Doanh nghiệp vẫn thích vay tiền đồng

(ĐTCK) Tuy diễn biến của tỷ giá hối đoái vào những tuần đầu tháng 6/2009 đã có phần ổn định hơn so với trước đó, nhưng nguồn cung ngoại tệ tại các ngân hàng vẫn khan hiếm. Theo phản ánh của các ngân hàng, mặc dùNgân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều biện pháp bình ổn thị trường và gần đây nhất là khuyến khích các ngân hàng giảm lãi suất ngoại tệ nhưng nguồn cung ngoại tệ cho ngân hàng vẫn chưa cải thiện nhiều.
Doanh nghiệp vẫn thích vay tiền đồng

Trên thực tế, nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ của doanh nghiệp không tăng, thậm chí còn giảm khi các gói vốn hỗ trợ lãi suất dần phát huy tác dụng tích cực. Mức lãi suất huy động vốn bằng ngoại tệ hiện chỉ còn 1,5%/năm và cho vay ra tối đa 3%/năm. Thế nhưng, theo ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB, nhu cầu vay vốn bằng tiền đồng vẫn tăng cao, trong khi doanh nghiệp chưa mặn mà với việc vay USD.

Ngược lại, cung ngoại tệ mua - bán chưa có dấu hiệu dồi dào trở lại, cho dù các biện pháp bình ổn thị trường liên tiếp được đưa ra. Ông Đào Hồng Châu, Phó tổng giám đốc Eximbank cho biết, nhu cầu mua ngoại tệ của nhà xuất khẩu luôn tồn tại, nhưng cung vẫn không đáp ứng được cầu. Theo ông Châu, các nhà nhập khẩu vẫn thích vay VND, sau đó mua ngoại tệ thanh toán, vì tâm lý doanh nghiệp vẫn lo ngại rủi ro biến động tỷ giá, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định không phá giá đồng nội tệ. 

Tổng giám đốc một ngân hàng đưa ra nhận định, vay ngoại tệ trong giai đoạn hiện nay doanh nghiệp không quan tâm nhiều đến lãi suất mà chủ yếu lo ngại biến động rủi ro tỷ giá. Thực tế, nếu so với lãi vay VND thì hiện lãi suất vay ngoại tệ chỉ bằng một phần ba. Thế nhưng, nguồn vốn huy động về bằng USD vẫn ứ đọng ở ngân hàng, trong khi nhà băng lại thiếu nguồn ngoại tệ để bán. Còn doanh nghiệp cho biết, vay ngoại tệ lãi suất thấp, nhưng rủi ro biến động tỷ giá là khó lường. Đồng thời, khi hợp đồng đáo hạn, doanh nghiệp phải chạy đôn chạy đáo, nhưng rất khó mua được USD trả nợ ngân hàng, nhất là vào những thời điểm tỷ giá hối đoái biến động ở mức cao.

Theo quy định, các ngân hàng phải bán ngoại tệ cho doanh nghiệp theo tỷ giá niêm yết, nhưng vị tổng giám đốc ngân hàng trên cho rằng, nhà xuất khẩu không mặn mà bán lại ngoại tệ với giá niêm yết cho nhà băng. Mặc dù tỷ giá giao dịch của các tổ chức tín dụng luôn kịch trần cho phép trong tháng 5 vừa qua, nhưng vẫn khó hút được ngoại tệ. Thực tế này dẫn đến việc cung ngoại tệ không đủ đáp ứng nhu cầu nhà nhập khẩu nên nhiều ngân hàng cho biết, biện pháp tốt nhất hiện nay là chỉ làm đơn vị trung gian.

Với hình thức này, ngân hàng sẽ giới thiệu những doanh nghiệp nhập khẩu có nhu cầu ngoại tệ đến với các nhà xuất khẩu muốn bán USD. Giá mua - bán là do thỏa thuận giữa hai bên. Tại ACB cũng làm tương tự, vì ngân hàng cho biết, cung ngoại tệ không đủ đáp ứng cầu.

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD được nới rộng thì việc nắm giữ USD sẽ kém hấp dẫn hơn, nên khả năng trong thời gian tới hiện tượng găm giữ ngoại tệ sẽ giảm bớt. Các ngân hàng cũng cho biết, tình trạng "găm" ngoại tệ của các nhà xuất khẩu đã phần nào bớt căng thẳng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu chững lại và gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, nguồn ngoại tệ mang về từ hoạt động xuất khẩu giảm so với trước.

Trong khi đó, lượng ngoại tệ Ngân hàng Nhà nước bán ra cho các ngân hàng cổ phần là rất hạn chế. Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, điều hành tỷ giá linh hoạt, áp dụng các biện pháp can thiệp thích hợp để bình ổn thị trường ngoại hối.      

Vân Linh
Vân Linh

Tin cùng chuyên mục