Do dự với vốn rẻ

(ĐTCK) Đón đầu mùa kinh doanh cuối năm, các ngân hàng đang mạnh tay đẩy vốn rẻ ra thị trường, song phần lớn DN vẫn ngại vay vốn để đầu tư sản xuất - kinh doanh. ĐTCK ghi nhận một số ý kiến về vấn đề này.
Do dự với vốn rẻ

   

“Tận dụng tối đa nguồn vốn tự có để sản xuất - kinh doanh”

Ông Nguyễn thành Trung, Tổng giám đốc CTCP Tôn Đông Á

So với những năm trước, lãi suất hiện đã rẻ hơn rất nhiều. Với bản thân Tôn Đông Á, không chỉ sử dụng vốn vay để sản xuất - kinh doanh mà trong năm qua và cả năm nay, chúng tôi đã và đang cần thêm vốn để đầu tư dự án nhà máy thép lá mạ thứ 2 có tổng vốn đầu tư 150 triệu USD (3.000 tỷ đồng).

Nguồn vốn bổ sung cho dự án, bên cạnh vốn cổ đông, được chúng tôi vay từ VietinBank và một ngân hàng của Hàn Quốc. Lãi suất vay được ngân hàng hỗ trợ khoảng 3%/năm đối với ngoại tệ và 7 - 8%/năm đối với tiền đồng. Với mức lãi suất này, theo tôi là đã chấp nhận được.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng tôi cũng như nhiều DN khác lại mạnh tay vay vốn trong bối cảnh hiện nay, do hàng hóa làm ra không dễ tiêu thụ và bản thân Tôn Đông Á luôn phải cân đối tồn kho để lên kế hoạch sản xuất tiếp theo. Chúng tôi luôn tận dụng tối đa nguồn vốn tự có để sản xuất - kinh doanh.

 

 “Chúng tôi đã hết sức nỗ lực cơ cấu lại nợ cho DN, song vẫn không giải ngân thêm được là bao”

Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB

Rủi ro nợ xấu luôn là vấn đề được ngân hàng đặt lên hàng đầu trong quá trình phát triển tín dụng. Tuy nhiên, trong tình hình khó khăn chung, bản thân ngân hàng cũng phải có sự chia sẻ cùng DN.

Do dự với vốn rẻ ảnh 1

Đón đầu mùa kinh doanh cuối năm, các ngân hàng đang mạnh tay đẩy vốn rẻ ra thị trường

Chúng tôi đã nỗ lực cơ cấu lại nợ cho DN và xem xét dự án kinh doanh khả thi để cho vay đối với những DN chưa trả được nợ cũ. Song nhu cầu vốn của khách hàng hiện nay không cao.

Vì vậy, mục tiêu tín dụng 9%, đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa sử dụng hết và dư nợ 9 tháng đầu năm tăng trưởng chủ yếu từ khối khách hàng cá nhân.

 

“Chúng tôi sẵn sàng mua lại tài sản thế chấp với giá cao hơn thị trường và bán lại rẻ hơn”

Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank

Chúng tôi sẵn sàng mua lại tài sản thế chấp của DN với giá cao hơn thị trường và bán lại rẻ hơn để thu hồi vốn, qua đó giúp DN có cơ hội tiếp cận vốn mới để đầu tư sản xuất - kinh doanh. Đồng thời, để chia sẻ khó khăn cùng DN, chúng tôi đã cắt giảm dần lãi suất cho vay. Lãi suất tại Eximbank, nếu bằng ngoại tệ, chỉ 3 - 4%/năm và tiền đồng còn 6 - 7%/năm. Thế nhưng, thực tế cho thấy, nhu cầu vốn khách hàng không cao, DN không muốn vay. Do đó, chúng tôi không kỳ vọng hoàn thành mục tiêu tín dụng năm nay.

 

“Ngay cả các DN tốt, có dự án kinh doanh khả thi, cũng vẫn rất cân nhắc khi vay vốn”

Ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc NamA Bank

Mặt bằng lãi suất hiện đã trở về mức của những năm trước khủng hoảng. Lãi suất cho vay đối với khách hàng DN của NamA Bank chỉ dao động 8 - 10%/năm và cá nhân khoảng 12 - 13%/năm. Tuy nhiên, các khách hàng DN, kể cả tốt, có dự án kinh doanh khả thi, vẫn rất cân nhắc khi vay vốn, do đầu ra khó khăn.

Tín dụng tăng thời gian qua chủ yếu từ khối khách hàng cá nhân, nhưng tình hình cho vay mua nhà hiện vẫn không dễ đẩy mạnh, do khách hàng còn kỳ vọng lãi suất và giá bất động sản giảm thêm.

 

“Là DN thực phẩm, nhưng chúng tôi cũng phải tính kỹ bài toán vay vốn cuối năm nay”

Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan

Để tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng hiện nay không khó và thậm chí, các ngân hàng còn chào mời DN, với các gói vốn ưu đãi khá nhiều về lãi suất. Chẳng hạn như VietinBank ngày 8/11 đã đưa ra gói vốn 10.000 tỷ đồng hỗ trợ các DN trong câu lạc bộ CEO, lãi suất cho vay chỉ 6 - 7%/năm đối với tiền đồng và 2,5 - 3%/năm đối với ngoại tệ. Còn nếu vay ngắn hạn, lãi suất được VietinBank áp dụng chỉ 5%/năm.

Có thể nói, mặt bằng lãi suất hiện nay được xem là cơ hội tốt để vay vốn. Thế nhưng, trong lúc này không phải DN nào cũng mạnh dạn vay.

Bản thân Vissan chúng tôi cũng cân nhắc kỹ trước khi quyết định sử dụng vốn vay, vì vay vốn không biết để làm gì khi hàng hóa sản xuất ra không bán được. Vissan là DN trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh hàng thực phẩm, nhưng chúng tôi nhận thấy sức tiêu thụ của thị trường hiện nay không có nhiều thay đổi so với những quý trước và dự báo dịp Tết năm nay, nếu có tăng cũng chỉ vài phần trăm. Bởi vậy, chúng tôi cũng phải tính kỹ bài toán sử dụng vốn trước khi vay.

 

 >> Lãi suất 5%/năm và quy luật “vốn rẻ”

>> Chứng khoán sẽ được “tiếp sức” từ dòng vốn rẻ

>> Vốn rẻ - dễ vay, tín dụng vẫn khó

>> Vốn giá rẻ đã thực rẻ?

Thùy Vinh
Thùy Vinh

Tin cùng chuyên mục