Cứu doanh nghiệp, không chỉ là lãi suất ưu đãi

(ĐTCK) DN dù được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ ngân hàng, nhưng để hoạt động thực sự có hiệu quả, cần có sự hấp thụ về vốn của cả nền kinh tế. Do đó, cần giải pháp đồng bộ hơn từ các bộ, ban, ngành.
Cứu doanh nghiệp, không chỉ là lãi suất ưu đãi

Ông Louis Taylor, Tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam

Cứu doanh nghiệp, không chỉ là lãi suất ưu đãi ảnh 1  
Khi nói đến vấn đề tăng trưởng tín dụng và khả năng hấp thụ vốn tại Việt Nam hiện nay, chúng ta cần chú ý đến hai khía cạnh: cung và cầu. Về nguồn cung, mặc dù thanh khoản của các ngân hàng dồi dào, nhưng nhiều ngân hàng vẫn dè dặt khi cho vay, do lo ngại những khoản cho vay đó sẽ trở thành nợ xấu. Do đó, họ chạy đua tìm kiếm những nhóm khách hàng “chất lượng” để chào mời những khoản vay lớn và nhóm còn lại phải gồng mình tìm kiếm nguồn vốn. Về phía cầu, sự gia tăng của nhu cầu nội địa không mạnh mẽ như tại các thị trường xuất khẩu, nên niềm tin trên thị trường không đủ để khuyến khích người dân và DN tiếp tục đầu tư ở thị trường nội địa hay vay vốn để đầu tư.

Theo tôi, nếu Chính phủ giữ được sự ổn định của giá cả và tiền tệ lâu dài thì niềm tin và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế sẽ gia tăng. Không nên để nguồn thanh khoản dồi dào hiện tại chảy quá nhiều vào lĩnh vực tiêu dùng; thay vào đó, điều cần làm là thúc đẩy dòng tiền chảy vào lĩnh vực sản xuất. Điều này sẽ duy trì được sự ổn định, đó chính là nền tảng cho tăng trưởng bền vững.

Hiện chưa có nhiều tiến triển trong quá trình tái cấu trúc các DNNN và lĩnh vực đầu tư công. Nếu Chính phủ thực hiện thành công những kế hoạch đã đề ra thì khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế sẽ gia tăng và trở nên hiệu quả hơn, giúp phục hồi luồng đầu tư.

 

Ông Tareq Muhmood, Tổng giám đốc ANZ Việt Nam  

  Cứu doanh nghiệp, không chỉ là lãi suất ưu đãi ảnh 2
Nếu chỉ nhìn vào số liệu tăng trưởng tín dụng thể hiện bằng con số thì sẽ không thể thấy hết vấn đề. Nhìn vào số liệu tăng trưởng phải nhìn vào bản chất, bởi trong một nền kinh tế có nhiều thành phần khác nhau phát triển với tốc độ khác nhau. Trong khi một số lĩnh vực của nền kinh tế chững lại, nhu cầu vay vốn giảm, DN thậm chí phải đóng cửa, thì nhiều lĩnh vực khác vẫn phát triển với tốc độ nhanh như nông nghiệp, các ngành liên quan đến xuất khẩu.

Theo tôi, nền kinh tế đang trải qua một giai đoạn điều chỉnh và cần thời gian để lợi thế của việc bình ổn có thể phát huy tác dụng xuyên suốt nền kinh tế. Bất cứ quốc gia nào cũng có một danh sách dài những việc cần làm để cải thiện môi trường kinh doanh. Một trong những yếu tố hàng đầu đó là giữ cho kinh tế vĩ mô ổn định. Sẽ là một rủi ro rất lớn nếu lạm phát cao quay trở lại. Tỷ giá hối đoái ổn định, tỷ lệ lãi suất thấp và lạm phát thấp sẽ tạo cho DN tâm thế tự tin để có hoạch định lâu dài cho tương lai.

Bên cạnh đó là các yếu tố khác như cơ sở hạ tầng hay việc nới lỏng quy định về mặt thủ tục hành chính, tạo thuận lợi khi cấp giấy phép kinh doanh.

 

Ông Nguyễn Tiến Đông, Phó tổng giám đốc Agribank

Cứu doanh nghiệp, không chỉ là lãi suất ưu đãi ảnh 3  
Dư nợ cho vay của Agribank là 470.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% dư nợ của nền kinh tế. Con số này rất lớn, điều hành vô cùng khó khăn. Chúng tôi cho vay với chênh lệch đầu vào - đầu ra chỉ là 4%/năm, đó là chưa tính phần trích lập dự phòng rủi ro và một số chi phí khác. Qua các đợt khảo sát nhu cầu tín dụng tại các DN, lãi suất đầu ra hiện nay phổ biến ở mức 12 - 12,5%/năm, có DN được vay ngắn hạn với lãi suất 8 - 10%/năm, vay trung và dài hạn là 11 - 13%/năm.

