Chủ tịch HSBC Hàn Quốc: “49% DN Hàn Quốc chọn Việt Nam”

(ĐTCK) Ông Martin Tricaud, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc HSBC Hàn Quốc cho biết, Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc đã tiến hành một cuộc khảo sát, trong đó các thành viên tham gia được hỏi về điểm đến đầu tư lý tưởng nhất của họ và thật kỳ diệu là gần như một nửa công ty tham gia khảo sát - 49% đã lựa chọn Việt Nam.
Dòng chảy vốn của nhà đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng Dòng chảy vốn của nhà đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng

Với kết quả cuộc khảo sát này, xu hướng các DN Hàn Quốc chọn Việt Nam đã rõ, thưa ông?

Năm 2014, Việt Nam là đích đến đầu tư lớn thứ tư của các DN Hàn Quốc và Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam, với vốn đầu tư đăng ký mới đạt 7,3 tỷ USD.

Trong 7 tháng đầu năm nay, các công ty Hàn Quốc tiếp tục đứng đầu với 1,91 tỷ USD vốn đầu tư đăng ký mới, chiếm 21% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Hiện tại, có khoảng 4.000 công ty Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã chuyển hướng chính sách về đầu tư trực tiếp từ các ngành tập trung nhiều lao động sang các ngành có giá trị gia tăng cao.

Phù hợp với sự thay đổi đó, nhà đầu tư Hàn Quốc tại thị trường Việt Nam cũng đang chuyển hướng. Khi các công ty Hàn Quốc lớn đang gia tăng đầu tư, nhóm công ty vệ tinh và các nhà cung cấp cũng đi theo tham gia vào thị trường Việt Nam.

Ông Martin Tricaud
 

Vậy những yếu tố tiềm năng mà các nhà đầu tư Hàn Quốc nhìn thấy ở Việt Nam là gì?

Nhà đầu tư Hàn Quốc xem Việt Nam là một thị trường tiềm năng tăng trưởng kinh doanh của họ bởi sự tương đồng về mục tiêu của hai quốc gia trong dòng chảy thương mại, đầu tư ở cả tầm Chính phủ cũng như ở các DN. Vì thế, HSBC và bản thân tôi nhìn nhận, dòng chảy vốn của nhà đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng.

Thứ nhất, về ngành sản xuất, trước đây thông thường các nhà đầu tư nghĩ đến Việt Nam như là một thị trường có kích cỡ thu hút các dự án đầu tư nước ngoài vừa và nhỏ. Nhưng thực tế đã chứng minh, không ít tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc thành công lớn trong việc đầu tư các dự án lớn tại thị trường Việt Nam như Samsung, LG. Qua đó, các DN Hàn Quốc và Việt Nam cũng có thể tham gia vào chuỗi cung ứng thương mại.

Thứ hai là xu hướng về bán lẻ, với tiềm năng dân số trẻ và trên 90 triệu người, Việt Nam được xem là một trong những thị trường hấp dẫn được các DN Hàn Quốc tập trung đẩy mạnh việc bán lẻ, đưa hàng hóa, sản phẩm của Hàn Quốc vào thị trường nội địa.

Thứ ba là mảng dịch vụ, giải trí. Sở dĩ các DN Hàn Quốc nhắm đến mảng này là vì họ nhìn thấy nhu cầu của người dân về giải trí, dịch vụ còn lớn, nhưng chưa được cung ứng đầy đủ. Có nhiều yếu tố góp phần thúc đẩy các DN Hàn Quốc vào Việt Nam, đó là lực lượng lao động trẻ dồi dào, chi phí thấp, môi trường chính trị - xã hội ổn định…

Vậy làm thế nào để DN nội địa tham gia vào chuỗi cung ứng khi các nhà đầu tư Hàn Quốc tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, thưa ông?

Hiện có khoảng 30-40 tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc đang tăng trưởng mạnh, chiếm khoảng 70-75% GDP của cả nước.

Chiến lược của các tập đoàn kinh tế lớn tại Hàn Quốc trong xu hướng đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài là sẽ kéo theo các DN vừa và nhỏ của họ tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị hàng hóa. Các DN Hàn Quốc tương đối cởi mở trong việc mở rộng ra thị trường quốc tế.

Vì thế, họ không chỉ cần các DN Hàn Quốc tham gia vào chuỗi cung ứng, mà còn rất muốn các DN sở tại cùng tham gia vào chuỗi cung ứng này. Đây sẽ là một thuận lợi cho các DN Việt Nam. Mặt khác, các DN Việt Nam có thể tư vấn, cung cấp thêm thông tin về thị trường, văn hóa kinh doanh cho các DN Hàn Quốc.

Mục tiêu của DN trong nước là làm thế nào để tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Nhưng có một số điểm cần lưu ý là nếu không giải quyết tận gốc vấn đề chất lượng sản phẩm thì khó có thể duy trì sự tham gia vào chuỗi.

Một số DN nước ngoài phản ánh, chất lượng hàng hóa mà các DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng lúc đầu rất tốt, nhưng sau đó lại suy giảm dần hoặc chất lượng không đồng nhất giữa các lô hàng. Vì thế, DN Việt Nam muốn tham gia vào chuỗi cung ứng phải chuẩn bị tốt nguồn nhân lực để có thể cung ứng tốt hàng hóa.

Vậy vai trò một định chế tài chính của HSBC trong việc thúc đẩy thương mại, thu hút nguồn vốn Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam như thế nào, hay chỉ đơn thuần là cung cấp vốn cho DN Hàn Quốc khi đầu tư sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam?

HSBC hoạt động tại thị trường châu Á từ 150 năm trước, bắt đầu là Hồng Kông, Thượng Hải, Việt Nam và đến Hàn Quốc. Vì thế, chúng tôi rất mong muốn tập trung và đẩy mạnh tăng trưởng ở thị trường châu Á. Bất cứ một DN nào có nhu cầu về đầu tư tăng trưởng ra thị trường quốc tế, HSBC nhận thấy có cơ hội để hỗ trợ các giải pháp tài chính đều sẽ được chúng tôi đón chào.

Là đối tác ngân hàng, HSBC đã hỗ trợ các công ty Hàn Quốc trong quá trình mở rộng phát triển tại Việt Nam với một số dự án, từ sản xuất điện tử, cơ sở hạ tầng, các nhà máy điện lớn, phát triển bất động sản và bán lẻ thông qua một số giải pháp ngân hàng được thiết kế phù hợp với nhu cầu của họ.

Các sản phẩm và dịch vụ của chúng tôi bao gồm quản lý tiền tệ, cho vay, tài trợ dự án, tài trợ thương mại, ngoại hối, quản lý rủi ro và dịch vụ lưu ký chứng khoán.

Các dòng chảy thương mại và đầu tư đang gia tăng sẽ đưa tới nhiều cơ hội kinh doanh và HSBC có thể hỗ trợ khách hàng nắm bắt những cơ hội này dựa trên sự am hiểu thị trường và sự hiện diện mạnh mẽ tại cả thị trường Hàn Quốc, Việt Nam.

Đối với chúng tôi, Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng nhất, hành lang thương mại và đầu tư lớn thứ hai sau hành lang với Trung Quốc và tầm quan trọng này đang dần gia tăng.

HSBC từng đưa ra nhận định, nếu Fed tái tăng lãi suất thì tỷ giá sẽ điều chỉnh tăng trên 2% trong giai đoạn cuối năm 2015. Nhưng NHNN Việt Nam vừa khẳng định là không tiếp tục hạ giá tiền đồng. Ông đánh giá như thế nào về động thái này?

Sau điều chỉnh tỷ giá lần thứ nhất của NHNN và tăng thêm 1%, NHNN đã tăng thêm biên độ tỷ giá để ổn định thị trường ngoại hối, đồng thời cam kết không tăng thêm trong năm nay.

Nếu nhìn vào môi trường đầu tư ở bất kỳ thị trường nào, một trong những yếu tố các nhà đầu tư quan tâm đến là sự ổn định đồng tiền của quốc gia đó. Vì nếu đồng tiền của quốc gia đó bị phá giá 5% thì hầu như toàn bộ lợi nhuận thu được từ khoản đầu tư của họ không bù đắp được sự mất giá của đồng nội tệ sau khi chuyển thành USD.

Chính sự cam kết của NHNN sẽ tạo thêm tính hấp dẫn trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư gián tiếp (FII) và đầu tư trực tiếp (FDI) từ nước ngoài vào Việt Nam.

Vân Linh thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục