của các ngân hàng bạn, mức lãi suất của NamA Bank cao hơn từ 0,05 - 0,15%/năm. Cụ thể, mức lãi suất huy động USD không kỳ hạn của NamA Bank hiện nay là 1,6%/năm; 6 tháng: 5%/năm; 12 tháng: 5,35%/năm... Ông Hoàng Văn Toàn, Tổng giám đốc NamA Bank cho biết, mục đích của đợt tăng lãi suất tiết kiệm USD lần này là để huy động được nguồn ngoại tệ đủ lớn, đáp ứng yêu cầu hoạt động kinh doanh ngoại hối của doanh nghiệp trong thời gian tới, nhất là vào dịp cuối năm.

Theo quy luật, lãi suất đầu vào tăng sẽ kéo theo lãi suất đầu ra tăng. Điều này có nghĩa, lãi suất cho vay sẽ tăng theo nhịp độ của lãi suất huy động và người phải chịu gánh nặng này chính là các doanh nghiệp cần vốn ngoại tệ.

Bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu da giày Liên Phát cho biết, trong sản xuất hàng xuất khẩu da giày hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam phải nhập nguồn nguyên phụ liệu từ nước ngoài, vì thị trường nội địa chưa có khả năng đáp ứng. Chính vì vậy, doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu luôn cần vốn ngoại tệ để nhập hàng, nhưng khả năng đáp ứng thường rất thấp nên rất cần đến nguồn ngoại tệ, nhất là USD từ ngân hàng. Nếu lãi suất USD ngày càng tăng sẽ là một khó khăn lớn cho doanh nghiệp.

Hiện mức lãi suất USD đầu ra tại các ngân hàng phổ biến ở mức 6,5% - 7%/năm. Phải vay vốn USD với lãi suất cao hơn trước khoảng 0,03 - 0,05%/tháng, các nhà nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa cho biết, để bù lỗ và đảm bảo doanh thu chỉ còn cách là tăng giá cả hàng hóa bán ra. Tuy nhiên, giám đốc một công ty chuyên sản xuất các mặt hàng nhựa ở TP. HCM cho rằng, điều này chỉ phù hợp với các nhà nhập khẩu hàng hóa về tiêu thụ trên thị trường nội địa. Còn các nhà nhập khẩu nguyên phụ liệu tái sản xuất để tiếp tục xuất khẩu ra nước ngoài sẽ khó thực hiện. Một phần, đơn đặt hàng đã được ký trước khi các ngân hàng đua tăng lãi suất USD trong 2 tháng nay. Mặt khác, để tăng giá cả hàng hóa bán ra cũng là một bài toán đau đầu của doanh nghiệp, vì nếu không có sự tính toán kỹ sẽ khó thu hút được người tiêu dùng. Do vậy, cách tốt nhất là tiết giảm tối đa chi phí sản xuất.

Ông Lưu Đức Khánh, Tổng giám đốc ABBANK cho biết, trong kinh doanh tiền tệ, nguồn thu của các ngân hàng chủ yếu là từ hoạt động cho vay. Do vậy, lãi suất huy động tăng chắc chắn các ngân hàng sẽ khó giữ nguyên lãi suất đầu ra. Nhưng đối với ABBANK, sau đợt tăng lãi suất huy động USD vừa rồi, Ngân hàng chưa điều chỉnh lãi suất cho vay. Tuy nhiên, ông Khánh cũng thừa nhận, Ngân hàng khó có thể kiềm chế được lâu, vì hiện tỷ lệ dữ trữ bắt buộc đã được điều chỉnh lên 10%, thay vì chỉ có 5% như trước. Các ngân hàng vừa phải chịu áp lực tăng dự trữ bắt buộc, vừa phải chịu áp lực huy động vốn trong bối cảnh TTCK tăng trưởng cao. Thêm vào đó, nhu cầu vốn của doanh nghiệp, nhất là các nhà xuất nhập khẩu trong những tháng còn lại của năm 2007 sẽ tăng mạnh hơn đầu năm. Do vậy, nếu không tăng lãi suất tiết kiệm, ngân hàng khó có thể huy động được vốn đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Vân Linh
Vân Linh

Tin cùng chuyên mục