Điều gì đáng chú ý trong tăng trưởng tín dụng tháng 3?

(ĐTCK) Tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng nói riêng và toàn hệ thống nói chung đã dương trở lại kể từ cuối tháng 3, thay vì âm trong 2 tháng trước đó. Điều này được đánh giá là dấu hiệu tích cực, tạo đà tăng trưởng trong những tháng tiếp theo.
Điều gì đáng chú ý trong tăng trưởng tín dụng tháng 3?

Ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc NamA Bank cho biết, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng trong tháng 3 cải thiện nhiều so với 2 tháng trước đó và đạt khoảng 7% tính đến cuối tháng 3. Theo đánh giá của ông Tâm, với việc giảm trần lãi suất mới đây là điều kiện để ngân hàng cơ cấu lại nguồn vốn, giảm tiếp lãi suất cho vay. Đây cũng chính là cơ hội để kích cầu tín dụng trong những tháng tiếp theo.

Tại OCB, tín dụng bắt đầu được cải thiện tích cực hơn kể từ tháng 3. Sacombank cũng cho biết, dư nợ tín dụng trong tháng 3 tăng trên 1% và lũy kế từ đầu năm đến nay, tín dụng của Ngân hàng tăng trưởng 2,3%. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng dược các ngân hàng đưa ra cho năm nay, dao động từ 9 - 13% theo chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo các ngân hàng, nếu từ nay đến hết quý III/2014, tín dụng có dấu hiệu cải thiện, sẽ trình NHNN xin nâng “room” để có thêm điều kiện mở rộng hoạt động cho vay. NamA Bank là một điển hình khi nửa đầu năm 2013, tăng trưởng dư nợ của ngân hàng này đã đạt trên 15% và sau đó xin NHNN nâng room lên 30%.

Tại khu vực TP. HCM, số liệu thống kê từ NHNN Chi nhánh TP. HCM cho thấy, dư nợ tín dụng của các NHTM trên địa bàn 2 tháng đầu năm nay không tăng không giảm, nhưng đến cuối tháng 3/2014, tín dụng đã dương 0,12%, trong đó tín dụng xuất khẩu tăng mạnh. Theo đánh giá được đưa ra từ lãnh đạo các nhà băng, tín dụng sẽ cải thiện dần trong những tháng tới. Tuy nhiên, để kỳ vọng dư nợ tăng mạnh trong quý này là khó.

Số liệu thống kê nhiều năm cho thấy, tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam thường cao trong tháng cuối năm, đồng thời giảm hoặc tăng rất chậm vào những tháng đầu năm. Diễn biến hoạt động tín dụng năm 2014 cũng không ngoài quy luật đó. Số liệu được Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) đưa ra cho thấy, tín dụng tháng 1/2014 giảm 0,55% và giảm 0,65% trong tháng 2, nhưng đến cuối tháng 3 đã tăng khoảng 1,35% so với tháng 2.

Tín dụng tăng chậm trong những tháng đầu năm, theo NHNN, chủ yếu do nhu cầu vay vốn của DN ở mức thấp; một số ngành, lĩnh vực hoạt động sản xuất - kinh doanh có tính mùa vụ chưa có nhu cầu vay vốn các tháng đầu năm. Ngoài ra, còn có nguyên nhân khác là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn yếu, tình trạng nợ đọng ngân sách, nợ giữa DN và ngân hàng nhưng DN không có dòng tiền do không có đầu ra, nhiều DN không đủ điều kiện vay vốn nên tín dụng khó tăng. 

Để có thể kích cầu dư nợ, khơi thông dòng chảy vốn, ngay từ cuối tháng 3, Thống đốc NHNN đã ra quyết định giảm trần lãi suất huy động. Trần lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên cũng được điều chỉnh giảm thêm 1%, xuống còn 8%/năm; giảm mặt bằng lãi suất cho vay xuống phổ biến mức 9 - 11%/năm. Đến nay, tỷ trọng các khoản cho vay có lãi suất trên 15%/năm chỉ còn 5,6% so với mức 65% trước thời điểm 15/7/2012. Đồng thời, các ngân hàng cũng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khoảng 300.000 tỷ đồng dư nợ…

Thời gian tới, NHNN cho biết sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp tín dụng để đạt được mục tiêu tín dụng cả năm 2014 là 12 - 14%. Thứ nhất, xem xét linh hoạt điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD trên cơ sở đánh giá tình hình tài chính, khả năng mở rộng tín dụng của các đơn vị này. Thứ hai, tập trung ưu tiên vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, đảm bảo đủ nguồn vốn tín dụng cho vay thu, mua, tạm trữ lúa, gạo để hỗ trợ cho nông dân; triển khai chương trình cho vay thí điểm mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất, các mô hình sản xuất áp dụng khoa học và công nghệ cao, các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu với lãi suất hợp lý. Thứ ba, thực hiện nhân rộng ra một số tỉnh, thành phố khác việc áp dụng mô hình chương trình kết nối ngân hàng - DN... Riêng tại khu vực TP. HCM, tổng nguồn vốn giải ngân của chương trình này lên đến 20.000 tỷ đồng năm nay.

Tuy nhiên, trong tình hình khó khăn hiện nay, sức khỏe DN chưa hoàn toàn hồi phục, cộng với tình trạng nợ xấu của ngành vẫn là rào cản lớn đối với tăng trưởng tín dụng trong năm nay. Nợ xấu đã được các NHTM tích cực xử lý, song vẫn được đánh giá trên 7%. Vì thế, theo các chuyên gia tài chính - tiền tệ, không dễ khơi thông vốn.

Hệ thống ngân hàng không thể tự đẩy tăng trưởng tín dụng theo mong muốn của mình trong bối cảnh sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp. Đồng thời, càng không thể tăng trưởng tín dụng vào những địa chỉ tiềm ẩn rủi ro, không thu hồi được vốn, rủi ro nợ xấu tăng.                 

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục