Basel II và những cuộc “vượt cạn” đầu tiên

(ĐTCK) Không nằm trong nhóm 10 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước lựa chọn thí điểm, nhưng OCB đã sớm công bố hoàn tất việc áp dụng phương pháp quản trị vốn và rủi ro tiên tiến Basel II.  
OCB dù không thuộc diện thí điểm nhưng đã sớm chủ động triển khai Basel II OCB dù không thuộc diện thí điểm nhưng đã sớm chủ động triển khai Basel II

OCB đi đầu trong thực hiện Basel II

Với các quy chuẩn khắt khe về an toàn vốn và quản trị rủi ro, việc áp dụng Basel II được nhận định, sẽ giúp các ngân hàng hoạt động an toàn hơn, lành mạnh hơn, đồng thời nguồn vốn được quản lý một cách hiệu quả hơn, mang lại kết quả kinh doanh khả quan và bền vững hơn.

Đặc biệt, sau khi triển khai Basel II, với các chỉ số vốn và các yêu cầu về thanh khoản, quản trị rủi ro đạt chuẩn quốc tế, các ngân hàng Việt Nam sẽ có cơ hội vươn xa ra thị trường các nước phát triển khác.          

Lợi ích rõ rệt nhất mà Basel II mang lại cho hệ thống ngân hàng Việt Nam là tăng cường cạnh tranh lành mạnh và minh bạch của hệ thống, tăng cường sức đề kháng của các ngân hàng trước bất ổn và biến động của thị trường. Khả năng quản trị rủi ro của ngân hàng tốt hơn giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững hơn, giảm các nguy cơ vỡ nợ, khủng hoảng và giảm tác động xấu đến nền kinh tế khi khủng hoảng xảy ra.

Có thể thấy rằng, kể cả với những ngân hàng lớn, việc áp dụng Basel II cũng là chuyện không hề dễ dàng

Thấy được những lợi ích to lớn này, Ngân hàng Nhà nước đã chọn 10 ngân hàng thí điểm thực hiện phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II, bao gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank, Techcombank, ACB, VPBank, MB, Maritime Bank, Sacombank và VIB. Dự kiến đầu năm 2018, việc thí điểm này sẽ hoàn thành, sau đó sẽ mở rộng áp dụng sang các ngân hàng thương mại khác trong nước. Theo Thông tư 41/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, năm 2020 sẽ là thời điểm mà tất cả các ngân hàng tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định này.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, 10 ngân hàng trên vẫn chưa công bố việc hoàn thành thí điểm áp dụng Basell II. Trong khi đó, OCB sớm chủ động triển khai Basel II. Cuối năm 2017, ngân hàng này đã chính thức công bố việc hoàn tất triển khai áp dụng các chuẩn Basel II.

Theo OCB, xác định quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II là bước đi quan trọng trong lộ trình hội nhập với thế giới và cũng là cách để bảo vệ Ngân hàng, khách hàng tốt nhất, hơn thế, càng về đích sớm việc áp chuẩn Basel II càng tối ưu hóa hiệu quả hoạt động nên OCB quyết tâm sớm hoàn thành dự án.

Việc áp dụng các chuẩn mực của Basel II là thách thức rất lớn, không chỉ với OCB, mà với tất cả các ngân hàng tại Việt Nam, bởi tiêu chí để các ngân hàng áp dụng khung quản trị rủi ro Basel II khá khắt khe, từ cơ sở dữ liệu cho đến các chỉ số an toàn vốn… Đó cũng là lý do nhiều ngân hàng chưa hoàn tất kế hoạch triển khai, áp dụng các chuẩn mực của Basel II, dù vẫn biết rất quan trọng cho hoạt động của mình.

OCB cho biết, có vô số các khó khăn lớn nhỏ xuất hiện từ khi dự án triển khai Basel II mới thành lập cho đến khi triển khai. Đặc biệt, tính đầy đủ và chất lượng của dữ liệu là một trong những thách thức rất lớn mà các ngân hàng muốn triển khai Basel II phải vượt qua.

Đơn cử, việc thu thập thông tin của hơn 40.000 khách hàng có giao dịch tín dụng, BL, LC tại 117 điểm giao dịch của OCB trên cả nước trong thời gian 6 tháng, song song với việc triển khai công tác kinh doanh là giai đoạn hết sức khó khăn với lãnh đạo và cán bộ nhân viên Ngân hàng.

