Cẩn trọng vay vốn tiêu dùng

(ĐTCK) Gần về cuối năm, các ngân hàng đang đua nhau giới thiệu sản phẩm cho vay tiêu dùng với thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh và lãi suất thấp. Nhưng sự thực không hẳn như vậy.
Cẩn trọng vay vốn tiêu dùng

Cẩn trọng vay vốn tiêu dùng  ảnh 1VietBank cho vay khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh cá thể với mức lãi suất chỉ từ 10%/năm trong 3 tháng đầu

 

Cho vay cá nhân vào mùa

Bên cạnh các chương trình vốn rẻ cho khách hàng doanh nghiệp, để đón đầu nhu cầu vốn cuối năm, các nhà băng đang đẩy mạnh cho vay cá nhân. Chẳng hạn, DaiABank dành 2.000 tỷ đồng cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng với lãi suất 9,9%/năm trong 6 tháng đầu tiên. VietBank cho vay khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh cá thể với mức lãi suất chỉ từ 10%/năm trong 3 tháng đầu. Hay HDBank có gói tín dụng 1.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay 0%/năm trong tháng đầu, cố định 11,86%/năm trong 11 tháng tiếp theo đối với khoản vay từ 500 triệu đồng trở lên và 12,86%/năm trong 11 tháng tiếp theo đối với khoản vay trên 200 triệu đồng và dưới 500 triệu đồng, áp dụng với khách hàng cá nhân nhu cầu vay vốn mua nhà, xây, sửa nhà, tiêu dùng và sản xuất kinh doanh dịp cuối năm. Không chỉ cho vay thế chấp bằng bất động sản, ô tô, nhiều tổ chức còn cho vay dưới dạng tín chấp (không tài sản đảm bảo). Chẳng hạn, ACB cho cá nhân vay tiêu dùng tín chấp với hạn mức vốn cấp tối đa 500 triệu đồng.

Tại các công ty tài chính, hình thức tín chấp còn được áp dụng rộng rãi và dễ dãi hơn rất nhiều, các nhu cầu vay vốn từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng đều được các công ty này đáp ứng.

Lãi suất cho vay tiêu dùng cũng được các tổ chức tín dụng và công ty tài chính đưa ra khá hấp dẫn. So với đầu năm, hiện lãi suất cho vay tiêu dùng đã giảm tương đối nhiều, từ 17 - 18%/năm xuống còn khoảng 12 - 15%/năm.

 

Lãi suất có thật thấp?

Thế nhưng, nếu không đọc kỹ các điều khoản trước khi ký hợp đồng tín dụng, nhiều khách hàng sẽ phải tá hỏa khi trả vốn gốc và lãi. Bên cạnh đó, thường các tổ chức cho vay, nhất là với các ngân hàng nước ngoài và công ty tài chính không muốn khách hàng kết thúc khoản vay trước thời hạn nên luôn áp dụng một khoản phí phạt trả trước khoảng 0,2 - 0,5% tổng dư nợ) mà nếu trước khi ký hợp đồng không xem kỹ khách hàng sẽ phải trả phí cao.

Mức lãi suất ưu đãi 0 - 10%/năm mới nghe qua rất hấp dẫn, nhưng cũng chỉ được các tổ chức tín dụng áp dụng trong 1 - 2 tháng đầu tiên sau khi giải ngân và thường khi hết thời gian ưu đãi, lãi suất sẽ tăng vọt nhằm bù lại chi phí trong các tháng đầu.

Để đảm bảo hoạt động cho vay tiêu dùng đúng quy định pháp luật hiện hành, bảo vệ quyền lợi của khách hàng, mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có Công văn số 5461/NHNN-TTGSNH gửi NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố về việc kiểm tra, giám sát hoạt động tại các phòng giao dịch, chi nhánh, điểm giới thiệu dịch vụ của các tổ chức tín dụng có hoạt động cho vay tiêu dùng trên địa bàn. Công văn quy định, các phòng giao dịch, chi nhánh giới thiệu dịch vụ của tổ chức tín dụng phải công khai biểu lãi suất chi tiết áp dụng cho từng nhóm sản phẩm, từng loại sản phẩm cho vay. Với các trường hợp sai phạm bị phát hiện, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN xử lý nghiêm. Tuy nhiên, trên thực tế, thị trường vẫn tồn tại tình trạng lãi suất cho vay vốn tiêu dùng được chào ở mức thấp, nhưng lãi suất thực tế vẫn ở mức cao, đặc biệt là đối với các khoản vay nhỏ lẻ. Thậm chí, lãi suất cho vay ở các công ty tài chính lên tới 25 - 30%/năm.

Tuy nhiên, theo ông Friedrich Weiss, Tổng giám đốc Công ty Tài chính PPF Việt Nam (Home Credit), lãi suất cho vay cũng tùy vào mức độ rủi ro từng khách hàng mà các công ty tài chính áp mức khá nhau. “Chúng tôi đánh giá lịch sử tín dụng của khách hàng và đưa ra mức lãi suất ưu đãi với khách hàng có độ tín nhiệm cao cũng như áp dụng mức lãi suất cao với khách hàng có thể có nhiều rủi ro đối với Công ty”, ông Friedrich Weiss nhấn mạnh.

TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, hiện có nhiều chương trình của Chính phủ và ngân hàng công bố các gói lãi suất ưu đãi rất tốt, nhưng việc vay được vốn với lãi suất ưu đãi phụ thuộc vào mục đích vay. Đối với người dân vay tiêu dùng thì tùy vào tài sản thuế chấp, mức thu nhập và mục đích vay mới xác định được mức lãi suất mà mình có thể vay được. Nếu vay mua nhà có tài sản thế chấp và chứng minh được thu nhập tốt thì người vay có thể được vay ở mức lãi suất từ 8 - 11%/năm. Trong khi đó, nếu vay tiêu dùng và không có tài sản thế chấp, người vay phải chịu lãi suất cao hơn, có thể lên đến 30%/năm. 

TS. Đinh Thế Hiển cũng khuyến cáo, đối với hợp đồng tín dụng, điều khoản vay và trả vốn và lãi hàng tháng được xem là quan trọng nhất. Khi các khách hàng cá nhân muốn tìm hiểu để vay và nếu không rõ cần thiết nhờ người tư vấn có chuyên môn giải thích trước khi ký.      

Thùy Vinh
Thùy Vinh

Tin cùng chuyên mục