Cần quy định rõ tính chịu trách nhiệm về quản lý rủi ro

(ĐTCK) Những biến động lớn của hệ thống ngân hàng không chỉ trong nước mà cả thế giới khiến hầu hết các ngân hàng có những thay đổi lớn trong quan điểm quản trị rủi ro. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc EY Việt Nam xung quanh vấn đề này. 
Rủi ro vi phạm nguyên tắc ứng xử trong kinh doanh đang là mối quan tâm hàng đầu của hầu hết các ngân hàng Rủi ro vi phạm nguyên tắc ứng xử trong kinh doanh đang là mối quan tâm hàng đầu của hầu hết các ngân hàng

Theo bà, tại sao giai đoạn này lại đặt trọng tâm cần tư duy lại về quản trị rủi ro?

5 cuộc khảo sát trước đây của EY Global đã cho thấy những dịch chuyển khá rõ của các ngân hàng toàn cầu trong việc từng bước cải thiện quy trình và hệ thống quản trị rủi ro, nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường và cơ quan quản lý về thắt chặt kiểm soát, ngăn ngừa khủng hoảng xảy ra.

Cuộc khảo sát năm nay chứng kiến sự thay đổi trong tư duy của các nhà lãnh đạo ngân hàng, theo đó, bên cạnh việc tiếp tục xu hướng trước đây, các ngân hàng bắt đầu quan tâm đến những khía cạnh khác của quản lý rủi ro, như đề ra những biện pháp chủ động kiểm soát rủi ro phi tài chính và nâng cao tính chịu trách nhiệm về quản lý rủi ro của các nhân viên.

Nguyên nhân của sự thay đổi trong tư duy này là do các chi phí khổng lồ từ các rủi ro phi tài chính, bao gồm các rủi ro liên quan đến luật pháp, các sai phạm trong nguyên tắc ứng xử, các hoạt động rửa tiền, rủi ro tuân thủ, rủi ro hệ thống và rủi ro danh tiếng. Theo thống kê, 69% các ngân hàng có ảnh hưởng quan trọng đến hệ thống toàn cầu (nhóm G-SIBs) tham gia khảo sát đã báo cáo các khoản lỗ lớn có liên quan tới các rủi ro phi tài chính (bao gồm chi phí phạt từ các cơ quan chức năng) hơn 1 tỷ USD trong vòng 3 năm qua.

Bên cạnh đó, việc nâng cao tính chịu trách nhiệm của nhân viên, đặc biệt là nhân viên thuộc bộ phận kinh doanh đang được xem là ưu tiên hàng đầu của các nhà lãnh đạo ngân hàng toàn cầu trong việc củng cố và nâng cao văn hóa quản trị rủi ro của mình. Xu hướng này phát sinh từ thực trạng của hầu hết các ngân hàng toàn cầu, cụ thể là sự độc lập của ba vòng bảo vệ trong quản trị rủi ro ngày càng cao, trong đó các ngân hàng quá chú trọng vào vòng bảo vệ thứ hai. Điều này dẫn đến hệ lụy là các ngân hàng thường phải xử lý các rủi ro đã xảy ra, thay vì ngăn ngừa chúng phát sinh và các tổn thất, thiệt hại mà các ngân hàng phải gánh chịu rất lớn.

bà Nguyễn Thùy Dương
 

Liên quan đến rủi ro phi tài chính, bà có thể cho biết cụ thể về xu hướng sử dụng các biện pháp quản lý của các ngân hàng?

Theo kết quả của cuộc khảo sát, các ngân hàng đang ngày càng chủ động trong việc thực hiện các biện pháp để quản lý các rủi ro phi tài chính. 57% các ngân hàng đang hướng đến việc phát triển các đánh giá mang tính dự báo về rủi ro, thay vì chờ đợi để rà soát các sự kiện sau khi các rủi ro đã xảy ra. Điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng ngày càng chú trọng ngăn ngừa tổn thất trước khi xảy ra nhằm giảm thiểu thiệt hại về mặt tài chính cũng như danh tiếng và uy tín.

Ngoài ra, các phương pháp chủ động khác mà các ngân hàng đang thực hiện bao gồm: báo cáo tổn thất và điều tra gian lận chi tiết hơn sau khi sự việc đã xảy ra, thực hiện các phân tích chuyên sâu về từng quy trình hoạt động, đánh giá các sự kiện suýt mất và thực hiện các chương trình đào tạo cho cấp quản lý và cấp nhân viên.

Cần phải nói thêm rằng, trong các loại rủi ro phi tài chính thì rủi ro vi phạm nguyên tắc ứng xử trong kinh doanh đang là mối quan tâm hàng đầu của hầu hết các ngân hàng. Để quản lý hiệu quả rủi ro này, các ngân hàng đã áp dụng một số sáng kiến như: tập trung quản lý các sản phẩm mới; nâng cao tính chịu trách nhiệm của khối kinh doanh trong rủi ro vi phạm nguyên tắc ứng xử; củng cố chức năng giám sát và kiểm thử của vòng bảo vệ thứ hai; gắn rủi ro vi phạm nguyên tắc ứng xử vào quản lý, phân tích chiến lược và mô hình kinh doanh, gắn rủi ro vi phạm nguyên tắc ứng xử vào quy trình nhân sự.

Theo cá nhân tôi, sự dịch chuyển trong tư duy quản trị rủi ro của các nhà lãnh đạo ngân hàng trên toàn cầu đã kéo theo sự thay đổi trong phương pháp tiếp cận và chính điều này tạo nên bước tiến mới trong lĩnh vực quản trị rủi ro ngân hàng.

Để nâng cao tính chịu trách nhiệm trong quản lý rủi ro của các nhân viên, đặc biệt là nhân viên thuộc khối kinh doanh sẽ cần có các yếu tố gì, theo bà?

Việc nâng cao tính chịu trách nhiệm của các nhân viên trong quản trị rủi ro có hiệu quả hay không phụ thuộc nhiều vào nhận thức của nhân viên. Thực tế, nhận thức về văn hóa rủi ro của nhân viên chỉ được bồi đắp thông qua các chương trình truyền thông hiệu quả. Theo đó, các nhân viên hiểu được vai trò của mình trong quản lý rủi ro, cũng như hiểu được hành vi của mình sẽ được đánh giá thông qua cơ chế thưởng phạt minh bạch.

Theo kết quả khảo sát, hầu hết các ngân hàng cho biết, các hành động vi phạm nghiêm trọng các chính sách quản lý rủi ro sẽ bị xử phạt (94%). Việc gắn quản trị rủi ro với hệ thống đánh giá hiệu quả nhân viên cũng đang là mối quan tâm lớn của các ngân hàng toàn cầu.

Sau những biến động trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, bà bình luận gì về tư duy quản trị rủi ro của hệ thống và những khuyến nghị sẽ là gì?

Có thể thấy, hầu hết các ngân hàng đã có những thay đổi lớn trong quan điểm quản trị rủi ro. Trước hết, không thể không kể đến nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong việc củng cố và nâng cao năng lực quản trị rủi ro của hệ thống ngân hàng bằng việc ban hành các quy định mới về an toàn trong hoạt động. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng đã chủ động và tích cực để xây dựng khung quản trị rủi ro, hướng tới phù hợp và tuân thủ theo thông lệ quốc tế.

Chẳng hạn, ngoài 10 ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước lựa chọn thí điểm thực hiện tuân thủ quy định an toàn vốn theo Basel II, các ngân hàng khác cũng đã bắt đầu thực hiện các dự án đầu tiên về đánh giá mức độ tuân thủ theo Basel II.

Có được những dịch chuyển tích cực trên là nhờ vào những thay đổi trong tư duy quản trị rủi ro của các lãnh đạo ngân hàng. Nhưng để có thể thực sự tạo nên những khởi sắc trong toàn ngân hàng và có tác động đến tất cả các cấp độ từ nhân viên đến quản lý, thì sự thay đổi này là chưa đủ. Cái mà các ngân hàng Việt Nam đang cần là “văn hóa rủi ro” vững mạnh, có thể tạo ra được giá trị nội tại lớn lao để nâng cao và cải thiện năng lực cạnh tranh.

Theo tôi, để hướng tới xây dựng và bồi đắp văn hóa rủi ro, bên cạnh tư tưởng quản trị rủi ro tiên tiến và sự quyết tâm cao độ của lãnh đạo cao cấp, cần phải quy định rõ chức năng nhiệm vụ, đặc biệt là tính chịu trách nhiệm về quản lý rủi ro của các nhân viên ở tất cả các bộ phận.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, một khi đã nâng cao tính chịu trách nhiệm cho các nhân viên, có nghĩa là sẽ phải trao quyền tiếp cận rủi ro cho các nhân viên này; do đó, các ngân hàng cần phải xây dựng một hệ thống kiểm soát hiệu quả, đảm bảo các chốt kiểm soát được thực hiện đầy đủ và đúng đắn. Ngoài ra, các ngân hàng cần xác định rõ các mức rủi ro có thể chấp nhận được, đồng thời truyền thông một cách rộng rãi và nhất quán đến các tất cả các cấp trong ngân hàng thông qua các tuyên bố về khẩu vị rủi ro và các khóa đào tạo nội bộ.

Cũng cần có chế tài rõ ràng, gắn chặt mục tiêu rủi ro với cơ chế thưởng phạt, ví dụ các hành vi vi phạm sẽ được đánh giá và xử lý như thế nào? Ảnh hưởng đến thăng tiến trong công việc của nhân viên ra sao? Các sáng kiến này giống như các điểm kết nối trong một kết cấu hoàn chỉnh và cân bằng, có thể giúp các ngân hàng phát triển vững mạnh hơn trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Nhuệ Mẫn thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục