Được mua trọn một tổ chức tài chính, còn xem đã…

(ĐTCK) NHNN vừa ban hành Thông tư số 38/2014/TT-NHNN quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài mua cổ phần của TCTD Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 1/02/2015. 
GPBank từng thất bại trong việc “bán mình” cho UOB GPBank từng thất bại trong việc “bán mình” cho UOB

Theo nội dung Thông tư, các NĐT mua cổ phần phải cam kết về việc gắn bó lâu dài với TCTD yếu kém, hỗ trợ TCTD yếu kém trong việc áp dụng công nghệ hiện đại, phát triển sản phẩm, dịch vụ, nâng cao năng lực tài chính, quản trị, điều hành…

Ngoài nội dung trên, tại Thông tư 38, NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng yếu kém trong nước, khi tìm được NĐT nước ngoài phù hợp, phải lập hồ sơ gửi NHNN xem xét, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của NĐT nước ngoài.

Theo quy định hiện hành, một cá nhân nước ngoài không được sở hữu quá 5% vốn điều lệ một của TCTD, với tổ chức là không quá 15%, NĐT chiến lược tối đa là 20%. Còn tổng tỷ lệ sở hữu tối đa của một NĐT nước ngoài và người có liên quan không được vượt quá 20% vốn điều lệ; với các tổ chức là không quá 30%. Trường hợp đặc biệt, để cơ cấu lại TCTD yếu kém, gặp khó khăn, mức sở hữu cổ phần cần vượt quá mức quy định trên, Thủ tướng sẽ quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của NĐT đó.

Tuy nhiên, theo Thông tư 38, NĐT nước ngoài mua cổ phần tại TCTD yếu kém của Việt Nam phải cam kết về việc gắn bó lợi ích lâu dài với TCTD, hỗ trợ TCTD đó trong việc áp dụng công nghệ hiện đại, phát triển sản phẩm, dịch vụ, nâng cao năng lực tài chính, quản trị, điều hành…

Đồng thời, để việc mua bán được minh bạch, NHNN cũng tiến hành lấy ý kiến Bộ Tài chính về các thông tin liên quan đến các vi phạm pháp luật chứng khoán của NĐT nước ngoài, tình hình sở hữu cổ phần của NĐT nước ngoài và người có liên quan tại TCTD Việt Nam mà NĐT nước ngoài đề nghị mua cổ phần, thông tin nhận diện NĐT.

Có thể nói, việc mở cửa cho NĐT ngoại mua lại TCTD yếu kém là một giải pháp được kỳ vọng sẽ tạo đột phá cho quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Thế nhưng, các ngân hàng nhỏ, yếu kém chưa hẳn đã hấp dẫn các NĐT nước ngoài, do nợ xấu vẫn là gánh nặng lớn.

Thương vụ UOB mua lại GPBank bất thành là một ví dụ. Dĩ nhiên, bên cạnh khả năng GPBank không còn hấp dẫn UOB, thì chính UOB cũng có thể không vừa mắt GBBank. Cả hai có lẽ đã không hiểu hết về nhau.

Theo nhận định của một chuyên gia tài chính nước ngoài, xét về lý thuyết thì phương án cho phép NĐT nước ngoài mua 100% vốn của TCTD yếu kém sẽ khả thi cho cả 2 bên, song vấn đề là, trong con mắt của NĐT nước ngoài, TCTD yếu kém phải có tiềm năng phát triển thì mới hấp dẫn họ.

Mặc dù lĩnh vực tài chính - ngân hàng Việt Nam vẫn được đánh giá là còn nhiều tiềm năng, nhưng “gánh nặng” nợ xấu đang là rào cản đối với NĐT.

Giám đốc Khối thị trường mới nổi Công ty Korea Investment & Securities, ông Yun Hang Jin cho rằng, việc cho phép mua 100% cổ phần tại TCTD yếu kém là cơ hội cho NĐT nước ngoài tham gia lĩnh vực ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, các ngân hàng nhỏ, yếu kém, theo ông, chưa hẳn đã hấp dẫn NĐT ngoại, vì nợ xấu là gánh nặng lớn.

Trong khi buộc NĐT nước ngoài phải cam kết khi mua lại TCTD yếu kém trong nước, thì việc NHNN ban hành Thông tư 36/2014/TT-NHNN có hiệu lực từ đầu tháng 2/2015 cũng “siết” chặt hơn vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống. Theo Thông tư 36, các NHTM chỉ được phép cho vay đầu tư kinh doanh cổ phiếu không quá 5% vốn điều lệ, mua và nắm giữ không quá 5% cổ phần của ngân hàng khác.

So với 2 năm trước, hiện tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống đã phần nào giảm kể từ khi NHNN đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, nhưng theo các chuyên gia tài chính, tình trạng này vẫn chưa hết hẳn. Vì thế, quy định nhằm gỡ sở hữu chéo tại Thông tư 36 là đúng, song để làm được, các NHTM phải đảm bảo công khai, minh bạch các số liệu liên quan, đặc biệt là tỷ lệ nợ xấu thực.

“Nếu xét về số liệu tổng thể thì tình trạng nợ xấu của ngân hàng Việt Nam đã được cải thiện. Nhưng nếu xét về thực tế tại các ngân hàng thì tình hình chưa chắc đã tốt hơn so với 2 năm trước. Bởi các thông tin được công bố từ các ngân hàng còn thiếu tính minh bạch và không đầy đủ, trong đó, có tỷ lệ nợ xấu”, ông Yun Hang Jin nói và cho rằng, mặc dù nợ xấu đã được đẩy mạnh bán cho VAMC, nhưng với TCTD yếu kém, lợi nhuận giảm, thậm chí lợi nhuận sau thuế âm thì không còn khả năng trích dự phòng.

Có lẽ, để một đối tác như một NĐT nước ngoài bỏ vốn và gắn bó lâu dài với một TCTD Việt yếu kém, điều đầu tiên cần là TCTD yếu kém đó phải… chân tình, bộc bạch.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục