Đẩy lùi “tín dụng đen”, tuyên truyền có ý nghĩa quyết định

(ĐTCK) Các kênh cung cấp tín dụng phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của người dân thuộc các đối tượng khách hàng khác nhau.
Đẩy lùi “tín dụng đen”, tuyên truyền có ý nghĩa quyết định

Số liệu từ Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết, tính đến 31/12/2018, có 78 tổ chức tín dụng (TCTD) có phát sinh số liệu dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực cho vay phục vụ đời sống (đã bao gồm cho vay tiêu dùng của 13 công ty tài chính) với dư nợ đạt 1.416.933 tỷ đồng, chiếm 19,65% trong tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, tăng 29,38% so với thời điểm cuối năm 2017, trong đó dư nợ dài hạn chiếm tỷ trọng lớn 78%.

Trong số các sản phẩm cho vay phục vụ đời sống, cho vay mua nhà ở, thuê, thuê mua nhà ở, xây dựng sửa chữa nhà ở chiếm tỷ trọng lớn nhất 56,76%, đạt 804.205 tỷ đồng, tăng 36,13%; tiếp theo là cho vay tiêu dùng, sinh hoạt, mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình chiếm 30%, đạt 425.551 tỷ đồng, tăng 20,2%.

Số liệu trên cho thấy, nhu cầu vốn cho tiêu dùng vẫn đang tăng mạnh. Một khảo sát của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) vào tháng 2/2019 tại 7 tỉnh, thành phố (Bắc Giang, TP. HCM, Bình Dương, Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum và Thanh Hóa) có nhu cầu vay tiêu dùng lớn, tập trung đông công nhân, người lao động và có hoạt động "tín dụng đen" phức tạp cho thấy, dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng năm 2018 đều tăng so với năm 2017. Cụ thể, ở TP. HCM là 50%, Thanh Hóa là 31,21%, Bắc Giang là 24,25%, Gia Lai là 17,6%, Bình Dương là 9,58%, Kon Tum là 8,45% và Đắc Lắk là 3,53%.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định: “Sự bùng nổ của tín dụng tiêu dùng Việt Nam chỉ mới bắt đầu nhờ quá trình đô thị hóa nhanh, thu nhập tăng cao, cũng như sự chuyển dịch sang lĩnh vực tài chính hộ gia đình”.

Thực tế cho thấy, các kênh cung cấp tín dụng phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của người dân thuộc các đối tượng khách hàng khác nhau.

Tại cuộc họp tăng cường phối hợp giữa ngành ngân hàng và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng, góp phần hạn chế tín dụng đen do NHNN tổ chức, ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Agribank cho biết, bên cạnh cho vay trực tiếp, Agribank còn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức hội để đẩy mạnh triển khai phương pháp cho vay qua tổ nhóm, tạo điều kiện để khách hàng tiếp cận dòng vốn tín dụng thuận lợi và dễ dàng hơn.

“Đến ngày 31/3/2019, Agribank có tổng số 68.871 tổ vay vốn với 1,5 triệu thành viên, tổng dư nợ cho vay qua tổ đạt 122.203 tỷ đồng, chiếm 12% dư nợ cho vay của Agribank, trong đó có 27.607 tổ do Hội đồng nhân dân quản lý, 11.393 tổ do Hội Phụ nữ quản lý, 8.214 tổ do Ủy ban nhân dân xã quản lý, 5.699 tổ do công đoàn các đơn vị quản lý và 15.802 tổ do các tổ chức khác quản lý”, ông Thành nói.

Còn tại Ngân hàng Chính sách xã hội, ông Nguyễn Văn Lý, Phó tổng giám đốc  cho biết: “Ngân hàng đã cho vay thông qua 180.967 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ 193.314 tỷ đồng, trong đó qua Hội Nông dân là 56.958 tổ với dư nợ là 60.362 tỷ đồng, Hội Phụ nữ là 67.944 tổ với dư nợ là 75.675 tỷ đồng, Hội Cựu chiến binh là 31.292 tổ với dư nợ là 31.466 tỷ đồng, Đoàn Thanh niên là 24.773 tổ với dư nợ là 25.811 tỷ đồng”.

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, song Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, công tác phối hợp giữa ngành ngân hàng và các tổ chức chính trị - xã hội còn gặp một số khó khăn như việc ủy thác cho vay thông qua các tổ mới được thực hiện chủ yếu tại Ngân hàng Chính sách xã hội và Agribank, nên cần có thêm sự tham gia của các TCTD khác.

Bên cạnh đó, tại một số địa phương, người dân chưa biết hoặc chưa hiểu rõ, hiểu đúng về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng ưu đãi nên cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền của các ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội về nội dung, ý nghĩa của các chương trình tín dụng chính sách.

Để triển khai có hiệu quả công tác phối hợp giữa ngành ngân hàng và các tổ chức chính trị - xã hội, Phó thống đốc Tú cho rằng, cần tiếp tục phối hợp với ngành ngân hàng thực hiện hiệu quả các hình thức cho vay ủy thác, cho vay thông qua các tổ vay vốn, tổ tiết kiệm - vay vốn, thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ vay vốn tại địa phương. Trong đó, đặc biệt quan tâm quy trình bình xét cho vay vốn, đôn đốc người vay sử dụng vốn đúng mục đích, thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quy định.

“Chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội địa phương tăng cường phối hợp, nhận ủy thác, cho vay qua các tổ vay vốn, tổ tiết kiệm và vay vốn với Agribank, Ngân hàng Chính sách xã hội và các TCTD khác. Tăng cường các nguồn vốn và các sản phẩm cho vay thông qua các quỹ tài chính của tổ chức để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu vay vốn của người dân, đặc biệt là công nhân, người lao động, phụ nữ nghèo… nhằm đảm bảo người dân, nhất là các đối tượng khó khă,n được tiếp cận các dịch vụ tài chính một cách toàn diện, góp phần hạn chế 'tín dụng đen'”, Phó thống đốc Tú nói.

Hồng Dung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục