Chưa thể chấm dứt tín dụng ngoại tệ

Nếu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) không tiếp tục gia hạn, thì sau ngày 31/3/2016, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu sẽ phải chấm dứt vay ngoại tệ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là NHNN sẽ xóa sổ hoàn toàn tín dụng ngoại tệ.
Chưa thể chấm dứt tín dụng ngoại tệ

Theo Thông tư 24/2015/TT-NHNN được NHNN ban hành cuối năm 2015, việc cho vay ngoại tệ ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu chỉ được tiếp tục thực hiện tới hết ngày 31/3/2016.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận định, nhiều khả năng, NHNN sẽ không tiếp tục gia hạn cho vay ngoại tệ đối với các đối tượng trên. Trên thực tế, đáng lẽ cho vay ngoại tệ với nhóm đối tượng này đã bị NHNN “cắt” từ năm 2013, song do kinh tế khó khăn, nên NHNN đã nhiều lần gia hạn.

“NHNN đã nhiều lần gia hạn cho vay ngoại tệ, lần này, tôi nghĩ, NHNN sẽ không tiếp tục gia hạn nữa, bởi nhu cầu vay ngoại tệ đã giảm mạnh thời gian qua, trong khi huy động vốn bằng ngoại tệ tăng trưởng tốt. Trong khi đó, việc từng bước chấm dứt cho vay ngoại tệ cũng phù hợp với lộ trình chống đô-la hóa, qua đó góp phần ổn định tỷ giá - điều mà NHNN theo đuổi”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.

"Không phải DN nào cũng được vay ngoại tệ, mà sẽ phải chuyển sang quan hệ mua - bán ngoại tệ, do đó, các DN nên chủ động phòng ngừa rủi ro biến động tỷ giá" - ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc Ngân hàng VIB.

Nếu quy định trên bị ảnh hưởng, nhóm DN bị ảnh hưởng nhiều nhất là có lẽ là các DN xuất khẩu nông - lâm - thủy sản. Xét về lý thuyết, vay vốn ngoại tệ với lãi suất thấp có thể giúp DN hưởng lợi trước mắt, song nếu tiếp tục gia hạn cho vay ngoại tệ, thì đô-la hóa nền kinh tế tiếp tục gia tăng, đồng nghĩa với việc về lâu dài, DN sẽ chịu nhiều rủi ro tỷ giá.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng cũng cho rằng, tín dụng ngoại tệ đã giảm nhanh thời gian qua (năm 2015 tín dụng ngoại tệ giảm 13%), nguồn cung ngoại tệ trên thị trường khá dồi dào. Do đó, nếu NHNN chấm dứt cho vay ngoại tệ ngắn hạn đối với DN xuất khẩu, thì các DN sẽ không chịu nhiều ảnh hưởng vì có thể dễ dàng mua ngoại tệ trên thị trường.

Bên cạnh đó, không phải mọi đối tượng đều bị dừng cho vay ngoại tệ sau ngày 31/3/2016. Cụ thể, theo Thông tư 24/2015/TT-NHNN, nhiều nhu cầu vay ngoại tệ khác vẫn không bị hạn chế.

Thứ nhất là các nhu cầu vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay.

Thứ hai là nhu cầu vay ngắn hạn đối với DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công thương giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu hàng năm để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu xăng dầu khi khách hàng vay không có hoặc không có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay.

Thứ ba là trường hợp vay để đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án, công trình quan trọng quốc gia được Quốc hội, Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư và đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, việc ngừng gia hạn cho vay ngoại tệ với một số đối tượng sẽ là hành động quyết liệt tiếp theo của NHNN trong lộ trình chống đô-la hóa, sau khi đã chính thức áp dụng lãi suất tiền gửi về 0% trong  năm 2015. Để tiếp tục lộ trình này, có thể, sắp tới, NHNN sẽ tiếp tục siết chặt tín dụng ngoại tệ hơn nữa.

Trong bối cảnh tín dụng ngoại tệ ngày càng thắt chặt, quan hệ tín dụng chuyển dần sang quan hệ mua - bán ngoại tệ, các ngân hàng khuyến cáo, DN nên chú ý đến các sản phẩm bảo hiểm rủi ro tỷ giá.

“Không phải DN nào cũng được vay ngoại tệ, mà sẽ phải chuyển sang quan hệ mua - bán ngoại tệ, do đó, các DN nên chủ động phòng ngừa rủi ro biến động tỷ giá. DN Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của các DN Nhật Bản: nguyên tắc bất di bất dịch của họ là bảo hiểm tới 70% rủi ro tài chính, 30% còn lại có thể thả nổi theo dự báo. Khi làm như vậy, DN sẽ có nhiều thời gian để tập trung vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chính, thay vì phải suốt ngày ‘canh’ biến động tỷ giá”, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc Ngân hàng VIB nói.

Theo phản ánh của các ngân hàng, hiện tại, họ đang chào bán rất nhiều sản phẩm bảo hiểm rủi ro tỷ giá, song số DN mua bảo hiểm chưa nhiều và đa phần là ngắn hạn, với 80% hợp đồng bảo hiểm tỷ giá có thời hạn dưới 3 tháng. Trong khi đó, dự báo tỷ giá năm nay vẫn sẽ chịu nhiều áp lực.

Hà Tâm
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục