Đua cùng nhà băng

(ĐTCK-online)Ngân hàng FPT, Ngân hàng Dầu khí, Ngân hàng VNPT... là những thương hiệu ngân hàng có khả năng xuất hiện trên thị trường tài chính vào cuối năm nay, với sự hậu thuẫn của các tập đoàn lớn, có năng lực tài chính dồi dào. Cuộc đua tranh giành thị phần của các ngân hàng trong những năm tới vì thế được dự báo là sẽ rất khốc liệt.
Nhiều doanh nghiệp lớn lên kế hoạch mở rộng đầu tư vào tài chính - ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp lớn lên kế hoạch mở rộng đầu tư vào tài chính - ngân hàng.

Đề cập khả năng cạnh tranh của Ngân hàng FPT trong tương lai, ông Hoàng Minh Châu, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty FPT cho biết, với FPT, nghiệp vụ ngân hàng không hề mới mẻ, bởi trong thời gian qua, công ty này đã cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến hệ thống công nghệ thông tin cho các ngân hàng; nhiều cán bộ của FPT nắm nghiệp vụ ngân hàng thành thục không kém nhân viên ngân hàng.

Cũng theo ông Châu, Đề án thành lập Ngân hàng FPT vừa được hoàn thiện lại để đệ trình Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Ngân hàng FPT có vốn điều lệ ban đầu là 1.000 tỷ đồng, với 3 cổ đông pháp nhân đồng sáng lập, gồm FPT, Tổng công ty Đầu tư - Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Công ty VMS MobiFone (mỗi bên đóng góp 15% vốn). Ngoài cổ đông pháp nhân, còn có nhiều cá nhân, trong đó có những nhân vật chủ chốt của FPT tham gia góp vốn thành lập Ngân hàng FPT.

Với Ngân hàng Dầu khí, ngay sau khi Quy chế Thành lập ngân hàng thương mại cổ phần, do NHNN ban hành, có hiệu lực, bản đề án cũ đã được sửa đổi nhằm đáp ứng các quy định mới của cơ quan chức năng. Bộ máy nhân sự cho ngân hàng này cũng được chuẩn bị khá đầy đủ. Theo đó, ông Nguyễn Xuân Sơn, đang giữ chức Tổng giám đốc Công ty Tài chính Dầu khí (PVFC) dự kiến sẽ đảm nhận chức vụ Tổng giám đốc Ngân hàng Dầu khí. Vừa qua, PVFC đã thông báo thay đổi Tổng giám đốc để ông Sơn dành toàn bộ tâm sức cho nhiệm vụ mới.

Còn với Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT), ngay sau khi có ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng về việc chấp thuận cho VNPT lập ngân hàng trên cơ sở chuyển đổi Công ty Dịch vụ tiết kiệm Bưu điện, đề án thành lập ngân hàng này đã được ráo riết hoàn thiện. Một quan chức của VNPT cho biết, việc xác định giá trị Công ty Dịch vụ tiết kiệm Bưu điện và lựa chọn cổ đông pháp nhân cùng tham gia lập ngân hàng đang được khẩn trương thực hiện để có thể hoàn thiện đề án. Dự kiến, Ngân hàng VNPT sẽ có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, dù bộn bề với hàng núi công việc liên quan đến cổ phần hóa, Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng đang rốt ráo hoàn thiện Đề án thành lập Ngân hàng Công nghiệp, để không tụt hậu so với các doanh nghiệp, tổng công ty lớn.

Liên quan đến cuộc đua tranh thành lập ngân hàng mới, trong buổi gặp gỡ với giới báo chí mới đây, Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy cho biết, NHNN không khuyến khích cũng không ngăn cấm việc thành lập ngân hàng mới, mà chỉ đưa ra những quy chế rõ ràng, đủ chặt chẽ để ai đạt được thì được phép thành lập ngân hàng mới. Theo người đứng đầu ngành ngân hàng, việc kinh doanh ngân hàng cực khó, có những ngân hàng trong 6 tháng qua lãi vài trăm tỷ đồng, song cũng có những thời điểm, cổ đông của họ không được hưởng một đồng cổ tức. “Kinh doanh ngân hàng không phải lúc nào cũng dễ dàng như hiện nay, mà rất có thể sẽ gặp những cú sốc, những biến động không thể lường trước, khiến các ngân hàng không đủ thực lực khó chống đỡ được”, ông Thúy nói.

Hơn 10 năm qua, cả nước chưa xuất hiện thêm ngân hàng nào, trong khi đời sống kinh tế phát triển rất sôi động, áp lực cạnh tranh với các ngân hàng tuy chưa mạnh mẽ nhưng đã bắt đầu tăng nhiệt. Nếu như trước đây, doanh nghiệp muốn vay vốn tại ngân hàng thương mại quốc doanh phải “khéo ăn khéo nói” với cán bộ ngân hàng, thì nay, mọi chuyện đã khác. Bản thân cán bộ ngân hàng phải đến tận nơi tìm hiểu, lấy hồ sơ và thẩm định dự án. Cạnh tranh “chiều” khách hàng lớn không chỉ diễn ra ở các ngân hàng thương mại cổ phần, mà cả ở các ngân hàng thương mại quốc doanh.

Hiện hệ thống ngân hàng Việt Nam có 5 ngân hàng thương mại quốc doanh, 34 ngân hàng cổ phần, 5 ngân hàng liên doanh, 35 chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Chưa kể việc nhập cuộc của ngân hàng 100% vốn ngoại, nếu hơn chục bộ hồ sơ xin thành lập ngân hàng mới đang gửi về NHNN đều đạt điều kiện, và gần chục công ty tài chính đang rục rịch nhảy vào cung cấp dịch vụ tín dụng tiêu dùng đều đạt được nguyện vọng của mình, thì rõ ràng, áp lực cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng trong thời gian tới là không hề nhỏ. Đến một lúc nào đó, sẽ có cổ đông ngân hàng ngậm ngùi thốt lên rằng: “Kinh doanh ngân hàng không hề ngon ăn!”.

Thủy Nguyễn
Thủy Nguyễn

Tin cùng chuyên mục