Củng cố vững chắc hoạt động của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân

(ĐTCK) Trải qua gần 25 năm hình thành và phát triển, hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) không ngừng lớn mạnh cả về quy mô, số lượng và kết quả hoạt động, minh chứng cho hiệu quả của các chính sách tài chính, ngân hàng - trong đó có chính sách về bảo hiểm tiền gửi (BHTG).
Củng cố vững chắc hoạt động của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân

Tính đến nay, toàn hệ thống QTDND có gần 1.200 quỹ, hoạt động ở 57 tỉnh, thành phố trong cả nước với gần 1,6 triệu thành viên, hình thành nên một mạng lưới các tổ chức nhận tiền gửi phục vụ cho mọi vùng miền, mọi đối tượng khách hàng trên cả nước.  

Đến tháng 4/2019, tổng vốn điều lệ của các QTDND đạt hơn 4.500 tỷ đồng, tổng tài sản có đạt gần 120.000 tỷ đồng, lợi nhuận ròng trên tổng tài sản đạt trên 0,87%, hoạt động tương đối ổn định, các chỉ tiêu cơ bản đều tăng trưởng, hầu hết QTDND kinh doanh có lãi.

QTDND chủ yếu phục vụ thị trường nông nghiệp, nông thôn, hoạt động mang bản chất của kinh tế hợp tác, đó là việc liên kết, tương hỗ giữa số đông nhiều người cùng chung mục đích góp vốn hoạt động nhằm mang lại lợi nhuận và đáp ứng nhu cầu vay vốn phục vụ quá trình sản xuất kinh doanh và cải thiện đời sống của hộ gia đình.

Hiệu quả hoạt động của các QTDND góp phần hạn chế một cách đáng kể tình trạng tín dụng đen. Vì vậy, ngoài mục tiêu về kinh tế thì hoạt động của QTDND còn mang tính xã hội rất sâu sắc.

Thời gian qua, hệ thống QTDND ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế các địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn một số QTDND hoạt động chưa đúng mục tiêu, yếu kém trong công tác điều hành, quản trị; tồn tại rủi ro đạo đức nghề nghiệp dẫn đến nguy cơ gây mất an toàn của từng quỹ cũng như cho cả hệ thống các tổ chức tín dụng.

Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tập trung rà soát, chấn chỉnh hệ thống QTDND thông qua việc ban hành Chỉ thị 06/CT-NHNN ngày 02/10/2018 về việc chấn chỉnh, tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động trong hệ thống QTDND.

Với vai trò bảo vệ cho tiền gửi của người dân tại các tổ chức tín dụng, trong đó có QTDND, Chỉ thị 06 đặt ra cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) các nhiệm vụ như: tăng cường phối hợp với NHNN trong việc xử lý, tham gia hỗ trợ các QTDND yếu kém được đặt vào diện kiểm soát đặc biệt (KSĐB); tích cực triển khai công tác tuyên truyền chính sách BHTGVN trong việc bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền; tiếp tục giám sát, phân tích, đánh giá, cảnh báo an toàn hệ thống đối với hệ thống QTDND, nhất là an toàn về tiền gửi và cho vay của các QTDND thông qua các chức năng và hoạt động của BHTGVN; và tham gia hỗ trợ chức năng kiểm tra, giám sát của NHNN đối với các QTDND.

Trước yêu cầu đặt ra đó, BHTGVN đã đẩy mạnh công tác nghiệp vụ đối với các QTDND trên khắp cả nước. Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2019, BHTGVN đã hoàn thành kiểm tra tại chỗ đối với 193 QTDND, kịp thời chấn chỉnh các sai sót của các quỹ trong việc chấp hành pháp luật về BHTG. BHTGVN thường xuyên giám sát hoạt động của các QTDND – gồm cả giám sát chung và giám sát chuyên sâu theo định kỳ tháng, quý để tập trung theo dõi xử lý đối với các quỹ có vấn đề.

Hiện tại BHTGVN đang hoàn thiện đề án "Nâng cao hiệu quả nghiệp vụ kiểm tra tại chỗ của BHTGVN nhằm bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền" để tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND.

Về công tác tuyên truyền chính sách nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, BHTGVN phối hợp với các đơn vị có liên quan tuyên truyền chính sách BHTG tới các QTDND tại nhiều địa phương trên cả nước như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Sơn La, Bến Tre, Bạc Liêu v.v, góp phần giúp người dân yên tâm, tin tưởng hơn nữa vào chính sách BHTG và hoạt động ngân hàng.

Thông qua các hoạt động tuyên truyền, BHTGVN đã ghi nhận được nhiều ý kiến từ các đại biểu tham dự để triển khai một cách sâu sát, có hiệu quả nghiệp vụ BHTG và thực hiện Chỉ thị 06 nhằm đảm bảo hoạt động lành mạnh của các QTDND. Ông Nguyễn Văn Nghị - Chủ tịch UBND xã Nhân Trạch, tỉnh Quảng Bình bày tỏ: Ông mong muốn người dân nâng cao ý thức trong việc gửi tiền để bảo đảm an toàn tuyệt đối tiền gửi của mình.

Về phía BHTGVN, ông hi vọng sẽ có thêm nhiều hoạt động tuyên truyền chính sách tại địa phương, phía chính quyền địa phương sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi trong việc phố biến chính sách pháp luật về BHTG và an toàn hoạt động QTDND trên địa bàn.

Ông Nguyễn Hải Nhàn - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nam Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An đánh giá cao hiệu quả tuyên truyền chính sách BHTG. Các sự kiện tuyên truyền mà BHTGVN thực hiện đã giúp người dân hiểu rõ hơn về ý nghĩa, vai trò của chính sách BHTG và quy định về tiền gửi tiết kiệm, từ đó có những quyết định đầu tư tài chính đúng đắn. Mỗi đại biểu tham dự sẽ tiếp tục đóng vai trò là một tuyên truyền viên để đưa chính sách, pháp luật về BHTG đến cộng đồng địa phương, qua đó góp phần củng cố niềm tin công chúng vào hoạt động của các TCTD, đề cao cảnh giác đối với các thông tin sai lệch gây hoang mang dư luận.

Hà An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục