Bỏ trần lãi suất: Ngân hàng “căng sức” cạnh tranh

(ĐTCK-online) Ngày 19/5, ngay sau khi Quyết định 16/QĐ-NHNN về việc điều hành lãi suất vận hành theo cơ chế thị trường, các ngân hàng ồ ạt tăng lãi suất đầu vào. Tính đến hết ngày 21/5, ngân hàng áp dụng lãi suất huy động VND cao nhất là SeABank, với mức 15,6%/năm (kỳ hạn 14 tháng); USD là Techcombank với lãi suất huy động 7,5%/năm (kỳ hạn 24 tháng) và VietA Bank là 6,5%/năm đối với huy động vàng.
Cuộc đua lãi suất huy động tiền gửi của các ngân hàng chưa hẳn đã có điểm dừng Cuộc đua lãi suất huy động tiền gửi của các ngân hàng chưa hẳn đã có điểm dừng

Tuy nhiên, theo đánh giá của tổng giám đốc một ngân hàng, sau khi điều chỉnh lãi suất, nhiều ngân hàng vẫn không huy động được tiền nhàn rỗi trong dân cư. Trong 2 ngày đầu tuần, sau khi một số ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ tăng mạnh lãi suất huy động đã phần nào làm dịch chuyển vốn giữa hệ thống, chứ thực sự không huy động thêm được nhiều vốn từ xã hội. Thiếu vốn và để ngăn chặn dòng chảy của dòng tiết kiệm, các ngân hàng tiếp tục gia tăng lãi suất tiền gửi lên mức trên dưới 15%/năm. Nhưng theo quan sát và tìm hiểu của ĐTCK, lượng vốn chảy vào ngân hàng nhỏ ngày một vơi dần. Trong đó, có cả SeABank là đơn vị đã tăng mạnh lãi suất tiền gửi huy động VND, nhưng ngày đầu áp dụng (21/5) cũng chỉ thu hút được một lượng nhỏ khách hàng quan tâm.

Đại diện VietA Bank cho biết, trong những ngày qua, sau khi điều chỉnh lãi suất lên mức xoay quanh 14%/năm, Ngân hàng thu hút được bình quân khoảng 30 - 40 tỷ đồng/ngày. Nhưng sau vài ngày đã bắt đầu có dấu hiệu chững lại, một phần to tác động lãi suất cao từ các ngân hàng bạn vừa được điều chỉnh.

Tuy nhiên, ngược lại với các ý kiến trên, đánh giá của một chuyên gia ngành ngân hàng lại cho rằng, so với lần trước, đợt điều chỉnh lãi suất lần này không gây dịch chuyển vốn nhiều trong hệ thống mà chủ yếu do vốn nhàn rỗi trong dân cư đã cạn dần. Một phần được nhà đầu tư và người tiêu dùng dồn sang đầu tư và tích trữ vàng. Thị trường vàng vừa có đợt sụt giảm sâu (xuống khoảng 1,7 triệu đồng/chỉ), nhưng đã nhanh chóng phục hồi vượt qua ngưỡng 1,8 triệu đồng/chỉ đã thu hút thêm nhiều người bỏ vốn vào vàng.

Như vậy, cuộc cạnh tranh trong huy động vốn của các ngân hàng ngày một khốc liệt và cam go. Trong đó, không loại trừ có ngân hàng phải dùng đến biện pháp thỏa thuận điều chỉnh ngay lãi suất cho khách hàng khi có hiện tượng chuyển vốn sang ngân hàng khác có lãi suất cao hơn.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó tổng giám đốc VIB Bank cho rằng, đây thực sự là cuộc tranh tranh khốc liệt giữa các ngân hàng. Nếu không vượt qua được những khó khăn đang xảy ra trên thị trường tiền tệ, ngân hàng khó có thể tồn tại. Thực tế, chi phí vốn đầu vào gia tăng mạnh theo lãi suất đầu vào, trong khi lãi suất đầu ra bị khống chế ở ngưỡng 18%/năm.

Tuy nhiên, ông Tùng cũng thừa nhận, đây là cái khó chung của toàn ngành tài chính - ngân hàng. Sức chống đỡ của từng ngân hàng sẽ khác nhau và nếu vượt qua được những khó khăn này, chắc chắn khả năng cạnh tranh của họ sẽ tốt hơn trước. Cuộc đua lãi suất huy động tiền gửi chưa hẳn đã có điểm dừng, đến lúc này các ngân hàng tiếp tục “căng mình” ra để giữ thị phần khách hàng cho vay. Tổng vốn huy động tuy không tăng nhiều so với thời gian trước, nhưng với các ngân hàng quy mô nhỏ đã tăng lãi suất cao và hút được một lượng tiền tương đối đang loay hoay tìm giải pháp cho cửa vốn đầu ra. Vì vậy, để đảm bảo doanh thu và tránh thua lỗ, các ngân hàng nhỏ bắt đầu áp dụng nhiều mức phí trong triển khai tín dụng (phí thu xếp, quản lý hồ sơ…)

Trong khi đó, với khối quốc doanh thì hoàn toàn không có các khoản phí phụ thu này với khách hàng vay vốn. Mặt khác, tổng vốn huy động của ngân hàng quốc doanh đang dần dồi dào trở lại, vì uy tín và thương hiệu đã được khẳng định. Chính điều này sẽ gây áp lực đối với khối ngân hàng cổ phần trong quá trình phát triển tín dụng và giữ chân khách hàng.

Một cán bộ cấp cao Eximbank cho rằng, để huy động được 1.000 tỷ đồng vốn từ dân cư và các tổ chức kinh tế, các ngân hàng phải mất một quá trình lâu dài và tốn kém nhiều chi phí. Nhưng trong những ngày qua, khi thị trường lãi suất biến động, hầu như những người gửi tiết kiệm ở ngân hàng có mức lãi suất thấp hơn đều đã đến ngân hàng để đổi lại sổ mới. Trong đó, có cả những sổ tiết kiệm chưa đến kỳ đáo hạn. Lúc này, ngân hàng phải trả lãi suất mới cho khách hàng ở mức cao hơn.            

Vân Linh
Vân Linh

Tin cùng chuyên mục