Bên cạnh đó, việc thay đổi nhận thức, quan điểm về công tác quản trị rủi ro của cả hệ thống, từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất, kể cả việc chấp nhận từ bỏ các sản phẩm truyền thống có độ rủi ro cao và thay thế bằng các sản phẩm có mức rủi ro thấp hơn cũng là một trong những thách thức mà OCB phải vượt qua.

Ngoài ra, còn vô số những khó khăn đến từ nhiều phía như việc phối hợp giữa các đơn vị không phải lúc nào cũng suôn sẻ, việc tập huấn và đảm bảo hơn 5.000 nhân sự của OCB hiểu rõ về các giá trị và thách thức mà Basel mang đến, giải thích với khách hàng về các thay đổi của OCB...

Việc OCB trở thành “chú ngựa ô”, vượt lên 10 ngân hàng thí điểm trong áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo Basel II, ngoài quyết tâm lớn từ phía Ngân hàng, tất nhiên cũng có lợi thế về quy mô so với các ngân hàng trong nhóm trên, đặc biệt là 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước. Với quy mô gọn nhẹ hơn, việc đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vốn và hoàn thiện hệ thống quản trị rủi ro cũng sẽ dễ dàng hơn.

Áp dụng Basel II, nhiều gian nan với ngân hàng Việt

Thời gian áp dụng Basel II của các ngân hàng Việt theo lộ trình đang đến gần hơn. Sau khi OCB hồi cuối năm ngoái công bố đã đáp ứng các tiêu chuẩn về quản trị rủi ro theo chuẩn Basel II, một số ngân hàng lớn đã phát đi tín hiệu đang tới gần hơn việc áp dụng chuẩn mức quốc tế về quản trị rủi ro.

Đầu tiên là HDBank. Theo lãnh đạo ngân hàng này, từ năm 2015 - 2016, trước khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 41, Ngân hàng đã lên kịch bản áp dụng các tiêu chuẩn về vốn và quản trị rủi ro tương tự Basel II.

HDBank đã thuê E&Y làm đơn vị tư vấn áp dụng Basel II và hiện đã hoàn thành giai đoạn 1, đang triển khai giai đoạn 2 của dự án và chỉ còn 1 - 2 tiêu chí chưa hoàn thành. Dự kiến, trong năm nay, HDBank sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn của Thông tư 41, tức là sớm 2 năm so với thời hạn bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước.

Trong khi đó, ở Vietcombank, Ngân hàng cho biết, từ năm 2016 đã phối hợp với Công ty PwC Việt Nam triển khai Dự án Hoàn thiện khung quản lý rủi ro thị trường theo yêu cầu Basel II.

Sau gần 14 tháng triển khai, đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành mục tiêu xây dựng một khuôn khổ vững chắc để đo lường và quản trị rủi ro thị trường cho các sản phẩm kinh doanh vốn hiện tại và tương lai. Và với việc hoàn thành khung quản lý rủi ro này, Vietcombank đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu chính của Chương trình Quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II, trừ việc chưa tăng được vốn.

BIDV dù chưa công bố lộ trình thực hiện cụ thể đến đâu, song trong một thông báo phát đi gần đây cũng bày tỏ quyết tâm sớm triển khai thành công Basel II, ứng dụng mạnh mẽ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế để thay đổi phương thức kinh doanh theo hướng quyết định kinh doanh dựa trên rủi ro.

Đang trong giai đoạn tái cơ cấu hậu sáp nhập SouthernBank, nhưng là 1 trong 10 ngân hàng được chọn thí điểm áp dụng Basel II, gần đây, Sacombank đã có những bước đi khá mạnh trên con đường chạm tới Basel.

Cụ thể, Ngân hàng đã ký hợp đồng xây dựng hệ thống phần mềm khởi tạo, phê duyệt và quản lý cấp tín dụng (LOS) với tổng giá trị đầu tư hơn 100 tỷ đồng với đối tác là Liên danh Aurionpro - Integro.

Dự án LOS Sacombank gồm ba hệ thống chính là: Khởi tạo hồ sơ tín dụng, quản lý hạn mức, quản lý tài sản đảm bảo. Hệ thống phần mềm mới được kỳ vọng sẽ giúp Sacombank dễ dàng hơn trong việc quản lý hồ sơ tín dụng, tài sản đảm bảo, hạn mức cũng như kiểm soát, tra cứu, báo cáo, quản trị rủi ro tín dụng, giảm thiểu phát sinh nợ xấu. Dự kiến, đầu năm 2019, Sacombank sẽ hoàn thành quá trình xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống LOS.

Thực tế cho thấy, việc tiến tới thực hiện Basel II còn nhiều gian nan với ngân hàng Việt.

Để thực hiện được Basel II, các ngân hàng sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực, đó không chỉ là áp lực tăng vốn mà việc nâng cao năng lực quản trị, tuân thủ kỷ luật thị trường cũng là những trở ngại lớn mà các ngân hàng phải vượt qua

Hiệp ước vốn Basel II nhằm nâng cao mức độ an toàn, hiệu quả, lành mạnh, năng lực cạnh tranh của hệ thống ngân hàng thông qua 3 trụ cột: Trụ cột 1 là đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn (bảo đảm vốn cho rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường); Trụ cột 2 là nâng cao năng lực điều hành, quản trị rủi ro, tự đánh giá mức độ đủ vốn của ngân hàng và trách nhiệm thanh tra, giám sát của cơ quan quản lý; Trụ cột 3 là tăng cường công khai, minh bạch thông tin về tình hình hoạt động của ngân hàng, tuân thủ kỷ luật thị trường.

Trụ cột 1 với yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) trên 8%, nhưng hiện nay phần nhiều ngân hàng chưa thể đáp ứng được khi tính hệ số an toàn vốn theo Thông tư 41 và Basel II. Trụ cột 2 và trụ cột 3 cũng là những thách thức với các ngân hàng.

Hầu hết các ngân hàng mới đáp ứng được phần nhỏ yêu cầu của Basel II đối với trụ cột 2, các ngân hàng chưa thực hiện xác định vốn mục tiêu dựa trên rủi ro, chưa tính toán vốn bổ sung hoặc điều chỉnh vốn mục tiêu dựa trên kiểm tra sức chịu đựng về vốn theo các kịch bản hoạt động bình thường và kịch bản có diễn biến bất lợi, chưa lập kế hoạch vốn gồm nguồn tăng vốn dự kiến và phân bổ vốn mục tiêu cho hoạt động kinh doanh, chưa giám sát, có báo cáo nội bộ về mức đủ vốn.

Với trụ cột thứ 3 về công khai thông tin, hầu hết các ngân hàng thương mại đều công bố thông tin về hoạt động kinh doanh, các nội dung yêu cầu công bố thông tin theo hướng dẫn của Thông tư 41 và các quy định công bố thông tin minh bạch của Basel II chưa được thực hiện.

Hoạt động thanh tra giám sát chưa tuân thủ được hết 29 nguyên tắc thanh tra giám sát của Basel II, hạ tầng công nghệ thông tin và mô hình định lượng mới ở mức đơn giản, nhân lực thực hiện còn chưa đáp ứng, phương pháp giám sát mới đang tiếp cận thanh tra giám sát trên cơ sở rủi ro…

Do đó, để thực hiện được Basel II, các ngân hàng sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực, đó không chỉ là áp lực tăng vốn mà việc nâng cao năng lực quản trị, tuân thủ kỷ luật thị trường cũng là những trở ngại lớn mà các ngân hàng phải vượt qua.

Theo đánh giá của VCBS, việc áp dụng thí điểm Basel II sẽ gây áp lực tăng vốn và chi phí hoạt động cho các ngân hàng trong năm nay. Trong cuộc đua này, 10 ngân hàng thương mại thuộc nhóm Nhà nước sẽ chịu nhiều áp lực hơn, bởi hệ số CAR trung bình của nhóm này thấp hơn so với nhóm ngân hàng tư nhân và chỉ nhỉnh hơn mức quy định Basel II. Để CAR tăng 1% thì vốn điều lệ của ngân hàng phải tăng thêm 8 - 10%.

Như vậy, có thể thấy rằng, kể cả với những ngân hàng lớn, việc áp dụng Basel II cũng là chuyện không hề dễ dàng. Áp dụng Basel dù là ở cấp độ I, cấp II, hay cấp III thì đều xung quanh vấn đề an toàn vốn. Mặt khác, với ngân hàng thương mại, đòi hỏi có lượng vốn điều lệ phù hợp để kinh doanh là chuyện tất yếu.  

Lê Anh
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2018

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục