Cuộc đua lãi suất tiền gửi sẽ có điểm dừng?

(ĐTCK-online) Trước lời kêu gọi các thành viên dừng cuộc đua lãi suất tiền gửi của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), đa số ngân hàng đều tỏ ra đồng thuận và cho biết, sẽ giữ ổn định thị trường tiền tệ, không đẩy lãi suất huy động lên quá cao. Song theo các ngân hàng, điều quan trọng là phải nhìn nhận được nguyên nhân sâu xa của vấn đề để có giải pháp hợp lý.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Techcombank cho biết, Ngân hàng ủng hộ lời kêu gọi của VNBA. Theo ông Vinh, trong thời gian qua Techcombank không thiếu vốn, nhưng phải điều chỉnh lãi suất theo mặt bằng chung của thị trường để giữ chân khách hàng. Hiện lãi suất tiền gửi của Techcombank không nằm trong top ngân hàng áp dụng mức cao nhất, nhưng phải nâng lên mức hợp lý.

Cũng theo đánh giá của ông Vinh, VNBA có vai trò rất lớn trong việc kêu gọi các ngân hàng thành viên dừng cuộc đua lãi suất tiền gửi. Tuy nhiên, điều quan trọng là phụ thuộc vào chiến lược của từng nhà băng. Đối với ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, có thể động lực thúc đẩy họ điều chỉnh tăng lãi suất huy động thời gian qua chính là muốn mở rộng thị phần tiền gửi.

Thực tế, trên thị trường tài chính - ngân hàng, sự cạnh tranh giữa các ngân hàng ngày một gay gắt hơn khi mạng lưới của hầu hết nhà băng đều được trải rộng khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Bên cạnh đó, các ngân hàng nước ngoài sau khi chuyển đổi hoạt động sang mô hình ngân hàng con cũng từng bước đẩy mạnh chiến lược phát triển ở thị trường Việt Nam. Chính vì vậy, đối với ngân hàng quy mô nhỏ, tăng lãi suất cũng là một giải pháp tốt để chiếm lĩnh thị trường. Song theo một số chuyên gia ngành ngân hàng, nếu không thận trọng, cuộc đua tăng lãi suất của các ngân hàng sẽ rất nguy hiểm, vì lợi nhuận giảm dần.

Trên thị trường, hiện có một số ngân hàng áp mức lãi suất lên 10,3%/năm cùng nhiều hình thức khuyến mãi, trong khi trần lãi suất cho vay vẫn là 10,5%/năm. Lãi suất bình quân qua đêm hiện là 7,76%/năm, lãi suất các kỳ hạn còn lại dao động trong khoảng từ 8,5%/năm đến 10,39%/năm. Song theo VNBA, hoàn toàn không có áp lực về thanh khoản trong hệ thống ngân hàng. Đồng thời, VNBA cũng khuyến cáo các ngân hàng trên định hướng tăng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, cần điều chỉnh tốc độ tăng tín dụng theo hướng phải đảm bảo an toàn, nhưng vẫn cung ứng đủ vốn cho tăng trưởng kinh tế.

Trao đổi với ĐTCK, ông Cao Văn Đức, Tổng giám đốc VietBank cho rằng, lời kêu gọi trên của VNBA là thiết thực và cần thiết. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải nhìn nhận được nguyên nhân sâu xa của vấn đề để có giải pháp hợp lý. Phải chăng, đã đến lúc cần sử dụng nguyên tắc “chủ động, linh hoạt” trong điều hành chính sách tiền tệ nhằm thay đổi về mức lãi suất đầu ra như hiện nay để phù hợp với tình hình thực tế?

VietBank là một trong những ngân hàng đã tham gia cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi VND trong thời gian gần đây. Nhưng theo ông Đức, mục đích chính là để duy trì sự ổn định của nguồn vốn huy động, đáp ứng yêu cầu kinh doanh và đảm bảo lợi ích cho khách hàng. Do đó, tùy từng thời điểm, VietBank sẽ điều chỉnh mức lãi suất để phù hợp với cung cầu của nguồn vốn.

Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các ngân hàng tháng 8 ước tăng 1,6% so với cuối tháng trước và tăng 21,9% so với cuối năm 2008, trong đó số dư tiền gửi VND ước tăng 1,75% và số dư tiền gửi ngoại tệ tăng 1,04% so với cuối tháng trước. Điều đáng nói là dư nợ tín dụng toàn hệ thống tháng 8 đã tăng cao hơn vốn huy động, ước tăng 1,75% so với cuối tháng trước. Như vậy, sau 2 tháng (6 và 7), tổng vốn huy động của toàn hệ thống ngân hàng tăng cao hơn so với tín dụng đầu tư ra nền kinh tế thì xu hướng này đang ngược lại tình trạng 5 tháng đầu năm 2009. 

Thùy Vinh
Thùy Vinh

Tin cùng chuyên mục