Big 4 ngân hàng phải thay đổi vì “kẻ phá bĩnh” mang tên Techcombank

(ĐTCK) Kể từ khi ngân hàng cổ phần đầu tiên được thành lập là Habubank (1988) và sau đó là một loạt ngân hàng cổ phần khác, hệ thống ngân hàng thương mại xuất hiện khái niệm big 4 là 4 ngân hàng lớn nhất gồm Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank. Nhưng điều này đang phải thay đổi.
Big 4 ngân hàng phải thay đổi vì “kẻ phá bĩnh” mang tên Techcombank

4 cái tên kể trên được coi là big 4 bởi họ vượt trội so với khối gần 30 ngân hàng cổ phần tư nhân về hầu hết các chỉ tiêu trọng yếu bao gồm tổng tài sản, vốn điều lệ, mạng lưới, lợi nhuận,… Và thực tế đó đã tồn tại tròn 30 năm, nên trong giới ngân hàng và cả các khách hàng, khi nói về các nhà băng bao giờ cũng có sự phân chia “đẳng cấp” theo cách phân biệt Barcelona, Real với phần còn lại của bóng đá Tây Ban Nha, hay tương tự với bóng đá Anh, Ý và như trong Tennis với bộ 3 Roger Federer, Novak Djokovic, Rafael Nadal…

Nhưng không có gì là không thay đổi, kể từ năm 2019, Big 4 làng ngân hàng có lẽ sẽ phải thay tên thành Big 5 bởi “kẻ ngáng chân” có tên Techcombank.

Nếu xét một cách toàn diện thì Techcombank có “hơi non” so với 4 tên tuổi cũ ở chỉ tiêu tổng tài sản. Trong báo cáo kinh doanh vừa công bố chiều nay (24/1), tổng tài sản của Techcombank mới vượt trên 300 tỷ đồng, hơn một chút so với số lẻ của 4 ngân hàng trên, đều ở số đếm đơn vị triệu tỷ đồng.

Tuy nhiên, Techcombank so sánh được ở một loạt chỉ tiêu khác. Đầu tiên là số lợi nhuận trước thuế với 10.661 tỷ đồng, chỉ kém Vietcombank (hơn 18.016 tỷ đồng), cao hơn BIDV (9.800 tỷ đồng), Agribank (7.525 tỷ đồng) và Vietinbank (6.900 tỷ đồng).

Tiếp đó là quy mô vốn điều lệ đạt gần 35.000 tỷ đồng, đủ để Techcombank xếp sát sau BIDV, Vietcombank và Vietinbank, nhưng vượt trên so với Agribank. Nhưng nếu xét về vốn chủ sở hữu, Techcombank đang có số vốn lên tới 52.000 tỷ đồng, cao nhất khối ngân hàng cổ phần tư nhân và không hề kém so với nhóm big 4.

Ngoài ra, Techcombank đang sở hữu nhiều cái nhất trong nhóm ngân hàng. Đầu tiên là hiệu quả kinh doanh với tỷ lệ lợi nhuận ròng trên vốn sở hữu bình quân (ROAE) đạt 21,5%, và lợi nhuận trên tổng tài sản (ROAA) đạt 2,9%. Đây là mức cao nếu so với cả khu vực và thế giới, bởi một ngân hàng có 2 chỉ số trên lần lượt vượt trên 20% và 2% được coi là ngân hàng có hiệu quả tốt. Techcombank chỉ kém Vietcombank về chỉ số ROE năm 2018 (25,52%) nhờ Vietcombank có sự bùng nổ lợi nhuận (tăng 63,5%).

Ngoài ra, Techcombank còn dẫn đầu ngành ngân hàng về doanh số thanh toán thẻ Visa (cả thẻ tín dụng và dư nợ), dẫn đầu về doanh số bán bảo hiểm qua ngân hàng, và đặc biệt là sự “vô đối” khi chiếm hơn 80% thị phần môi giới trái phiếu. Năm 2018, Techcombank đã tư vấn phát hành hơn 60.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (tương đương 2,6 tỷ USD).

13 quý tăng trưởng liên tiếp giúp Techcombank đạt được các chỉ số ấn tượng trên, và tự đưa mình vào nhóm dẫn đầu, xóa đi khoảng cách giữa big 4 với nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân còn lại. Nếu cần có điều phải nói về “hiện tượng” Techcombank thì có lẽ là chiến lược khá đặc biệt của ngân hàng này, thay vì phục vụ mọi nhu cầu của nền kinh tế như hầu hết các ngân hàng tuyên bố thì Techcombank lại công khai quan điểm chỉ tập trung vào nhóm khách hàng và ngành hàng mà Techcombank có hiểu biết sâu sắc.

Theo bà Trần Thị Minh Lan, Giám đốc Khối Chiến lược và Phát triển Techcombank, Ngân hàng đang tập trung vào 6 lĩnh vực kinh tế đóng góp gần một nửa cho GDP để tập khai thác và phục vụ, bao gồm nhà ở; ô tô; dịch vụ tài chính; giải trí và du lịch; đồ uống và thực phẩm; và cuối cùng là tiện ích và viễn thông, và phục vụ theo mô hình hệ sinh thái. Đây là nhóm ngành chỉ đóng góp 49% vào GDP tại Việt Nam.

Đặng Khôi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục