Đã có quy định mới cho các ngân hàng toàn cầu

Ngày 12/9, tại cuộc họp ở Basel, Thụy Sỹ, các giám đốc ngân hàng trung ương và quan chức giám sát ngân hàng hàng đầu thế giới đã đạt thỏa thuận về các quy định ngân hàng mới, nhằm giúp tránh tái diễn khủng hoảng tài chính toàn cầu trong tương lai.
Ảnh minh họa Ảnh minh họa

Thỏa thuận mang tên "Basel III" theo tên thành phố đăng cai cuộc họp, yêu cầu các ngân hàng duy trì nguồn vốn dự trữ lớn hơn nhiều: vốn bậc 1 tăng từ 2% hiện nay lên 4,5%, bắt đầu từ ngày 1/1/2015; vốn đệm (hay còn gọi là vốn điều hòa) tăng lên 2,5% từ ngày 1/1/2019.

 

Như vậy, tổng số vốn dự trữ của các ngân hàng sẽ lên đến 7%.

 

Các đại biểu tham dự cuộc họp cho biết mục đích tăng vốn đệm nhằm đảm bảo các ngân hàng "trụ được" trong thời kỳ khủng hoảng tài chính-kinh tế nhờ có sẵn một khoản tiền cần thiết để bù lấp những thua lỗ trong thời gian này.

 

Thỏa thuận yêu cầu loại một số tài sản ra khỏi nguồn dự trữ thích hợp, thay vào đó là những tài sản giá trị hơn, bắt đầu từ năm 2013.

 

Thỏa thuận cũng sẽ là công cụ để cấm các ngân hàng thưởng tiền tùy tiện hay chia cổ tức quá cao, ngay cả trong trường hợp nguồn vốn bị đe dọa; đồng thời cho phép các nhà điều phối tiếp tục làm việc để đưa ra mức vốn đệm cao hơn đối với những ngân hàng giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới.

 

Các đại biểu đề nghị áp dụng quy định mới theo từng giai đoạn, bắt đầu từ năm 2013 nhằm giảm gánh nặng cho các ngân hàng và thị trường tài chính.

 

Người chủ trì cuộc họp là Giám đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu Jean-Claude Trichet cho biết, thỏa thuận vừa đạt được là công cụ cơ bản để củng cố các tiêu chuẩn tài chính toàn cầu, góp phần duy trì ổn định tài chính lâu dài và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới.

 

Thỏa thuận sẽ được đưa ra thảo luận tại cuộc họp của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20), dự kiến diễn ra ở Hàn Quốc vào tháng 11 tới và phải được chính phủ các nước tham gia thông qua mới có hiệu lực.

 

Theo các nhà quan sát, thỏa thuận vừa đạt được là thay đổi lớn nhất đối với ngành ngân hàng thế giới trong nhiều thập kỷ nay, đặt nền tảng cho việc thực hiện kế hoạch cải tổ ngành tài chính thế giới, do một số nước đề xuất sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính kéo theo suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay.


TTXVN

Tin cùng chuyên mục