Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa cần rộng rãi hơn

(ĐTCK) Đó là nhận định của TSKH. Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP. HCM (IEM) xung quanh các giải pháp nhằm cải thiện việc tiếp cận vốn của các DN vừa và nhỏ (DNVVN).
Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa cần rộng rãi hơn

Thực trạng huy động vốn của các DNVVN qua kênh ngân hàng hiện nay ra sao, thưa ông?

Tiếp cận tài chính là một yếu tố quan trọng đối với sự phát triển và tăng trưởng của các DNNVV. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện các chính sách tài chính quan trọng như nới lỏng tiền tệ, ngăn chặn sự sụt giảm đáng kể trong tiêu dùng và đầu tư, song chưa có độ tập trung đặc biệt để tạo ra các hiệu ứng mạnh cho các DNNVV.

Mặc dù các ngân hàng đã cắt giảm lãi suất và giảm tỷ lệ dự trữ, nhưng trong hầu hết các trường hợp, vốn vay chưa được chuyển đến các DNNVV. Ngược lại, ngân hàng vẫn chủ yếu rót vốn cho các DN lớn để củng cố vị thế tài chính của họ, như là một biện pháp phòng ngừa nguy cơ vỡ nợ.

TSKH. Trần Quang Thắng 

Theo ông, các lý do phổ biến khiến DNVVN khó tiếp cận là gì?

Đó là: các giải pháp tài chính còn chưa đầy đủ và phù hợp đối với nhu cầu của các DNVVN; kiến thức và khả năng xúc tiến các đề án thay thế tài trợ không đầy đủ; thông tin thiếu cân đối và vấn đề về đạo đức (cả bên cho vay và DNNVV: những sai sót trong quá trình đánh giá xếp hạng tín dụng, khả năng quản trị DN yếu kém); các quy định cho vay, khuôn khổ pháp lý và thuế cứng nhắc, sự quan liêu...

Những rào cản trên khiến các DNVVN vừa phải đối mặt với điều kiện tín dụng thắt chặt, vừa khó có thể tìm kiếm nguồn vốn thay thế vốn tín dụng. Do đó, cần phải phát triển cung cấp tín dụng vi mô cho các DNVVN, cũng như các DN khởi nghiệp.

Lãi suất cho vay hiện nay đối với các DNVVN, theo ông, đã hợp lý hơn so với trước đây hay chưa?

Hiện tại, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DNVVN, DN ứng dụng công nghệ cao đã giảm từ 9%/năm xuống 8%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính đối với các nhu cầu vốn này cũng đã giảm từ 10%/năm xuống 9%/năm.

Như vậy, có thể thấy, mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay có phần hợp lý hơn so với trước đây, nhưng so với các nước trong khu vực, lãi suất của Việt Nam vẫn ở mức cao, khiến sản phẩm của những DN trên khó có thể cạnh tranh.

Do đó, DN cần có công cụ phòng chống rủi ro lãi suất đầy đủ, chính xác về chi phí lãi vay khi xem xét, đánh giá hiệu quả, quyết định thực hiện đối với các phương án, dự án sản xuất-kinh doanh.

DN cần tích cực, chủ động thực hiện các công cụ phòng ngừa rủi ro về lãi suất thông qua việc khai thác, sử dụng các sản phẩm phái sinh để bảo hiểm các rủi ro bởi biến động lãi suất trên thị trường; trích lập đầy đủ các quỹ dự phòng về tài chính trong hoạt động sản xuất-kinh doanh để tạo nguồn lực dự phòng, giúp DN có thể trụ vững trước các cú sốc về lãi suất.

DN cần sử dụng thận trọng và linh hoạt công cụ đòn bẩy tài chính trong hoạt động kinh doanh nhằm đạt được mục tiêu gia tăng lợi nhuận trong điều kiện lãi suất thấp, đồng thời hạn chế rủi ro thua lỗ khi lãi suất biến động ngoài dự đoán; thường xuyên tăng cường năng lực tự chủ về tài chính, đa dạng hóa các kênh huy động vốn, tránh việc phụ thuộc quá lớn vào nguồn vốn vay ngân hàng.

Các kiến nghị về giải pháp tài chính cho DNVVN cần thiết sớm đẩy mạnh là gì, thưa ông?

Chính phủ đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ DNNVV đổi mới. Thông qua các tổ chức tài chính thuộc sở hữu của Nhà nước để cung cấp các nguồn tài chính, cũng như bảo lãnh và bảo lãnh đối ứng cho các khoản vay hiện hành được cấp bởi các ngân hàng khác. Bảo lãnh tín dụng Nhà nước nên được sử dụng rộng rãi và được chấp nhận trong nước.

Thông qua Quỹ bảo lãnh, đề án bảo lãnh của NHNN, các cơ quan chức năng nhằm mục đích nâng cao niềm tin của người cho vay tài chính trong việc hỗ trợ sự phát triển của các DNNVV và tiếp nhận một phần các rủi ro liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp bởi khủng hoảng.

Các giải pháp khác có thể dựa trên các sản phẩm tài chính có mức lãi suất thấp, giãn thời gian trả nợ và thời gian ân hạn, giảm bớt các quy định về tài sản thế chấp, hỗ trợ cả 2 khoản vốn về đầu tư và vốn lưu động, cũng như các sáng kiến, giải pháp nhằm cải thiện việc tiếp cận tài chính cho DNNVV, DN khởi nghiệp...

Thùy Vinh thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục