Để tăng trưởng tín dụng, cần vận hành cả “cỗ máy”

(ĐTCK) "Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cần phải được giải bằng một bài toán tổng thể, chứ không thể trông chờ vào hành động của riêng NHNN hay của các NHTM", ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB nói.
Để tăng trưởng tín dụng, cần vận hành cả “cỗ máy”

Tăng trưởng tín dụng đến giữa tháng 6/2012 ước chỉ đạt 0,4% so với đầu năm. Dự báo, tín dụng sẽ tăng 1,5%/tháng trong những tháng cuối năm, qua đó thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng. Tuy nhiên, cần phải có giải pháp tổng thể.

Để tăng trưởng tín dụng, cần vận hành cả “cỗ máy” ảnh 1

Tăng trưởng tín dụng còn phụ thuộc vào chất lượng khách hàng

Khả năng hấp thụ vốn thấp

Theo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam trong tháng 6/2012 do Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) phối hợp cùng với Công ty Markit Economics thực hiện, các điều kiện kinh doanh của lĩnh vực sản xuất Việt Nam tiếp tục giảm sút với tốc độ nhanh nhất trong bốn tháng qua. Điều này được phản ánh qua sự sụt giảm từ 48,3 điểm trong tháng 5 xuống còn 46,6 điểm trong tháng 6 của chỉ số PMI đã được điều chỉnh theo mùa và chỉ số PMI cho kết quả dưới mức trung bình 50 điểm trong ba tháng liên tiếp.

“PMI đạt mức 50 điểm cho biết mức tăng tổng thể và dưới 50 điểm là một mức giảm tổng thể. Khi PMI dưới 50 điểm là điều chính phủ các nước thường rất quan ngại”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nói.

Tăng trưởng tín dụng đến giữa tháng 6/2012 mới chỉ ước đạt 0,4% so với đầu năm. Vấn đề đặt ra hiện nay là, với mức tăng trưởng tín dụng mới chỉ tăng nhẹ như vậy, thì tăng trưởng tín dụng trong từng tháng còn lại của năm là bao nhiêu để phù hợp với thực trạng của nền kinh tế?

Lãnh đạo cao cấp của một NHTM được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xếp loại nhóm 1 và giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 17% trong năm 2012 cho biết, 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng âm 5%. Chủ tịch HĐQT một NHTM được NHNN xếp loại nhóm 2 và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 15% chia sẻ, 6 tháng đầu năm, ngân hàng ông gần như không tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, cả hai vị lãnh đạo ngân hàng trên đều cho rằng, xu hướng tăng dần đều của tín dụng là điều có thể nhìn thấy trước trong những tháng cuối năm.

“Ngay cả khi phương hướng dịch chuyển dòng tiền đang đi theo chiều hướng có lợi cho tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm, do thị trường trái phiếu chính phủ và tín phiếu NHNN sẽ không còn sôi động như giai đoạn 6 tháng đầu năm, vì lợi suất tín phiếu và trái phiếu sẽ không còn nhiều hấp dẫn so với những lãi suất khác, tăng trưởng tín dụng cả năm 2012 dự báo khoảng 8% và như vậy sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch tổng đầu tư toàn xã hội đạt 33,5% GDP”, báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhấn mạnh.

 

Dự báo tín dụng 6 tháng cuối năm

Nhưng nếu nhìn lại những lần tăng trưởng tín dụng đã qua cho thấy, mỗi khi lượng vốn trên 90.000 tỷ đồng/tháng được đưa vào nền kinh tế, thì mức lạm phát 6 tháng sau đó đều trên 2%/tháng. Do đó, để ổn định kinh tế vĩ mô trung và dài hạn, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia kiến nghị, lượng vốn đầu tư được đưa vào nền kinh tế trong các tháng còn lại của năm nên trong khoảng 80.000 - 85.000 tỷ đồng/tháng.

Với mức vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiện nay, vốn đầu tư từ ngân sách, kể cả nguồn trái phiếu chính phủ và ứng chi nguồn năm 2013 ước bình quân 22.000 - 25.000 tỷ đồng/tháng, thì tốc độ tăng tín dụng những tháng cuối năm có thể đạt 1,5%tháng.

Đặc biệt, khả năng tăng vốn tín dụng và giải ngân vốn ngân sách cần được phối hợp hài hòa, đảm bảo mục tiêu chung.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng, trong tháng 6/2012, tăng trưởng tín dụng là 1,5% và dự kiến tốc độ tăng trưởng bình quân của các tháng tiếp theo sẽ xấp xỉ như vậy, do giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế trong quý I và quý II đã qua. Tuy nhiên, vẫn cần điều kiện đi kèm là các chính sách, giải pháp của Chính phủ, của các bộ, ban, ngành được thực thi một cách quyết liệt hơn, ngân hàng mạnh dạn cho vay hơn, nhưng DN nào không có khả năng tồn tại buộc phải phá sản.

“Một cỗ máy muốn vận hành lại cần phải lau chùi máy, bơm lốp, tra dầu, thay mới những con vít hỏng…”, ông Lực ví von.

Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB cho rằng, không thể nghĩ tăng trưởng tín dụng nghĩa là sẽ tăng trưởng ồ ạt trong hệ thống ngân hàng, bởi tăng trưởng tín dụng còn phụ thuộc vào chất lượng khách hàng và đặc biệt là đi theo chu kỳ của nền kinh tế. Do vậy, mọi con số dự đoán chỉ mang tính ước lệ, bởi nhiều DN tốt hiện cũng không dám kinh doanh đúng khả năng do không bán được hàng, vì tổng cầu của toàn nền kinh tế đang giảm, thì DN vay tiền để làm gì? Bên cạnh đó, dù khẩu vị rủi ro của từng ngân hàng khác nhau, nhưng các ngân hàng cũng không dám mạo hiểm giải ngân vào bất động sản hay chứng khoán…

“Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cần phải được giải bằng một bài toán tổng thể, chứ không thể trông chờ vào hành động của riêng NHNN hay của các NHTM. Có như vậy, nguồn vốn mới được lưu thông và phát huy tác dụng thực”, ông Trung nói.           

Hồng Dung
Hồng Dung

Tin cùng chuyên mục