Doanh nghiệp cần chủ động ứng phó với bài toán tỷ giá

(ĐTCK) Doanh nghiệp cần chủ động xây dựng các phương án dự phòng và kịch bản ứng phó để có kế hoạch chuẩn bị tốt nhất cho những rủi ro có thể xảy ra trước biến động phức tạp của tỷ giá trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang leo thang. Đây là khuyến nghị của TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV. 
Doanh nghiệp cần chủ động ứng phó với bài toán tỷ giá

Theo ông, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đi kèm đó là biến động phức tạp của tỷ giá nhân dân tệ (CNY) sẽ tác động như thế nào tới thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam?

Việt Nam là một nền kinh tế quy mô nhỏ nhưng có độ mở lớn. Trong bối cảnh rủi ro ngoại sinh gia tăng với diễn biến phức tạp, khó lường, trong khi nội tại nền kinh tế còn nhiều vấn đề cần xử lý thì rất dễ bị tổn thương trước các biến động, cú sốc từ bên ngoài, mà sự leo thang của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung gần đây là một ví dụ điển hình.

Cuộc chiến thương mại này đã, đang và sẽ có những tác động lớn, trái chiều tới nền kinh tế Việt Nam, trong đó, thị trường vốn, tài chính tiền tệ, vốn rất nhạy cảm trước những rủi ro ngoại sinh sẽ là một trong những thị trường chịu ảnh hưởng trực tiếp. Trước mắt, diễn biến giảm giá mạnh của đồng nhân dân tệ chắc chắn sẽ tác động tới thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam, bởi đây là 1/8 loại tiền tệ trong rổ tiền tệ tính tỷ giá trung tâm của Việt Nam. 

Ông có cho rằng, diễn biến phức tạp của tỷ giá nhân dân tệ gây sức ép đáng lo ngại tới thị trường trong nước?

Việc Trung Quốc điều chỉnh giảm giá nhân dân tệ xuống 0,6% so với USD là diễn biến không đáng ngạc nhiên trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang leo thang.

Tôi cho rằng, Trung Quốc không dùng công cụ tiền tệ để giảm thiểu tác động chiến tranh thương mại nên khả năng nước này tiếp tục phá giá mạnh đồng tiền là khó xảy ra.

Theo đó, Trung Quốc không muốn bị thế giới nhìn nhận là đang tìm cách thao túng tiền tệ và hơn nữa, họ đang theo đuổi tiến trình quốc tế hóa nhân dân tệ nên không muốn tỷ giá biến động.

Một yếu tố đáng chú ý khác là trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc gần đây, phía Mỹ từng nhiều lần tuyên bố sẽ tiếp tục mở rộng diện áp thuế, cũng như mức áp thuế đối với Trung Quốc nếu nhân dân tệ tiếp tục mất giá hơn nữa. Vì vậy, ít có khả năng nhân dân tệ tiếp tục giảm giá trong thời gian tới.

Liên quan đến diễn biến tại thị trường trong nước, việc tỷ giá VND/USD có xu hướng gia tăng gần đây, theo tôi, chủ yếu do các yếu tố tác động từ bên ngoài.

Trong đó, bên cạnh ảnh hưởng từ biến động tỷ giá CNY/USD, còn do sức mạnh của đồng USD tăng lên, khi tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý I/2019 khả quan. Ðặc biệt sự căng thẳng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng gia tăng tâm lý lo sợ rủi ro, tạo áp lực lên tỷ giá trong nước.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, tỷ giá tăng không thực sự đáng lo ngại, bởi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều kinh nghiệm ứng phó. Hơn nữa, với tiềm lực dự trữ ngoại hối và quan hệ cung cầu tiền tệ tích cực như hiện nay, NHNN có đủ công cụ can thiệp thị trường và ổn định tỷ giá. 

Ông đánh giá như thế nào về biến động tỷ giá ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh và có khuyến nghị gì tới các doanh nghiệp?

Trong bối cảnh hiện tại, đối tượng chịu tác động lớn nhất là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nhất là công ty chuyên nhập khẩu. Tuy nhiên, theo tôi, các ảnh hưởng này không quá đáng ngại.

Cụ thể, đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đồng tiền thanh toán cơ bản vẫn là USD, kể cả trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, chỉ có một số hợp đồng thanh toán bằng nhân dân tệ, song về cơ bản, doanh nghiệp đều đã chốt giá trước.

Trong trường hợp đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh, doanh nghiệp Việt Nam có lợi nhiều hơn là thiệt vì các công ty sẽ quy đổi từ USD sang nhân dân tệ, trong khi đồng USD đang tăng giá.

Với biến động tỷ giá trong nước, như đã nhận định ở trên, NHNN đủ tiềm lực và công cụ để can thiệp kịp thời, do đó sẽ không ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh này, doanh nghiệp cần bình tĩnh đánh giá kỹ hơn tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và rủi ro bên ngoài đối với ngành nghề của mình, từ đó đưa ra đối sách, giải pháp. Ðặc biệt, các doanh nghiệp nên chú trọng hơn công cụ quản lý rủi ro, trong đó có rủi ro về tài chính tiền tệ, tỷ giá và lãi suất.

Ðể có sự chuẩn bị tốt nhất, các doanh nghiệp cần có kế hoạch ứng xử tốt, chủ động đón nhận cũng như ứng phó trước các thuận lợi, thách thức; nâng cao khả năng chống chịu đối với cú sốc bên ngoài thông qua nâng cao năng lực quản trị, vốn, cấu trúc vốn và đòn bẩy tài chính; chủ động tìm hiểu và sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tài chính…

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục