Cạnh tranh giữa Fintech và ngân hàng sẽ không quá khốc liệt!

(ĐTCK) Ông Trương Đình Long, Phó tổng giám đốc OCB cho rằng, với dân số trẻ của Việt Nam, Fintech được hứa hẹn rất tiềm năng trong tương lai tới. Sự cạnh tranh giữa Fintech và ngân hàng sẽ là rất lớn, nhưng sẽ không đến nổi là “quá khốc liệt”, vì mỗi bên sẽ có những lợi thế cạnh tranh khác nhau.
Ông Trương Đình Long, Phó tổng giám đốc OCB. Ông Trương Đình Long, Phó tổng giám đốc OCB.

Đánh giá của ông về Fintech trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng Việt Nam hiện nay?

Thời gian qua, chúng ta đã không chỉ nghe rất nhiều về thuật ngữ Fintech (financial technology - công nghệ trong tài chính) trong các hội thảo, sự kiện, trên các phương tiện thông tin đại chúng…, mà còn đã chứng kiến, trực tiếp sử dụng tính ứng dụng của nó trong thực tế cuộc sống và đặc biệt là các giao dịch tài chính như ví điện tử, thanh toán trực tuyến…

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và với dân số hơn 94 triệu dân, phần lớn là dân số trẻ có độ tuổi bình quân là 30,8 tuổi (thống kê tháng 1/2017) - là những người có thói quen, yêu thích sự trải nghiệm về công nghệ, tôi đánh giá Fintech sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng và sẽ bùng nổ trong lĩnh vực tài chính của Việt Nam sắp đến.

Lĩnh vực Fintech được xem là lĩnh vực đầy tiềm năng tại Việt Nam xét theo quy mô dân số và lợi thế so sánh về nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Nhận định của ông ra sao về vấn đề này?

Rõ ràng, giá trị cốt lõi, lợi thế kinh doanh của các các công ty Fintech là “Technology”, họ sẽ giải quyết và đáp ứng các nhu cầu giao dịch tài chính của khách hàng thông qua nền tảng công nghệ để gia tăng lợi thế cạnh tranh với ngân hàng ở các khía cạnh như khả năng tiếp cận, khai thác dịch vụ khách hàng – thời gian, tốc độ đáp ứng nhu cầu - và thậm chí là cả về chi phí, lợi ích cho khách hàng.

Cạnh tranh giữa Fintech và ngân hàng sẽ không quá khốc liệt! ảnh 1

Hầu hết các công ty Fintech hiện hữu phần lớn là các start-up, được thành lập trong các năm gần đây, có quy mô, lượng khách hàng nhỏ so với ngân hàng. Do vậy, việc đầu tư, chuyển đổi, cập nhật các giải pháp công nghệ sẽ có lợi thế nhiều hơn so với các ngân hàng, vì các ngân hàng có nhiều ràng buộc về mặt pháp lý (như KYC khách hàng, lưu trữ các chứng từ giao dịch…).

Tuy nhiên, với quy mô kinh doanh và quản lý lượng khách hàng lớn hiện nay, việc chuyển đổi công nghệ của ngân hàng sẽ được triển khai một cách thận trọng hơn. Do vậy, với dân số trẻ của Việt Nam, Fintech được hứa hẹn rất tiềm năng trong tương lai tới.

Qua Fintech, khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng của khách hàng được cải thiện ra sao và gia tăng cách giá trị, tiện ích thế nào, thưa ông?

Fintech triển khai và cung cấp các dịch vụ tài chính ngân hàng trên nền tảng công nghệ. Theo đó, khách hàng tiếp cận, tương tác và sử dụng các dịch vụ tài chính thông qua Internet/3G/4G… bằng Laptop, máy tính bảng, điện thoại di động… mọi lúc, mọi nơi. Do vậy, việc sử dụng các dịch vụ tài chính của khách hàng trở nên thuận tiện hơn rất nhiều, không lệ thuộc không gian và thời gian.

Thời gian qua, với việc phát huy về lợi thế công nghệ của mình, các công ty Fintech đã giải quyết và đáp ứng các nhu cầu giữa khách hàng với khách hàng (C to C - tức giữa người có nhu cầu chuyển tiền và người nhận tiền, người có nhu cầu cần mượn tiền và người có khả năng cho mượn tiền...), giữa khách hàng - nhà cung cấp dịch vụ - và ngân hàng (B to B), để tạo ra một hệ sinh thái (ecosystem) trong việc cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt, chi tiêu, giao dịch hàng ngày của khách hàng có liên quan đến tài chính.

