Bức tranh ngân hàng 2017: Nhiều điểm sáng

(ĐTCK) Ngành ngân hàng đã tổ chức tổng kết ngày 8/1 vừa qua, nhiều con số đưa ra rất tích cực.
Nhìn chung, hệ thống ngân hàng ghi nhận nhiều tích cực trong năm qua. Nhìn chung, hệ thống ngân hàng ghi nhận nhiều tích cực trong năm qua.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, ước cả năm 2017, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng khoảng 16%, sát với định hướng đề ra từ đầu năm là 16-18%. Tính đến ngày 31/12/2017, tín dụng tăng 18,17%.

Đáng chú ý tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh (chiếm khoảng 80% tổng dư nợ), trong đó tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ diễn biến tích cực, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như kinh doanh bất động sản, chứng khoán được kiểm soát.

Cụ thể, đến cuối tháng 11/2017, tín dụng cho lĩnh vực xuất khẩu tăng 14,03% so với cuối năm 2016; tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 20%; tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp ưu tiên tăng 22,13%; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11,53%; dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 22%....

Bên cạnh đó, thị trường tỷ giá và ngoại tệ cơ bản ổn định, với điểm nhấn là năm 2017 dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã lên kỷ lục mới, đạt 51,5 tỷ USD. Công tác tái cơ cấu và xử lý nợ xấu đạt được những kết quả tích cực. Sự ổn định, an toàn hệ thống được giữ vững. Nợ xấu tiếp tục được kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3%.

Đặc biệt, chỉ số “Tiếp cận tín dụng” của Việt Nam năm 2018 đã được Ngân hàng Thế giới xếp hạng 29/190, tăng 3 bậc và đứng thứ 4 trong ASEAN, sau Brunei (xếp hạng 2/190), Malaysia và Campuchia (xếp hạng 20/190). Theo kết quả xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (Par-Index) công bố năm 2017, NHNN tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu trong số các bộ, ngành năm 2016 và đây cũng là năm thứ hai liên tiếp NHNN giữ vị trí thứ nhất.

Chia sẻ về kế hoạch năm 2018, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc NHNN cho biết, mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra là 17%, nhưng NHNN cũng sẽ theo dõi sát diễn biến trên thị trường để có điều chỉnh sao cho phù hợp với thực tế.

Được biết, NHNN tiếp tục đặt hạn mức tín dụng cho các ngân hàng trong năm 2018, với lý do là hệ thống vẫn đang trong giai đoạn tái cơ cấu nên việc đặt hạn mức tín dụng tuy có mang tính chất hành chính, nhưng là cần thiết.

Đặc biệt, năm 2018, NHNN tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, trong đó có một số giải pháp cụ thể như: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng…; tập trung triển khai có chất lượng và đúng tiến độ các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng…; tiếp tục tăng cường đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngân hàng phù hợp với yêu cầu thực tiễn của Việt Nam và các thông lệ, chuẩn mực quốc tế...

Điểm tối nợ xấu

Bức tranh hệ thống ngân hàng năm 2017 mặc dù được các lãnh đạo NHNN đánh giá có nhiều điểm sáng, song chính các lãnh đạo này cũng thừa nhận “không thể chủ quan trong năm 2018”.

TS. Nguyễn Thị Mùi, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng: “Hệ thống ngân hàng vẫn tiềm ẩn những rủi ro từ năm 2017 khi mà lãi suất cho vay giảm nhanh hơn lãi suất huy động, trong khi lãi suất huy động không những không giảm, mà còn đang tăng mạnh. Bên cạnh đó là sự thiếu tin tưởng trên thị trường liên ngân hàng, dẫn đến các ngân hàng còn nghi kỵ nhau và nợ xấu trên thị trường này không phải không có”.

“Thách thức chính vẫn là giải quyết nhanh nợ xấu. Nếu nợ xấu còn nằm trên sổ sách thì dòng vốn bị ngưng trệ, sổ sách ngân hàng cũng không có sự minh bạch, ảnh hưởng không nhỏ tới thanh khoản và lợi nhuận ngân hàng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.

Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính năm 2017 do Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia công bố cuối tháng 12 cho biết, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng vào khoảng 9,5%, giảm so với mức 11,9% cuối năm 2016. Nguyên nhân chủ yếu là do các khoản nợ xấu tiềm ẩn trong nợ cơ cấu lại, trái phiếu doanh nghiệp và các khoản phải thu bên ngoài khó thu hồi giảm. Nợ xấu vẫn tập trung ở các ngân hàng thương mại yếu kém, trong diện tái cơ cấu, các khoản phải thu bên ngoài khó đòi và nợ tái cơ cấu tại một số ngân hàng thương mại vẫn còn khá lớn.

“Kết quả xử lý nợ xấu của hệ thống chưa được như kỳ vọng do hoạt động bán nợ xấu theo giá trị trường còn hạn chế, quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém và ngân hàng được Nhà nước mua lại chậm. Số dư dự phòng rủi ro tín dụng của hệ thống tăng mạnh, năm 2017 ước tăng 24,7% so với cuối năm 2016; dự phòng rủi ro cụ thể ước tăng 26,3%, dự phòng rủi ro chung ước tăng 22,1%, tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng so với nợ xấu báo cáo ở mức 65,8%”, một lãnh đạo cao cấp của Ủy ban cho biết.

“Hệ thống ngân hàng trong năm 2018 chưa thể ung dung được”, ông Trịnh Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Maritime Bank nhìn nhận.

Nhuệ Mẫn.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục