Cuối năm, ngân hàng lớn săn tìm đối tác ngoại

Nhiều ngân hàng cho biết, sẽ bán một phần vốn cho nhà đầu tư nước ngoài nhằm hút vốn ngoại, đẩy mạnh tái cơ cấu trước khi niêm yết chính thức. Tuy nhiên, muốn có một đối tác phù hợp, nhà băng nội phải mất nhiều thời gian để tìm kiếm.
Các ngân hàng mong muốn được nới room cho khối ngoại để nâng cao năng lực vốn. Trong ảnh: Giao dịch tại Ngân hàng SCB. Các ngân hàng mong muốn được nới room cho khối ngoại để nâng cao năng lực vốn. Trong ảnh: Giao dịch tại Ngân hàng SCB.

Tìm kiếm đối tác phù hợp

Ngân hàng HDBank dự kiến trong năm nay sẽ bán 20% cổ phần cho nhà đầu tư ngoại và thu về 300 triệu USD trước khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán TP.HCM (Hose) vào đầu năm 2018.

Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) HDBank Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết, số cổ phần nói trên sẽ được bán cho các nhà đầu tư ngoại, mỗi nhà đầu tư không quá 5%. Về đối tác chiến lược, theo bà Thảo, các nhà đầu tư tiềm năng đến từ Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tỏ ý quan tâm.

Hiện giá cổ phiếu HDBank đang được giao dịch trên OTC ở mức 27.000 - 28.000 đồng/cổ phiếu. HDBank bất ngờ báo lãi trước thuế hơn 1.900 tỷ đồng trong 3 quý đầu năm nay, cao gấp 3,5 lần cùng kỳ 2016. Trong đó, riêng ngân hàng mẹ HDBank lãi trước thuế trên 1.700 tỷ đồng trong 3 quý, gấp rưỡi so với kết quả kinh doanh của cả năm 2016 và là con số cao nhất từ trước tới nay.

HDBank dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2017 sẽ đạt 2.400 tỷ đồng, đồng thời dự báo lợi nhuận trước thuế của năm 2018 sẽ tăng lên mức 3.900 tỷ đồng. Nhà băng này đặt mục tiêu trong năm tới sẽ tăng tổng tài sản bình quân trên 25% mỗi năm so với mức 180.000 tỷ đồng của năm 2017. Ngân hàng cũng dự báo doanh thu tăng 27% trong năm 2018.

Ngoài HDBank, kế hoạch bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài của Ngân hàng Sài Gòn (SCB) được ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc cho biết, đang quá trình thương thảo, đàm phán với các đối tác chiến lược nước ngoài, gồm các ngân hàng, quỹ đầu tư và công ty bảo hiểm đến từ Na Uy, Indonesia, Đài Bắc - Trung Hoa và Trung Quốc.

SCB là ngân hàng đầu tiên của Việt Nam được Chính phủ chấp thuận cho phép bán 50% cổ phần cho nhà đầu tư ngoại, đang đặt mục tiêu thu hút được tối thiểu 700 triệu USD.

SCB muốn tìm kiếm một đối tác ngoại là tập đoàn tài chính để vừa giúp ngân hàng trong việc nâng cao năng lực vốn, đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, vừa cùng thúc đẩy chiến lược phát triển ngân hàng. Tuy nhiên, việc tìm kiếm các đối tác theo tiêu chí nói trên chưa thể kỳ vọng hoàn tất trong một sớm một chiều.

Ngân hàng VPBank dự kiến sẽ chào bán riêng lẻ tối đa 5% tổng số cổ phần phổ thông đang lưu hành tại thời điểm chuyển đổi cho Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) - thành viên của Ngân hàng Thế giới theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông ngày 1/8/2017, nhằm thực hiện quyền chuyển đổi khoản vay thương mại thành vốn cổ phần. VPBank cho biết, hiện tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài tại ngân hàng này là 22,34%.

Cần thiết nới room?

Theo Tổng giám đốc Ngân hàng SCB, đối với cổ đông ngoại khi tham gia vào những ngân hàng đang quá trình tái cấu trúc, chắc chắn muốn nắm quyền sở hữu trên 50%. Đó cũng chính là lý do SCB xin chấp thuận bán hơn 50%.

Lãnh đạo các nhà băng cho rằng, một khi có sự tham gia của cổ đông ngoại, với tỷ lệ nắm giữ cao, nhà đầu tư nước ngoài tham gia điều hành trong HĐQT thì quy trình quản lý, quản trị rủi ro cũng sẽ được nâng tầm và minh bạch hơn nhiều. Do đó, cần thiết nới rom ở ngân hàng cổ phần, nhất là các ngân hàng đang tái cấu trúc cần nâng cao năng lực vốn.

Theo quy định tại Nghị định 69/2007/NĐ-CP của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của ngân hàng thương mại Việt Nam, đối tác chiến lược được sở hữu không quá 20% vốn điều lệ và tổng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại một nhà băng không vượt quá 30%.

Riêng với các ngân hàng yếu kém nằm trong diện cần tái cấu trúc, tỷ lệ sở hữu này có thể vượt quy định trên đối với từng trường hợp cụ thể do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Nhưng đến nay vẫn chưa nhà băng nào được bán 100% vốn cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Khi nói về định hướng nới room cho nhà đầu tư ngoại, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, việc nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài là một trong những cơ chế nhằm hỗ trợ, khuyến khích các ngân hàng thu hút thêm nguồn lực để tăng vốn. Tăng vốn cũng là yêu cầu đặt ra trong những năm tới, theo lộ trình đáp ứng các chuẩn mực cao hơn của Hiệp ước Basel II.

Tuy nhiên, Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, nới room là vấn đề lớn, không phải đơn giản. Điều này khi Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng đàm phán rất kỹ, song trong điều kiện hiện nay có thể thay đổi nếu cần thiết.

Dự kiến, ngân hàng nào có nhu cầu nới “room” sẽ trình phương án và các giải trình hợp lý, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét và trình Thủ tướng Chính phủ. Nới “room”, theo đó, sẽ xem xét từng trường hợp, chứ không nâng đồng loạt theo một giới hạn mới nào đó.

Vân Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục