Dư nợ cho vay chứng khoán giảm hơn 43%

Dư nợ cho vay để đầu tư, kinh doanh chứng khoán giảm 43,03%, dư nợ cho vay để đầu tư kinh doanh bất động sản giảm 10,1%.
Dư nợ cho vay chứng khoán giảm hơn 43%

 

Ngày 7/9/2011, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ và Chỉ thị số 01 của Ngân hàng Nhà nước về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2011.

 

Trong 8 tháng đầu năm, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng để kiểm soát lạm phát, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn hệ thống.

 

Tổng phương tiện thanh toán và tín dụng tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước nhưng phù hợp với mục tiêu kiểm soát kiềm chế lạm phá. Tổng phương tiện thanh toán đến ngày 30/8 tăng 9,16% so với cuối năm 2010, thấp hơn mức tăng 19,87% và 16,41% của cùng kỳ năm 2009 và 2010.

 

Tín dụng đối với nền kinh tế đến ngày 30/8 tăng 8,85% so với cuối năm 2010, thấp hơn mức tăng 16,9% của cùng kỳ năm 2010 nhưng bằng khoảng 50% tốc độ tăng tín dụng dự kiến cả năm 2011 (khoảng 15-18%).

 

Ước đến cuối tháng 8, tín dụng đối với lĩnh vực sản xuất tăng 14,79%, trong đó tín dụng nông nghiệp, nông thôn tăng 30,5%; tín dụng xuất khẩu tăng 35,02%; tín dụng phi sản xuất giảm 16,95%, trong đó, dư nợ cho vay để đầu tư, kinh doanh chứng khoán giảm 43,03%, dư nợ cho vay để đầu tư kinh doanh bất động sản giảm 10,1%, dư nợ cho vay tiêu dùng giảm 23,12%.

 

Lãi suất tăng cao trong 4 tháng đầu năm nhưng từ tháng 5, sức ép tăng lãi suất giảm, đến cuối tháng 8/2011, một số TCTD hạ lãi suất đối với một số khoản cho vay sản xuất kinh doanh thông thường trong biên độ 17-19%/năm.

 

Hiện nay, lãi suất thị trường nội tệ liên ngân hàng ổn định ở mức thấp hơn các mức lãi suất điều hành của NHNN, qua đêm ở mức 10,5-11%/năm, 1-2 tuần 11-13%/năm. Đến cuối tháng 8/2011, một số TCTD hạ lãi suất đối với một số khoản cho vay sản xuất kinh doanh thông thường trong biên độ 17-19%/năm.

 

Thanh khoản VND căng thẳng trong 4 tháng đầu, nhưng từ nửa cuối tháng 5/2011 đến nay đã được cải thiện đáng kể do huy động vốn ngắn hạn VND đã tăng trở lại, tín dụng VND có xu hướng giảm; Tín dụng bằng ngoại tệ mặc dù tăng trưởng cao nhưng vẫn được cân đối bằng nguồn vốn vay nước ngoài.

 

Hoạt động của hệ thống các TCTD an toàn, đảm bảo thanh khoản; nợ xấu tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát (đến cuối tháng 7 nợ xấu là 3,04%/tổng dư nợ cho vay so với mức 2,16% cuối năm 2010).


DVT

Tin cùng chuyên mục