Ngân hàng thu được khoảng 80% trong gói lãi suất 12%/năm, còn lại là nợ đọng, DN không trả được, đó là chưa nói đến nợ lãi. Thực tế, khảo sát của Agribank cho thấy, tất cả các khách hàng truyền thống lâu nay cứ 1.000 DN thì hơn 900 DN không mở rộng đầu tư mới, mà chỉ quay vòng trong quy mô hiện tại, vì sức cầu của nền kinh tế quá yếu, không hấp thụ được; gần 10% DN còn lại thuộc diện yếu kém.

Khách hàng yếu thì ngân hàng không thể khỏe, đó là quan hệ rất liên thông. Chúng tôi huy động vốn từ nền kinh tế, đến tháng đến kỳ phải trả lãi, nếu cứ tính lãi suất huy động 7,5%/năm là không đúng, bởi có những dư nợ lãi suất cao vẫn còn tồn tại, ví dụ đến tháng 9 tới mới hết dư nợ huy động với lãi suất 12%/năm trước đây.

 

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó tổng giám đốc VPBank

  Cứu doanh nghiệp, không chỉ là lãi suất ưu đãi ảnh 4
Định hướng hoạt động của VPBank là ngân hàng bán lẻ nên DN vừa và nhỏ là đối tượng chính của Ngân hàng. Do vậy, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, Ngân hàng nỗ lực tư vấn, hỗ trợ, lựa chọn những giải pháp phù hợp nhất để khách hàng thực hiện được phương án kinh doanh, mà chi phí tài chính thấp nhất. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng của VPBank ở mức khá trong toàn ngành.

Đặc biệt, thời gian qua, VPBank triển khai nhiều gói sản phẩm như tài trợ trọn gói, cho vay nội tệ hưởng lãi suất ngoại tệ… đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tất nhiên, để vay được vốn với lãi suất ưu đãi, khách hàng phải đáp ứng các quy định của NHTM cũng như NHNN, đó là chưa kể từng sản phẩm dịch vụ có quy định riêng. Tuy nhiên, VPBank cho rằng, để cải thiện việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, cần có giải pháp từ hai phía: NHTM luôn cải tiến, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng, đồng thời không ngừng nâng cao trình độ nhân viên; còn DN phải nâng cao khả năng quản trị và điều hành một cách bền vững, hiệu quả, thận trọng, kinh doanh phù hợp với năng lực và quy mô.

Thời gian tới, Nhà nước cần kích thích nhu cầu tiêu dùng, đẩy mạnh giải ngân các dự án trọng điểm, đặc biệt sử dụng nhiều nguồn nguyên vật liệu và nhân công, qua đó tạo công ăn việc làm cho người lao động, kích thích kinh tế phát triển. Bên cạnh đó, hoàn thiện các văn bản pháp luật, tăng cường phối hợp giữa các ban, ngành trong việc xử lý tài sản thế chấp, có cơ chế xử lý nợ xấu nhanh nhất để dòng tiền lưu thông.

 

Bà Phạm Thị Trung Hà, Phó tổng giám đốc MB

Cứu doanh nghiệp, không chỉ là lãi suất ưu đãi ảnh 5  
Nền kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn, các tổ chức tín dụng có mức tăng trưởng tín dụng thấp, nhưng trong những lĩnh vực mà Chính phủ và NHNN ưu tiên, MB đã kịp thời hạ lãi suất cho phù hợp với tình hình của thị trường, góp phần thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển, kích cầu nền kinh tế. Các giải pháp tài chính đều đồng bộ theo chỉ đạo của Chính phủ như đồng hành với DN vừa và nhỏ, tạm trữ lúa gạo, DN xuất khẩu và thời gian tới là những sản phẩm dành cho các mặt hàng y tế, tiêu dùng, xăng dầu… Đối với các DN vay vốn với lãi suất trên 13%/năm, nếu tốt đều được MB đưa lãi suất xuống mức thấp hơn, một số ít DN vẫn phải trả lãi suất trên 13%/năm chủ yếu là do MB chưa đánh giá được thực trạng, chưa tìm ra được giải pháp; nếu DN có giải pháp tốt, MB sẵn sàng giảm lãi suất, vì DN có “sống” thì Ngân hàng mới “sống”.

Tôi cho rằng, các tổ chức tín dụng đều sẵn sàng với các sản phẩm, chương trình, con người để đẩy vốn ra nền kinh tế, nhưng vấn đề mấu chốt là tài trợ cho ai để thu hồi vốn an toàn, hiệu quả? Chính phủ cần có các giải pháp để kích cầu nền kinh tế, có các giải pháp đồng bộ về tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng. DN trong bối cảnh hiện nay cần đánh giá được thực trạng sản xuất - kinh doanh; nếu được vay vốn, liệu kinh doanh có hiệu quả, cải thiện được tình hình, hay làm DN “chết” nhanh hơn?

Nhuệ Mẫn thực hiện.
Nhuệ Mẫn thực hiện.

Tin cùng chuyên mục