Chủ tịch SHB “xử đẹp” mọi chất vấn

(ĐTCK) Tưởng chừng ĐHCĐ của SHB sẽ "nóng", nhưng "bầu" Hiển đã khéo léo lái Đại hội kết thúc như mong muốn của Ban điều hành.
Chủ tịch SHB “xử đẹp” mọi chất vấn

> Màn trình diễn số liệu trong thương vụ SHB-HBB

Tưởng chừng không khí chất vấn căng thẳng trong phiên họp ĐHCĐ của Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank, mã HBB) sẽ được tái diễn tại phiên họp ĐHCĐ của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), nhưng bức tranh thực tế lại cho thấy, các vấn đề gai góc đã được xử lý một cách rất… dễ dàng. SHB nhanh chóng đi đến sự thống nhất của cổ đông về phương án nhận sáp nhập Habubank cũng như kế hoạch kinh doanh năm 2012, bởi cách điều hành cuộc họp chủ động của Chủ tịch HĐQT SHB, ông Đỗ Quang Hiển.

Với gần 800 cổ đông (dự trực tiếp và ủy quyền) tham dự cuộc họp ĐHCĐ, đại diện trên 73,98% cổ phần của SHB tham dự, phiên họp ĐHCĐ của SHB đã kết thúc suôn sẻ lúc 13h ngày 5/5/2012. Các nội dung cơ bản đã được trình bày trong tài liệu gửi cổ đông, nên phần được chờ đợi nhiều nhất là nội dung chất vấn. Các vấn đề cổ đông quan tâm là: tỷ lệ chuyển đổi, cách hạch toán và giải quyết nợ xấu sau khi nhận sáp nhập Habubank.

Đầu tiên, cổ đông thắc mắc, tại sao có tỷ lệ chuyển đổi 1 cổ phiếu HBB được 0,75 cổ phiếu SHB? Việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (cổ đông cũ) của SHB trước sáp nhập tỷ lệ 21% lấy nguồn từ đâu, liệu có được NHNN, UBCK chấp thuận? Nếu thực hiện, giá cổ phiếu SHB có bị điều chỉnh giảm? Giải thích tại phiên họp, đại diện CTCK Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS), đơn vị tư vấn cho rằng, tỷ lệ chuyển đổi này dựa trên thoả thuận thương mại giữa hai bên, trên cơ sở xác định theo báo cáo tài chính kiểm toán (của E&Y kiểm toán). Giá tham chiếu cổ phiếu SHB sẽ không đổi sau 2 nghiệp vụ là phát hành cổ phiếu cho cổ đông gốc và nhận sáp nhập Habubank.

ĐHCĐ SHB với nhiều vấn đề gai góc lại diễn ra khá suôn sẻ

Tìm hiểu của ĐTCK với một lãnh đạo Sở GDCK Hà Nội (nơi 2 cổ phiếu SHB, HBB đang niêm yết) được biết, tiến trình xử lý cổ phiếu SHB-HBB dự kiến như sau: cổ phiếu HBB sẽ bị hủy niêm yết, còn cổ phiếu SHB sẽ dừng giao dịch ít nhất 2 tuần, sau đó, SHB sẽ tiến hành niêm yết bổ sung lượng cổ phiếu mới, gồm số cổ phiếu phát hành trả cho cổ đông Habubank và số cổ phiếu chia cho cổ đông gốc SHB. Khi quá trình này hoàn tất, tổng lượng cổ phiếu niêm yết mang tên SHB là 886 triệu cổ phiếu, sẽ được giao dịch trở lại trên HNX.

Về nguồn phát hành, VCBS cho hay, đây không phải là việc phát hành mới, mà chỉ trên cơ sở phân chia lại cổ phiếu cũ của Habubank, theo tỷ lệ chuyển đổi với nguyên tắc giữ nguyên vốn điều lệ, nên không cần phải tính nguồn thặng dư từ SHB. Ông Đỗ Quang Hiển cho biết, các nội dung này đã được 2 ngân hàng trình bày trong đề án sáp nhập, đã có sự chấp thuận nguyên tắc của cả NHNN và UBCK. Theo ông Hiển, việc phát hành 21% cổ phiếu mới cho cổ đông hiện hữu của SHB là chưa có tiền lệ và không có quy định nào hướng dẫn, nhưng cũng không có văn bản pháp lý nào không cho phép làm việc này.

Vấn đề thứ hai được cổ đông quan tâm là nợ xấu. Một cổ đông đặt câu hỏi có thể tin vào chất lượng báo cáo kiểm toán của E&Y không, khi chỉ sau 2 tháng, tỷ lệ nợ xấu của Habubank đã tăng từ mức 4,42% cuối năm 2011 lên hơn 16% ngày 29/2/2012? Cổ đông cũng thắc mắc là trong báo cáo đánh giá đặc biệt của NHNN, nhiều khoản nợ xấu tại Habubank đã bị yêu cầu trích lập dự phòng 100%. Sau đó, khoản cho Vinashin vay lại được SHB công bố là sẽ trích lập trong 5 năm, thay vì trích lập 1 lần, vì sao? Hơn nữa, bản thân SHB cũng có dư nợ cho vay Vinashin và một số đối tượng có nợ xấu tại Habubank. Tại SHB, việc trích lập dự phòng với các khoản này như thế nào?...

Trả lời các vấn đề trên, ông Hiển cho biết, việc điều chỉnh cách hạch toán khoản vay nợ của Vinashin đã được Ngân hàng xin ý kiến của NHNN. “Chúng tôi chịu trách nhiệm về vấn đề này trước Đại hội và chính chúng tôi cũng là cổ đông của SHB, nên càng có trách nhiệm phải bảo đảm quyền lợi của SHB”, ông Hiển nhấn mạnh.

Đối với việc trích lập dự phòng các khoản nợ cùng chủ với những khoản nợ xấu của Habubank mà Vinashin là một trong số đó, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB cho biết, việc trích lập dự phòng phải căn cứ vào nhiều yếu tố như: tài sản đảm bảo, khả năng thu hồi, thời gian quá hạn… Các khoản nợ của Vinashin tại SHB có tài sản cầm cố là các con tàu và Ngân hàng đã thực hiện trích lập đầy đủ theo quy định. “Không phải cứ đơn vị nào có nợ xấu tại Habubank, nếu có vay nợ tại SHB đều là nợ xấu phải trích lập 100%, bởi nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đã có trong các văn bản hướng dẫn của pháp luật”, ông Lê nói.

Về khả năng khắc phục nợ xấu, cách thức điều hành SHB sau sáp nhập…, SHB đã sớm lấy được sự đồng thuận của cổ đông, một phần do cách thức truyền thông của SHB từ trước cuộc họp, một phần bởi sự thuyết phục của chính Ban điều hành. Phiên họp dù kéo dài qua giờ trưa, nhưng do bắt đầu là sau 9 giờ, nên được coi là ngắn hơn dự kiến của nhiều cổ đông.

Không ít ý kiến gai góc đã được đưa ra tại Đại hội, nhưng Chủ tịch SHB, ông Đỗ Quang Hiển đã chủ động điều tiết trên quan điểm cho rằng, các cổ đông khi thảo luận phải dựa trên tinh thần xây dựng và thiện chí. “Chúng ta ngồi họp ở đây là vì lợi ích của tất cả cổ đông, để làm sao cho quyền lợi của cổ đông tăng lên”, ông Hiển nói.

Với cách điều hành này, cuộc họp SHB đã kết thúc như mong muốn của Ban điều hành Ngân hàng khi 99,4% cổ đông thông qua tất cả các tờ trình tại Đại hội. Cuối cùng, cổ đông chỉ chốt 1 câu nhắn nhủ: “Chúng tôi mong HĐQT sẽ chèo lái con thuyền SHB phát triển vững chắc”. 

Bùi Sưởng
Bùi Sưởng

Tin cùng chuyên mục