Đẩy lùi tín dụng đen và trách nhiệm của các định chế tài chính

(ĐTCK) Thị trường tài chính tiêu dùng năm 2018 chứng kiến sự gia nhập của nhiều tên tuổi mới như Lotte, Shinhan Card... Điều này được kỳ vọng góp phần giải quyết nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp, đẩy lùi tín dụng đen.

Công nghệ: Nền tảng cho sự phát triển

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Bùi Xuân Dũng, Tổng giám đốc EVN Finance cho biết: “Thương hiệu mới ra mắt Easy Credit sẽ sử dụng công nghệ khai thác dữ liệu lớn (Big Data) để giúp phân tích hành vi khách hàng và tiếp cận đúng đối tượng mục tiêu vào đúng thời điểm. Big Data được xem là nền tảng cơ bản trong mô hình kinh doanh và tổ chức của Easy Credit”.

Ông Nguyễn Thiện Tâm, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến FE Credit chia sẻ, FE Credit đã nghiên cứu công nghệ số hóa dữ liệu sinh trắc học để làm phong phú hơn kho dữ liệu khách hàng, đồng thời gia tăng tính chính xác trong hoạt động thẩm định vay, nâng cao khả năng kiểm soát rủi ro, giảm thiểu thời gian xử lí thông tin.

"Từ kho dữ liệu sinh trắc học được tối ưu hóa, FE Credit sẽ triển khai thêm các chức năng nhận dạng tự động. Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp so khớp và nhận dạng khách hàng dựa trên những mẫu thu được từ khách hàng, cũng như kho dữ liệu có sẵn. Hiện tại, FE Credit đang đưa vào thử nghiệm công nghệ nhận diện khuôn mặt và kiểm tra chất lượng hình ảnh, giúp nhận dạng khách hàng một cách nhanh chóng và chính xác, tiết kiệm thời gian và nhân lực”, ông Tâm nói.

Tổng giám đốc Mcredit - ông Hoàng Minh Tuấn cam kết sẽ sử dụng công nghệ và tiếp cận khách hàng một cách toàn diện, giảm thiểu mức độ tương tác của con người, giúp khách hàng trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ nhanh chóng và thuận tiện hơn, thông tin được minh bạch hơn.

Phát triển thêm các tính năng hấp dẫn hơn, với giao thiện thân thiện dành cho khách hàng cũng là điều được ông Jiri Manas, Giám đốc Công nghệ thông tin của Home Credit Việt Nam khẳng định. 

Trọng trách đẩy lùi tín dụng đen

Tại hội nghị về giải pháp hạn chế tín dụng đen do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức mới đây, ông Phạm Huyền Anh, Phó chánh thanh tra giám sát, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN) cho biết, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công an, trong khoảng 4 năm gần đây, trên toàn quốc xảy ra 7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen (56 vụ giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.809 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ hủy hoại tài sản...).

Trong đó, có khoảng 170 vụ lừa đảo, lạm dụng liên quan đến việc huy động vốn với lãi suất cao, với số tiền chiếm đoạt lên đến hàng ngàn tỷ đồng (vỡ nợ dây chuyền). Hiện nay, lực lượng cảnh sát hình sự đã "đưa vào tầm ngắm" 124 băng nhóm, với 831 đối tượng hoạt động có tổ chức về lĩnh vực cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê.

Thực tế, tín dụng đen tồn tại khi người dân, doanh nghiệp có nhu cầu vay tiền đột xuất với thủ tục nhanh gọn, không vướng điều kiện như tại các ngân hàng. Cùng với đó, công nghệ thông tin phát triển cũng giúp cách tiếp cận giữa bên có nhu cầu vay và cho vay càng trở nên đơn giản hơn.

Theo các chuyên gia kinh tế, các giải pháp ngăn chặn tín dụng đen phát triển sẽ khó phát huy được tác dụng nếu nhu cầu vay tiền đột xuất của người dân, doanh nghiệp không được giải quyết. Tại hội nghị nêu trên, một trong những giải pháp được đánh giá cao là vay vốn từ các công ty tài chính tiêu dùng, bởi các công ty này thường tập trung vào phân khúc khách hàng không đáp ứng đủ điều kiện cấp tín dụng của ngân hàng.

Theo đó, khách hàng có thể tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ cho vay tiền mặt với có các điều kiện đơn giản, không cần tài sản thế chấp hoặc bảo lãnh, chỉ cần chứng minh thư, căn cước hoặc sổ hộ khẩu. Thời gian giải ngân nhanh chóng trung bình 1-2 ngày, thậm chí có món vay được giải ngân ngay trong ngày…

Ông Hoàng Minh Tuấn, Tổng giám đốc Mcredit nói: “Các công ty tài chính tiêu dùng hoạt động tuân thủ quy định của pháp luật với sự đa dạng về sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến sẽ giúp người dân dễ dàng tiếp cận với nguốn vốn chính thống với chi phí và lãi suất hợp lý, góp phần hạn chế vay tín dụng đen”.

Cũng theo lãnh đạo Mcredit, ngoài tiếp cận khoản vay dễ dàng, khách hàng còn được công ty tài chính cung cấp nhiều hỗ trợ. Chẳng hạn, trong trường hợp mất khả năng trả nợ, khách hàng có thể trao đổi với công ty tài chính để được hỗ trợ, xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, gia hạn nợ.

Để tránh những điều đáng tiếc xảy ra như bị áp lãi suất cao hoặc bị phạt, bị vỡ nợ, người dân cần lưu ý đọc kỹ các điều khoản về hợp đồng trước khi ký, nhất là các điều khoản liên quan đến lãi suất, số tiền vay, thời gian vay, số tiền phải trả hàng tháng, ngày trả nợ. Nếu có vướng mắc, người dân cần trao đổi ngay với nhân viên tư vấn hoặc nhanh chóng liên hệ với công ty tài chính để được giải đáp kịp thời.

Hồng Dung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục