“Chán” trần tăng trưởng tín dụng!

(ĐTCK) Các nhà băng cho biết, không còn phải lo chỉ tiêu tín dụng cho năm nay. Bởi mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng cho năm 2013 dù ở mức 12%, nhưng cũng cao gần gấp đôi so với mức thực hiện năm ngoái.
“Chán” trần tăng trưởng tín dụng!

Trong khi đó, đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ trong năm nay là không dễ, cho đến khi nợ xấu cơ bản được giải quyết.

“Chán” trần tăng trưởng tín dụng! ảnh 1Năm 2013, NHNN không quy định trần chỉ tiêu tín dụng cho từng ngân hàng

Nếu như năm trước, các ngân hàng chạy đua chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phân thành ba nhóm khác nhau, thì năm nay, nhà băng không còn lo nghĩ về điều này. Tổng giám đốc NamA Bank, ông Trần Anh Tuấn cho biết, năm 2012, với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng nhận được ở mức 15%, Ngân hàng đã sử dụng hết. Với năm 2013, khi NHNN đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12%, tuy không phải là con số cao, nhưng NamA Bank không còn phải lo về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm nay. Theo ông Tuấn, năm 2013, NHNN không còn áp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng nhà băng. Ngược lại, ngay từ đầu năm, NHNN đã có những động thái mở với chính sách tín dụng như bỏ việc khống chế tỷ lệ cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích, rộng cửa hơn đối với tín dụng bất động sản dành cho cá nhân mua nhà.

Đây chính là cơ hội cho các ngân hàng trong việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong năm 2013. Đặc biệt là với những nhà băng có thanh khoản tốt và nguồn vốn khả dụng dôi dư, cũng như có chiến lược đẩy mạnh vốn cho lĩnh vực bất động sản cá nhân. Chẳng hạn, tại Eximbank, với 5.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất 12%/năm (cố định trong 2 năm) cho khách hàng cá nhân vay mua nhà, ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, sẽ đẩy mạnh giải ngân trong năm trong năm nay.

Chủ tịch HĐQT OCB, ông Trịnh Văn Tuấn cũng cho rằng, với chủ trương mở của NHNN đối với tín dụng ở lĩnh vực phi sản xuất, nhất là với tín dụng bất động sản trong năm nay, đây sẽ là cơ hội tốt để ngân hàng đẩy mạnh cho vay. Tuy nhiên, trước tình hình nợ xấu chưa được xử lý, hàng tồn kho của doanh nghiệp còn cao, trong khi sức mua yếu…, các nhà băng sẽ tiếp tục thận trọng và chọn lọc đối tượng khách hàng trao vốn để hạn chế rủi ro nợ xấu. Nguồn vốn trong năm nay nhiều khả năng vẫn dành chủ yếu cho các lĩnh vực ưu tiên như xuất khẩu, sản xuất - kinh doanh.

Trên thực tế, trong năm 2012, tín dụng của các ngân hàng khó tăng trưởng bởi các nguyên nhân mà ông Tuấn vừa nêu. Trong đó, không ít nhà băng đến cuối năm có tăng trưởng dư nợ là con số âm, đơn cử Eximbank âm hơn 6%. Song theo Tổng giám đốc ngân hàng này, tín dụng tăng trưởng âm cũng không phải là điều đáng lo ngại. Ngược lại, nếu không kiểm soát tốt chất lượng các khoản vốn cho vay, thì nguy cơ nợ xấu sẽ còn tăng cao hơn so với hiện nay.

Mục tiêu các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ năm 2013 được Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết là thận trọng và linh hoạt nhằm kiềm chế lạm phát, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Trong năm 2013, NHNN có thể hỗ trợ nguồn vốn cho các tổ chức tín dụng vay với lãi suất hợp lý hơn, để đẩy mạnh tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên. Nhưng lãi suất cho vay cũng phải được các nhà băng điều chỉnh dần khi trần lãi suất huy động đã giảm về mức 8%/năm vào cuối năm 2012. Mặt bằng lãi suất cho vay tiền đồng hiện dao động phổ biến trong khoảng 11 - 14%/năm.

Chuyên gia kinh tế Phạm Đỗ Chí cho rằng, cần thiết xem xét đưa lãi suất cho vay xuống dưới 10%/năm để khuyến khích doanh nghiệp sử dụng vốn vay mở rộng, sản xuất - kinh doanh. Trong khi đó, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đưa ra quan điểm, với tín dụng bất động sản mua nhà, cần thiết có sự hỗ trợ từ NHNN tái cấp vốn qua các ngân hàng thương mại cho khách hàng cá nhân vay mua nhà, với lãi suất 5 - 6%/năm mới có thể kích cầu về nhà ở, giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản và phần nào giải quyết được nợ xấu.

Thực tế, cái khó nhất trong phát triển cho vay chính là rào cản nợ xấu. Cố vấn của TrustBank, ông Võ Văn Châu nhận xét, không phải tín dụng khó tăng là do áp lực lãi suất, vì hiện lãi suất đang từng bước giảm dần, mà chính nợ xấu gia tăng khiến nhà băng không mạnh dạn trao vốn cho khách hàng. Tuy nhiên, ông Châu tin rằng, vấn đề nợ xấu sẽ sớm được giải quyết khi Chính phủ và NHNN đang có kế hoạch thành lập Công ty Mua bán nợ quốc gia.

Lãi suất cho vay được nhiều nhận định là sẽ giảm tiếp trong thời gian tới. Người đứng đầu ngành ngân hàng dự báo, với kịch bản lạm phát ở mức 4 - 5% năm nay, lãi suất có thể sẽ giảm nhanh. Nhưng không ít yếu tố cho thấy, nguy cơ lạm phát cao trở lại là không nhỏ, nên NHNN sẽ rất thận trọng. Vì thế, việc giảm lãi suất trong năm 2013 còn phụ thuộc vào nền kinh tế có kiểm soát được lạm phát hay không.

NHNN khẳng định, sẽ không có quy định trần lãi suất cho vay chung cho mọi đối tượng vay, mà chỉ áp dụng cho một số ngành, lĩnh vực được ưu tiên là 12%/năm. Đồng thời, để giải quyết phần nào khó khăn cho thị trường bất động sản và kỳ vọng vấn đề nợ xấu ở lĩnh vực này sẽ được giải quyết, NHNN dự kiến dành 20.000 - 40.000 tỷ đồng cho người mua nhà vay trong năm 2013, nhằm kích cầu bất động sản.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, Chính phủ cần có nhóm giải pháp ngắn hạn trước mắt để giải quyết nhanh những điểm nghẽn, nút thắt trong nền kinh tế, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, giải quyết hàng tồn kho đang ở mức cao, thì doanh nghiệp mới có thể phục hồi. Khi đó, nền kinh tế mới hấp thụ được vốn tín dụng.  

Thùy Vinh
Thùy Vinh

Tin cùng chuyên mục