Fintech, người hùng hay “kẻ phá bĩnh”?

(ĐTCK) Fintech (financial technology - công nghệ tài chính) là một thuật ngữ khá phổ biến thời gian gần đây, đề cập đến một lĩnh vực nơi công nghệ và dịch vụ tài chính giao thoa.
Khi smartphone trở thành vật bất ly thân của giới trẻ thì Fintech có một dư địa khổng lồ để phát triển Khi smartphone trở thành vật bất ly thân của giới trẻ thì Fintech có một dư địa khổng lồ để phát triển

Việt Nam - mảnh đất màu mỡ của FinTech

Nói đến Fintech là nói đến một làn sóng các công ty khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ trên thế giới trong giai đoạn 2011 - 2015, với nỗ lực cải tiến và ứng dụng công nghệ trong việc thiết kế và cung cấp các dịch vụ tài chính.

Việt Nam có dân số đông và trẻ, đang trên đà tăng trưởng, với thị trường tài chính còn nhiều tiềm năng phát triển, hứa hẹn là mảnh đất màu mỡ để Fintech phát triển trong thời gian tới.

Trước hết, hãy nhìn lại thực tế của ngành Fintech tại Việt Nam. Song song với ngân hàng truyền thống, trong khoảng 6 - 7 năm gần đây, các dịch vụ công nghệ tài chính đã dần hình thành, cung cấp cho khách hàng, người sử dụng những “sản phẩm thay thế và bổ sung” cho dịch vụ ngân hàng, trước tiên là trong mảng thanh toán trực tuyến, sau đó là một số dịch vụ khác như gây quỹ cộng đồng, cho vay trực tuyến, quản lý dữ liệu tài chính cá nhân…

Nếu biết hợp tác đúng cách, Fintech sẽ giúp “độ phủ sóng” của ngân hàng được sâu và rộng hơn, “là cánh tay nối dài” của các ngân hàng   

Fintech tại Việt Nam hiện nay có khoảng 30 đại diện đi đầu, phần lớn tập trung vào mảng thanh toán. Những tên tuổi nổi bật nhất là những đơn vị cung cấp cho người tiêu dùng công cụ thanh toán trực tuyến như 1Pay, 123Pay, Payoo, VinaPay, OnePay, MoMo..., giải pháp thanh toán kỹ thuật số POS/MOS như iBox, Moca... Việc nhiều startup Fintech tập trung vào thanh toán trực tuyến không phải là điều bất ngờ, bởi ngành thương mại điện tử tại Việt Nam được dự đoán có tiềm năng phát triển rất lớn.

Xét về tiềm năng của thị trường, có nhiều lý do để Fintech phát triển mạnh tại Việt Nam. Việt Nam có dân số trẻ, với nhóm người trong độ tuổi từ 20 - 40 rất năng động, thích các trải nghiệm kỹ thuật số, cuộc sống của họ gắn liền với internet và thế giới mạng. Với nhóm khách hàng này, dịch vụ ngân hàng truyền thống, với giấy tờ và nhiều thủ tục khác, dường như khá lỗi thời và kém hấp dẫn.

Ngoài ra, bản thân ngành ngân hàng Việt Nam cũng chưa phủ sóng tốt thị trường, khi tỷ lệ người sở hữu tài khoản ngân hàng và thẻ tín dụng còn ở mức khá thấp. Những xu hướng này đem lại một cơ hội thực sự cho các công ty đang cung cấp mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng kỹ thuật số.

 FinTech - “kẻ phá bĩnh” đối với ngân hàng

Sự phát triển của Fintech đặt ra cả những thách thức cho ngành ngân hàng truyền thống.

Trước tiên, thách thức từ phía các doanh nghiệp Fintech nằm ở việc họ tham gia cung cấp dịch vụ thanh toán, mua bán online - dịch vụ mang lại một nguồn thu ngoài lãi quan trọng của các ngân hàng nhờ khả năng tiếp cận nhóm khách hàng cá nhân nhỏ lẻ khá dễ dàng.

Ông Nguyễn Văn Thanh Hải, Phó tổng giám đốc SCB

Ngoài ra, cũng có thể dự đoán một thách thức tiềm năng khác, đó là khi Fintech liên kết với các định chế tài chính phi ngân hàng để cung cấp thử nghiệm các dịch vụ, từ đó sẽ lấn sân, cạnh tranh với ngân hàng truyền thống trong các mảng dịch vụ khác như tín dụng tiêu dùng, mua bán trả chậm…

Sự xuất hiện của Fintech cũng thể hiện những nguy cơ cho các khoản đầu tư mà ngân hàng đã đổ vào các dịch vụ như thẻ, ATM, ngân hàng điện tử…

Tất nhiên, song song với thách thức là cơ hội. Fintech là những doanh nghiệp công nghệ tiên phong, năng động, đổi mới liên tục và hiệu quả. Do đó, nếu ngân hàng hợp tác thành công với Fintech thì có khả năng gia tăng đáng kể lượng khách hàng hiện hữu, tăng hiệu quả của các chi phí đầu tư, giảm phí dịch vụ, đẩy nhanh quá trình thanh toán không dùng tiền mặt trên thị trường nội địa.

Trên nền tảng phân tích đó, vấn đề đặt ra ở đây là ngân hàng truyền thống, với các văn phòng, chi nhánh và điểm giao dịch cụ thể, nên phản ứng như thế nào trước trào lưu tuy mới mẻ, nhưng được dự báo sẽ rất phát triển và trở thành “đối thủ” trực tiếp?

Có thể nhận thấy, sự cải tiến công nghệ trong lĩnh vực tài chính thường đến từ phía các công ty công nghệ hơn là ngân hàng. Vì đó là nơi tập trung nhiều bộ óc trẻ có tài năng lập trình và niềm tin vào giá trị công nghệ có thể mang lại cho khách hàng.

Cải tiến và công nghệ hóa là xu hướng tất yếu, không chỉ của ngành ngân hàng, mà còn của nhiều ngành khác như bán lẻ, vận tải…, điều này thể hiện rõ với sự thành công của Uber, Grab…, hay những đổi mới của chính những đại gia bán lẻ như Walmart, Amazon...

Hiện nay, trừ lĩnh vực cho vay (Ngân hàng Nhà nước chỉ cho phép ngân hàng, công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô được phép thực hiện nghiệp vụ cho vay), với sức mạnh công nghệ của mình, các Fintech đã đáp ứng hầu hết dịch vụ tài chính mà trước đây các ngân hàng “độc quyền” như gửi tiết kiệm, rút tiền, chuyển tiền, thanh toán, quản lý tài chính cá nhân…

Khách hàng có thể tiếp cận hầu hết dịch vụ tài chính với chi phí rẻ hơn, dễ dàng hơn, mà không cần đến giao dịch trực tiếp tại ngân hàng. Một cách hoàn toàn tự nhiên, các ngân hàng truyền thống có thể nhìn Fintech như “kẻ phá bĩnh”, bởi các công ty này có thể thay thế cung cấp rất nhiều dịch vụ ngân hàng.

Chẳng hạn, với nghiệp vụ tiền gửi, các Fintech có ví điện tử, có hệ thống rút tiền riêng, thậm chí với nghiệp vụ cho vay, Fintech cũng có thể kết hợp với công ty tài chính để cho vay…

Ngân hàng cần chủ động hợp tác với FinTech

Các doanh nghiệp Fintech khẳng định, hiện nay, Fintech chỉ nhắm vào các đối tượng nằm “ngoài vùng phủ sóng” của ngân hàng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Fintech sẽ không cạnh tranh với các dịch vụ truyền thống của nhà băng.

Trên thế giới, sự trỗi dậy của Fintech cũng đe dọa thị phần của nhiều ngân hàng. Tại Việt Nam, do đang ở giai đoạn đầu phát triển, nên các Fintech còn khá nhỏ bé về quy mô, chưa có khả năng đe dọa trực tiếp tới ngân hàng. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu vẫn tiếp tục giữ lối kinh doanh bảo thủ, ngân hàng sẽ phải dè chừng sự cạnh tranh từ các Fintech, không chỉ trong nước, mà còn từ quốc tế.

Do đó, xu thế của ngành ngân hàng phải là tận dụng những lợi thế và cải tiến công nghệ của Fintech, chủ động tìm hướng hợp tác và tích hợp với những doanh nghiệp Fintech, để vừa phục vụ tốt hơn khách hàng, vừa tìm kiếm lợi ích cho chính mình.

Fintech, người hùng hay “kẻ phá bĩnh”? ảnh 2

Mặc dù vậy, trên thực tế, do Fintech còn khá mới mẻ, nên đa số ngân hàng Việt Nam còn dè dặt và chưa có chiến lược rõ ràng trong việc hợp tác với Fintech.

Khi so sánh, ngân hàng có ưu điểm là đáng tin cậy, tính pháp lý vững chắc, nhưng hạn chế về tính linh hoạt, quy trình thủ tục phức tạp… Trong khi đó, Fintech hướng tới sự trải nghiệm, tiện ích, song lại chưa chiếm được lòng tin cần thiết với khách hàng, do còn yếu về tính pháp lý, nguồn vốn hạn chế… Do đó, việc hợp tác giữa 2 bên là rất cần thiết để phát huy thế mạnh của nhau.

Về cơ bản, ngân hàng có thể hợp tác với Fintech để đổi mới sản phẩm, dịch vụ, nâng cao hiệu quả kinh doanh của mình bằng nhiều kênh như M&A (mua bán - sáp nhập), đầu tư mạo hiểm… Nếu biết hợp tác đúng cách, Fintech sẽ giúp “độ phủ sóng” của ngân hàng được sâu và rộng hơn, “là cánh tay nối dài” của các ngân hàng.

Ngược lại, các Fintech cũng rất mong được hợp tác với ngân hàng để phát triển. Bởi lẽ, với quy mô nhỏ, khả năng huy động vốn hạn chế, khung pháp lý chưa rõ ràng, nếu không có sự “bảo chứng” của ngân hàng, các Fintech ở Việt Nam rất khó để mở rộng quy mô.

Ngoài ra, có một thực tế khác là hiện vẫn còn nhiều người dùng e ngại với việc giao dịch tài chính trên mạng, khi vấn đề an toàn bảo mật chưa được bảo đảm bởi các công ty công nghệ. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, chưa đến 5% người dùng Internet Việt Nam dùng thời gian trên mạng để thực hiện các giao dịch tài chính. Thế nhưng, theo xu thế chung, tương tự như sự tiện lợi của smartphone, Fintech sẽ sớm phát triển và lấy được lòng tin từ khách hàng.

Có thể khẳng định rằng, tiếp theo ngân hàng điện tử, ngân hàng trực tuyến, Fintech chính là xu hướng tất yếu của ngành ngân hàng Việt Nam trong thời đại kỹ thuật số, một thời đại có đặc trưng là đổi mới và cải tiến công nghệ liên tục, với tốc độ và quy mô ngày càng nhanh.

Với Ngân hàng SCB, dựa trên những phân tích, đánh giá chi tiết, thận trọng về mặt chi phí, lợi ích, cũng như quản trị rủi ro, việc hợp tác với các Fintech đã được triển khai mạnh mẽ trong thời gian gần đây.

Chẳng hạn, tận dụng thế mạnh công nghệ và mảng dịch vụ/nhóm khách hàng riêng của từng Fintech, SCB đã đàm phán, hợp tác với một số đối tác trong các mảng sản phẩm dịch vụ như thanh toán online, chuyển tiền nhanh 24/7, thương mại điện tử, thanh toán hóa đơn…

Tôi cho rằng, nếu nắm bắt được xu thế phát triển tất yếu của Fintech, hợp tác với các doanh nghiệp Fintech, đánh giá và quản trị các rủi ro liên quan một cách hiệu quả, chúng ta có thể kỳ vọng ngành ngân hàng Việt Nam sẽ có một bước tiến mới về chất trong việc hoàn thiện và đa dạng hóa các sản phẩm, tiện ích tài chính - ngân hàng cung cấp cho khách hàng.

Nguyễn Văn Thanh Hải, Phó tổng giám đốc SCB
Đặc san toàn cảnh ngân hàng Việt Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục