Chạy đua bán lẻ, rủi ro rình rập các ngân hàng

(ĐTCK) Với dân số 90 triệu người, Việt Nam đang được xem như mảnh đất hứa cho hoạt động bán lẻ của các ngân hàng thương mại (NHTM). 
Chạy đua bán lẻ, rủi ro rình rập các ngân hàng

Tuy nhiên, cùng với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của mảng kinh doanh này, các ngân hàng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có bảo mật thông tin và quản lý rủi ro.

Theo báo cáo khảo sát toàn cầu về ngân hàng bán lẻ 2014 của Ernst & Young, với một thị trường hơn 90 triệu dân, trong đó 75% chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng, tiềm năng của thị trường ngân hàng bán lẻ của Việt Nam rất lớn.

Sự gia tăng nhanh chóng của các thiết bị di động thông minh, phương tiện truyền thông xã hội, số hóa được xem là xu hướng mới của hầu hết các ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam. Nhiều ngân hàng đã tận dụng thế mạnh công nghệ của mình đưa đến cho khách hàng những dịch vụ, tiện ích tốt nhất. Nếu như những năm trước, Internet Banking nắm quyền thống trị thì trong năm 2014, Mobile Banking đang có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng đạt mức 20 - 30%/ tháng.

Theo số liệu của Smartlink, hiện có 32 ngân hàng triển khai dịch vụ Mobile Banking, cung cấp nhiều tiện ích mới, đơn giản, thuận tiện cho khách hàng thực hiện giao dịch. Với hơn 3 triệu khách hàng sử dụng mỗi tháng, hứa hẹn sẽ là hướng phát triển tiềm năng trong những năm tới.

Phát biểu tại Hội thảo “Phát triển ngân hàng bán lẻ hướng tới mô hình hiện đại và toàn diện”, diễn ra ngày 3/12 tại TP. HCM, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, để có thể phát triển và tăng trưởng về lợi nhuận, các NHTM phải đẩy mạnh chiến lược phát triển ngân hàng bán lẻ, vì theo thống kê tại các ngân hàng trong khu vực châu Á, lợi nhuận từ hoạt động bán lẻ chiếm tới 54% trong tổng lợi nhuận. Tỷ trọng này cũng tương tự ở thị trường Mỹ. Trong khi đó, ở Việt Nam mặc dù chưa có thống kê cụ thể, nhưng ước tính chỉ chiếm 25 - 30%. Vì thế, thị trường nội địa còn nhiều tiềm năng tăng trưởng bán lẻ cho ngân hàng.

Cũng theo TS. Lực, các NHTM đã và đang đầu tư mạnh cho hoạt động ngân hàng bán lẻ, song vẫn chưa đúng hướng đi và còn khá lúng túng về định hướng, bước đi trong bối cảnh nguồn lực đầu tư vẫn hạn chế, nhất là đang giai đoạn tái cấu trúc. Tuy nhiên, cùng với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, các ngân hàng phải đối mặt với nhiều thách thức, một trong số đó đến từ việc bảo mật thông tin và quản lý rủi ro trong vận hành.

Theo khảo sát về ngành ngân hàng Việt Nam 2013 của KPMG, 57% người tham gia khảo sát cho rằng, vấn đề quản trị rủi ro hoạt động là phức tạp nhất, trong khi nhiều ngân hàng hiện mới chỉ triển khai công việc này ở mức độ rất sơ khai.

Mặc dù có nhiều nỗ lực, song cho tới nay, Việt Nam vẫn chưa thiết lập được khuôn khổ pháp lý chính thức cho quản trị rủi ro hoạt động. Bên cạnh đó, bảo mật ngân hàng cũng là một vấn đề đáng lưu ý trong phát triển ngân hàng bán lẻ. Hàng loạt vụ trộm tài khoản tín dụng cá nhân đã xảy ra trong thời gian qua.

Những sự cố này đã đặt ra một bài toán lớn cho các ngân hàng bán lẻ trong việc thu thập, quản lý các dữ liệu tổn thất, xây dựng biện pháp đo lường rủi ro, tăng cường giám sát các hoạt động từ phía nhà nước, phía ngân hàng để nâng cao bảo mật hệ thống mạng thông tin.

Giám đốc Khối khách hàng cá nhân VPBank, ông Kalidas Ghose nhìn nhận, tiềm năng của thị trường tài chính bán lẻ Việt Nam to lớn, vấn đề là ngân hàng phải có sự đầu tư nghiêm túc vào các yếu tố then chốt: con người, công nghệ, quản trị rủi ro, bởi rủi ro trong việc đẩy mạnh cho vay phân tán là rất lớn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Đương, Phó tổng giám đốc Trung tâm thông tin tín dụng NHNN (CIC) cho biết, hiện các ngân hàng dù đã mở rộng kinh doanh trên nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng hoạt động cho vay vẫn là nguồn cơ bản tạo nên thu nhập chính của ngân hàng. Do vậy, theo ông Đương, rủi ro tín dụng là vấn đề cần được quan tâm đặc biệt. Đây là loại rủi ro đa dạng và phức tạp, trong khi việc quản lý, phòng ngừa rất khó khăn.

Trong khi đó, hệ thống thông tin quản lý tại các ngân hàng còn hạn chế, dẫn đến không đủ nguồn thông tin để phát triển, xây dựng mô hình quản trị rủi ro hiệu quả. Việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế và mô hình quản trị rủi ro hiện đại vào ngân hàng Việt Nam vẫn còn chậm, chưa hiệu quả. Một số ngân hàng vẫn coi mảng quản trị rủi ro chỉ là hoạt động hỗ trợ. Vì thế, NHNN đã ban hành lộ trình thực hiện các chuẩn mực an toàn theo quy định Basel II cũng như áp dụng các quy định của Thông tư 36 từ 1/2/2015.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục