Định hình thị trường tiền tệ 6 tháng cuối năm

(ĐTCK) Báo cáo kinh tế của HSBC, BIDV cũng như ý kiến của nhiều chuyên gia đã cho thấy triển vọng thị trường tiền tệ Việt Nam trong 6 tháng cuối năm sẽ khả quan hơn.
Dự báo, lãi suất huy động dưới 6 tháng sẽ giảm xuống xấp xỉ 5%/năm trong quý III Dự báo, lãi suất huy động dưới 6 tháng sẽ giảm xuống xấp xỉ 5%/năm trong quý III

Tăng trưởng tín dụng là sự vận hành của cả nền kinh tế

Trong báo cáo nhanh về kinh tế Việt Nam vừa công bố của Khối Nghiên cứu kinh tế HSBC, GDP quý II tăng nhờ sản xuất. Dự đoán, lạm phát sẽ tăng vào đầu quý III/2014 do chi phí dịch vụ cao hơn và lực cầu nội địa được cải thiện, nhưng có thể chỉ ở quanh mức 5 - 6% vào cuối năm.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận định, với điều kiện không có biến cố gì lớn, chỉ số lạm phát sẽ ở mức độ như năm ngoái, khoảng 6% và tín dụng phải rất nỗ lực mới có thể đạt được mức tăng trưởng 10 - 12% đặt ra từ đầu năm.

Nhóm Nghiên cứu, Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV vừa công bố Tổng hợp kết quả đợt khảo sát thị trường về kinh tế vĩ mô 6 tháng cuối năm 2014 cho biết, để góp phần kích thích tăng trưởng cũng như tháo gỡ khó khăn cho DN, NHNN đã thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh tín dụng. Tuy nhiên, tốc độ tăng vẫn chậm chạp, trong 5 tháng đầu năm chỉ tăng 1,3%.

Trao đổi với ĐTCK về vấn đề tín dụng, tổng giám đốc một NHTM nói: “6 tháng đầu năm 2014, tăng trưởng tín dụng ước đạt gần 2%, thấp hơn so với 6 tháng đầu năm 2013 khoảng 3% và một trong những giải pháp NHNN có thể tiếp tục theo đuổi là giảm thêm các mức lãi suất”.

Ông Đinh Đức Quang, Phó tổng giám đốc OCB dự đoán: “Lãi suất huy động dưới 6 tháng sẽ giảm xuống còn khoảng 5%/năm, 12 tháng giảm còn khoảng 7%/năm trong quý III (giảm khoảng 1%/năm so với quý II). Đối với lãi suất cho vay, mặt bằng hiện đã và đang giảm nhiều. Bên cạnh đó, lãi suất trái phiếu cũng giảm, chưa kể một số DN vừa phát hành trái phiếu dài hạn với lãi suất rất tốt”.

Liên quan đến lãi suất, TS. Cấn Văn Lực nhận xét: “Trong bối cảnh lạm phát thấp và theo định hướng của Chính phủ, tôi cho rằng, còn room để giảm lãi suất vào khoảng 0,5%/năm trong quý III. Tuy nhiên, để đẩy được tín dụng vẫn cần các giải pháp đồng bộ như giảm tồn kho, xử lý nợ xấu, đưa các gói hỗ trợ vào cuộc sống”.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chính sách công, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, câu chuyện chính bây giờ là đi vào sản xuất, không phải là vấn đề hạ lãi suất bởi sẽ tạo áp lực lên tỷ giá. Tăng trưởng tín dụng là sự vận hành của cả nền kinh tế, không riêng hệ thống ngân hàng.

Tỷ giá dự báo điều chỉnh vào cuối năm

Báo cáo của Nhóm Nghiên cứu, Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV nhận định, trong khi kỳ vọng NHNN điều chỉnh lãi suất không thực sự rõ ràng thì kỳ vọng đối với việc điều chỉnh tỷ giá lại khá mạnh mẽ khi tỷ lệ lựa chọn chiếm đa số. Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi tỷ giá đã được giữ nguyên trong vòng 1 năm qua. Phần lớn (84,15%) số người tham gia đợt khảo sát do nhóm nghiên cứu tiến hành cho rằng, NHNN sẽ thực hiện điều chỉnh tỷ giá trong 6 tháng cuối năm và mức độ điều chỉnh 1% được kỳ vọng nhất.

Trong báo cáo nhanh của HSBC về tỷ giá nhận định, VND đã được hỗ trợ tốt hơn bởi ngoại hối vào Việt Nam cân bằng hơn trong năm ngoái. Cán cân xuất nhập khẩu được giữ mức trung lập nhờ vào tình hình xuất khẩu cải thiện cũng như mức tăng trưởng nhập khẩu ít hơn. Thêm vào đó, nguồn FDI đổ vào Việt Nam đã tăng trở lại và đạt mức trung bình 1 tỷ USD/tháng trong năm nay. Chính những dòng chảy này đã giúp NHNN tăng dự trữ ngoại hối gần 10 tỷ USD trong năm ngoái.

“Mặc dù dự trữ ngoại hối tăng lên, nhưng các nhà lập pháp rõ ràng không mặn mà với việc sử dụng lượng dự trữ này quá sớm, với thực tế NHNN cho phép tỷ giá điều chỉnh mà không bị cản trở nào về mặt chính sách. VND được điều chỉnh mới một nửa của mức 2% mà NHNN đã nói và vẫn có khả năng sẽ có mức điều chỉnh thêm 1% vào cuối năm nếu các nhà lập chính sách thực sự thấy cần thiết, mặc dù quan điểm của chúng tôi là VND sẽ tương đối ổn định trong vài tháng tới”, báo cáo của HSBC viết.

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Kinh doanh trái phiếu và ngoại tệ HSBC Việt Nam cho rằng: “Thị trường có sự kỳ vọng nhất định vào việc tỷ giá thay đổi 1% trong những tháng cuối năm”.

TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị, chính sách tỷ giá cần linh hoạt, sát sao thị trường hơn nữa. Bên cạnh đó, thị trường vàng cần tiếp tục theo dõi, bám sát, có can thiệp kịp thời và nhanh chóng nghiên cứu thành lập sàn vàng.

“Thị trường đang nói đến việc neo đồng Việt Nam với một giỏ tiền tệ là điều cần phải cân nhắc, nghiên cứu cẩn trọng, kỹ lưỡng, đặc biệt có liên quan đến đối trọng, tỷ trọng về quan hệ thương mại, đầu tư, vay nợ giữa Việt Nam với những nước lớn cũng như định hướng thị trường xuất khẩu của Việt Nam”, TS. Cấn Văn Lực nói.

Tái cơ cấu ngân hàng cần quyết liệt hơn

Báo cáo nhanh của HSBC nhận xét, Chính phủ đang từ từ dỡ bỏ các rào cản thương mại nội địa với việc đầu tư cơ sở hạ tầng có định hướng hỗ trợ thương mại và dòng chảy bán lẻ nội địa. Vấn đề còn lại là khung pháp lý cho cải cách khu vực công, DNNN, ngành ngân hàng và việc thực thi khung pháp lý này. Hiện nay, cải cách đang được tiến hành theo kiểu 2 bước tiến và 1 bước lùi, thể hiện quyết định chưa rõ ràng của Chính phủ đối với vai trò của khối DNNN trong một nền kinh tế toàn cầu hóa ngày càng cao.

Về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, ông Nguyễn Xuân Thành nói: “Hiện chưa có gì mới và việc giải quyết vẫn phải dần dần”.

TS. Cấn Văn Lực nêu quan điểm, lộ trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng cần triển khai quyết liệt hơn để tiến tới hoàn thành sứ mệnh vào năm 2015. Trong năm nay, phải xử lý xong những ngân hàng yếu kém, hoàn thành thoái vốn ngoài ngành của các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, tái cơ cấu cần có những bước mạnh mẽ hơn với câu chuyện sở hữu chéo và minh bạch thông tin.            

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục