Đình chỉ lãnh đạo VDB nếu ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt

Chủ tịch, Hội đồng thành viên, tổng giám đốc của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) có thể bị đình chỉ chức vụ nếu nhà băng bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, theo dự thảo điều lệ vừa được Bộ Tài chính đưa ra.
Bộ Tài chính là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Bộ Tài chính là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).

Theo cơ chế hiện hành, Ngân hàng Phát triển là một tổ chức tín dụng nhưng lại không chịu sự quản lý đầy đủ của Ngân hàng Nhà nước, mà được chủ quản bởi Bộ Tài chính. VDB cũng không có hội đồng quản trị như các ngân hàng khác. Thay vào đó, hội đồng quản lý gồm nhiều thành viên là Thứ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

 

Trước thực tế này, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến Dự thảo Quyết định Ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Theo đó, VDB có Chủ tịch Hội đồng thành viên, tổng giám đốc và Ban kiểm soát. Dàn lãnh đạo này của VDB có thể bị đình chỉ, tạm đình chỉ nếu ngân hàng này rơi vào tình trạng bị kiểm soát đặc biệt, dự thảo cho hay.

 

Theo Ngân hàng Nhà nước, kiểm soát đặc biệt là việc một tổ chức tín dụng bị đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước do có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán hoặc vi phạm nghiêm trọng pháp luật dẫn đến nguy cơ mất an toàn hoạt động.

 

Do là một ngân hàng hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nên cơ chế của VDB cũng có những điểm khác so với các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng nói chung. Theo dự thảo điều lệ, VDB là ngân hàng chính sách 100% vốn chủ sở hữu của Nhà nước với 30.000 tỷ đồng. Bộ Tài chính là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại đây.

 

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với ngân hàng này là 0%. VDB cũng không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi. Dự thảo cũng cho biết, Chính phủ sẽ đảm bảo khả năng thanh toán cho ngân hàng. Ngoài ra, VDB được miễn nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước với hoạt động tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu và các nhiệm vụ khác do Chính phủ giao.

 

Mặc dù vậy, ngoài hoạt động theo Điều lệ này, VDB vẫn phải tuân thủ Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Các Tổ chức tín dụng và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước với VDB, cơ quan này sẽ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng; cấp giấy phép hoạt động quản lý ngoại hối và thanh tra, giám sát hoạt động sử dụng vốn của VDB. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng giao cho Ngân hàng Nhà nước nhiệm vụ hướng dẫn VDB tham gia hoạt động thanh toán, thị trường mở, thị trường liên ngân hàng, vay tái cấp vốn.


Vnexpress

Tin cùng chuyên mục