Chẳng hạn như thanh toán hoá đơn tiện tích (điện, nước, truyền hình cáp, internet, học phí, viện phí…) và giao dịch thanh toán học phí (mua hàng online, mua vé máy bay, xem phim…). Với sự hỗ trợ của các cổng trung gian thanh toán, rõ ràng các nhu cầu giao dịch tài chính hàng ngày của khách hàng được đáp ứng dễ dàng, thuận lợi hơn nhiều.

Theo ông, cuộc chiến Fintech đối với lĩnh vực tài chính thời gian tới có quá khốc liệt?

Theo quan điểm của tôi, sự cạnh tranh giữa Fintech và ngân hàng sẽ là rất lớn trong thời gian đến, nhưng sẽ không đến nổi là quá khốc liệt, vì mỗi bên sẽ có những lợi thế cạnh tranh khác nhau.

Nếu như Fintech có lợi thế về công nghệ, tốc độ, thì ngân hàng có lợi thế về thương hiệu, niềm tin, tính đảm bảo về mặt pháp lý cho các giao dịch tài chính của khách hàng. Đây là điều mà giai đoạn hiện tại, vẫn còn rất quan trọng với khách hàng giao dịch tài chính tại Việt Nam.

Ngoài ra, các sản phẩm chính mà công ty Fintech hiện đang cung cấp đang tập trung vào “dịch vụ thanh toán”, trong khi với chức năng của mình, các ngân hàng hiện đang cung cấp đầy đủ và đáp ứng mọi nhu cầu tài chính của khách hàng từ tiền gửi, tiền vay, thanh toán, thẻ, đầu tư...

Bênh cạnh đó, hơn thập kỷ qua, các ngân hàng cũng đã không ngừng đầu tư và đổi mới công nghệ và đa dạng kênh phân phối cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng, bên cạnh các kênh truyền thống như chi nhánh/phòng giao dịch, còn thêm các kênh tự động như ATM/POS và đặc biệt là kênh điện tử như SMS/Mobile/Internet Banking.

Chẳng hạn, OCB đã triển khai các sản phẩm như tiết kiệm điện tử, đăng ký vay online, Loyaty, thanh toán học phí… thông qua hệ thống OCB Mobile, Online của mình…

Do vậy, có thể nói, các ngân hàng nói chung và OCB nói riêng khá tự tin trong việc cạnh tranh sòng phẳng với các công ty Fintech trong thời gian đến.

Theo ông, việc Chính phủ ban hành về Chiến lược thanh toán không dùng tiền mặt tới năm 2020 và quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập Ban chỉ đạo Fintech sẽ tạo ra cơ hội nào cho các công ty cung ứng dịch vụ thanh toán trung gian trong lĩnh vực tài chính và điều đó sẽ tác động ra sao đến các ngân hàng?

Cá nhân tôi đánh giá cao chủ trương này của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, vì đây là xu hướng của nền kinh tế và ngành ngân hàng trong thời đại công nghệ 4.0 và OCB cũng đã có sự chuẩn bị tốt về mặt đầu tư hạ tầng, công nghệ, giải pháp phát triển sản phẩm và kinh doanh trong những năm sắp đến.

Với việc nhà nước thành lập ban chỉ đạo Fintech, tôi cho rằng, điều này không chỉ tác động trực tiếp đến các công ty Fintech, mà còn hỗ trợ rất nhiều cho các ngân hàng trong việc triển khai các sản phẩm dịch vụ trên kênh điện tử.

Theo đó, chúng tôi kỳ vọng Ban chỉ đạo sẽ hỗ trợ các ngân hàng trong việc giải quyết điều chỉnh, hoàn thiện các hành lang pháp lý, các quy định liên quan đến eKYC, giao dịch điện tử, xác thực điện tử để tạo điều kiện cho các ngân hàng có thể triển khai ngày càng đầy đủ các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên kênh điện tử như kênh truyền thống.

Ngoài ra, việc hoàn thiện về hành lang pháp lý trong các giao dịch thanh toán trung gian, xác thực điện tử, eKYC...  sẽ giúp sự liên kết giữa ngân hàng và Fintech thuận tiện hơn rất nhiều trong quá trình CrossSale, Upsale các sản phẩm, dịch vụ của nhau, nhằm phục vụ và đáp ứng nhu cầu của khách hàng ngày càng tốt hơn theo hướng One Stop Shopping (khách hàng chỉ truy cập một nơi và đáp ứng mọi nhu cầu giao dịch tài chính của mình).

Thùy Vinh thực hiện

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục