Bỏ trần lãi suất: Mới chỉ là “cần tính đến”

(ĐTCK) Việc các ngân hàng thương mại (NHTM) đồng loạt hạ lãi suất huy động ngày càng thấp hơn trần lãi suất trong thời gian gần đây đang làm dấy lên luồng ý kiến cho rằng, đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên bỏ trần lãi suất.
Bỏ trần lãi suất: Mới chỉ là “cần tính đến”

> Thận trọng với trần lãi suất huy động

> Giảm trần lãi suất huy động VND xuống 7%

 

5%/năm là mức lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng mà Vietcombank và Agribank vừa áp dụng, được coi là thấp nhất hiện nay. Mức phổ biến cho các kỳ hạn từ 1 đến 6 tháng được nhóm NHTM có vốn nhà nước áp dụng là 5 - 6,8%/năm, nhóm NHTM còn lại áp dụng là 6,5 - 7%/năm. Điều này cũng cho thấy, các ngân hàng hiện đang dư thừa vốn huy động.

Trả lời ĐTCK về câu hỏi liệu đã đến lúc NHNN nên bỏ trần lãi suất, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Bộ phận Kinh doanh tiền tệ, Phòng Kinh doanh vốn và ngoại tệ, Ngân hàng HSBC Việt Nam phân tích, quyết định hạ trần lãi suất huy động xuống còn 7%/năm cho kỳ hạn từ 1 đến 6 tháng của NHNN vào cuối tháng 6 đã cho thấy rõ quan điểm của nhà điều hành về việc từng bước trả lãi suất huy động về cho cung - cầu của thị truờng và theo nhu cầu cầu vốn của từng ngân hàng. Có thể nhận thấy rõ ràng một điều là, trong suốt nửa năm qua, thị trường trong nước đã không còn tình trạng căng thẳng vốn tiền đồng.

Bỏ trần lãi suất: Mới chỉ là “cần tính đến” ảnh 1 5%/năm là mức lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng mà Vietcombank vừa áp dụng

“Đồng thời, tình trạng cạnh tranh khốc liệt trong việc huy động vốn dẫn đến việc vài ngân hàng nhỏ phải huy động với lãi suất cao, thậm chí vượt quy định, như báo chí phản ánh trong những năm trước đã hầu như chấm dứt. Gần đây, việc một loạt ngân hàng trong nước giảm mạnh lãi suất huy động càng chứng minh cho diễn biến này”, ông Quang nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, đây là thời điểm hợp lý để bỏ trần lãi suất huy động vì lạm phát đã kiểm soát được tương đối tốt, đồng thời các ngân hàng nhìn chung cũng đang ế vốn. Chỉ một sốt ít ngân hàng còn khó khăn về thanh khoản và vẫn đang phải huy động với lãi suất cao hơn mặt bằng chung.

“Bỏ trần lãi suất không có lợi cho các ngân hàng yếu bởi có thể họ phải đẩy lãi suất huy động lên cao hơn nữa để cạnh tranh huy động, nhưng đó cũng là cách họ tự bắn vào chân mình. Hiện tại, việc cho vay ra không phải là dễ dàng dù lãi suất thấp, thậm chí ngang bằng lãi suất huy động, do vậy, nếu huy động cao mà không cho vay được, ngân hàng sẽ thua lỗ. Đây cũng là cơ hội tốt để thị trường sàng lọc hệ thống ngân hàng và điều này là cần thiết”, TS. Hiếu nói.

“Tùy theo diễn biến thị trường và năng lực của bản thân mà các ngân hàng tự quyết định lãi suất và đây cũng là việc mà các ngân hàng trên thế giới đang làm”, ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT VietinBank phân tích. “Khi kinh tế đã ổn định hơn, nhìn chung, năng lực của các ngân hàng đều tương tự, cân bằng nhau cả về huy động vốn và cho vay thì tự do hóa lãi suất cũng nên được thực hiện, nhưng thời điểm nào thì do NHNN quyết định”.

Ông Quang phân tích thêm, theo quan sát của HSBC, NHNN sẽ vẫn duy trì trần lãi suất ít nhất là đến cuối năm nay và xu hướng này là phù hợp nhất với tình hình hiện nay vì những lý do sau: Thứ nhất, về mặt định hướng thị trường, việc duy trì trần lãi suất thể hiện rõ thông điệp của nhà điều hành là NHNN vẫn đang theo dõi, quản lý chặt chẽ mặt bằng lãi suất với định hướng tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; Thứ hai, các thị trường khác có liên quan chặt chẽ đến thị trường lãi suất là thị trường ngoại hối và vàng vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp và việc NHNN rất cẩn trọng trong công tác điều hành chung là phù hợp; Thứ ba, VAMC chỉ mới bắt đầu đi vào hoạt động và cần thêm thời gian để thấy rõ hơn tác động của công ty này đến việc cải thiện hơn nữa thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Đồng quan điểm này, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, “lạm phát ổn định, tạo điều kiện để ổn định lãi suất, bên cạnh đó, thị trường liên ngân hàng đã quay trở lại hoạt động, nên thanh khoản của các ngân hàng yếu cũng được củng cố. Trên thực tế, có lẽ NHNN cũng tính đến việc bỏ trần lãi suất, bởi đã chuyển trần từ áp dụng cho kỳ hạn 1 năm sang kỳ hạn 6 tháng, nhưng chắc phải cuối năm nay hoặc đầu năm sau, khi đã chắc chắn kiểm soát được lạm phát và tỷ giá hối đoái”.

Theo dự báo của Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại - Bộ Công thương, tỷ giá sẽ ổn định từ nay đến cuối năm. Cũng theo trung tâm này, nguồn cung USD sẽ được đảm bảo nhờ việc giải ngân vốn FDI ổn định - giải ngân vốn FDI 5 tháng đầu năm 2013 ước đạt 4,6 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2012. Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối tiếp tục được đảm bảo sẽ là cơ sở tài chính vững vàng để NHNN can thiệp thị trường tiền tệ, giúp ổn định thị trường khi có những biến động lớn. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam trong quý I/2013 là 3,18 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ và đạt mức tương đương với thông lệ quốc tế là 12 tuần nhập khẩu.

Còn Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2013 của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định, lạm phát đang được kiểm soát tốt và nhiều khả năng sẽ thấp hơn mục tiêu 6,5% của năm 2013.

Có vẻ như với các yếu tố thuận lợi trên, cuối năm nay, thị trường sẽ được thấy NHNN chính thức tự do hóa lãi suất.     

Hồng Dung
Hồng Dung

Tin cùng chuyên mục