Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam: Tích cực phát huy vai trò trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng

(ĐTCK) 2019 là năm dự báo nhiều thử thách cho ngành tài chính - ngân hàng, đòi hỏi nhiều nỗ lực để duy trì những thành quả đã đạt được trong năm 2018.
Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam: Tích cực phát huy vai trò trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng

Đối với Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), với vai trò là tổ chức tài chính Nhà nước, trong năm 2018 đã góp phần không nhỏ vào việc duy trì sự an toàn, phát triển và thúc đẩy quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), đặc biệt là hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND). Tính đến thời điểm cuối năm 2018, BHTGVN đã bảo vệ cho 1.282 tổ chức tham gia BHTG, bao gồm 94 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1 ngân hàng hợp tác, 1.183 QTDND và tổ chức tài chính vi mô.

Tính đến hết năm 2018, BHTGVN đã theo dõi, xử lý đối với 25 QTDND có vi phạm về tài chính; chi trả khoảng 27 tỷ đồng tiền bảo hiểm đối cho hơn 1.800 người gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG. Trong năm 2018, BHTG đã hoàn thành về cơ bản hành lang pháp lý nhằm nâng cao vị thế, vai trò, trách nhiệm của tổ chức BHTG trong quá trình cơ cấu lại hệ thống TCTD tại Việt Nam theo các quy định mới.

Về mặt nghiệp vụ, BHTGVN đã thực hiện tốt các nhiệm vụ giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ và xử lý các QTDND yếu kém. BHTG đã rất quyết liệt trong đào tạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tham gia kiểm soát đặc biệt một số QTDND yếu kém, đề xuất với NHNN các phương án xử lý các quỹ này nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền cũng như duy trì an ninh trật tự tại các địa phương.

Chất lượng, hiệu quả hoạt động của BHTGVN đã từng bước được nâng cao, nhờ triển khai kết quả hợp phần hệ thống Công nghệ thông tin và truyền thông mới thuộc dự án FSMIMS và Quy chế thông tin báo cáo về tiền gửi được bảo hiểm. Công tác tài chính của BHTG đã được thực hiện đúng quy định, không xảy ra sai sót.

Năm 2019 được dự báo là sẽ tiếp tục có những thuận lợi và khó khăn đan xen đối với ngành ngân hàng, trong đó có việc tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD, đặc biệt là các QTDND cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, trách nhiệm của NHNN nói chung, của BHTGVN nói riêng rất nặng nề. Năm 2019 cũng đánh dấu chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển của BHTGVN.

Tới nay, BHTGVN đã xây dựng được một bộ máy hoạt động hiệu quả, gồm Trụ sở chính và 8 chi nhánh hoạt động tại các địa bàn trọng điểm trên cả nước. Với đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản, vững về chuyên môn, nghiệp vụ và BHTGVN đã tích lũy được nguồn vốn đáng kể, từ nguồn vốn được cấp khi thành lập, nay đã được phát triển lên tới gần 50.000 tỷ đồng.

Hiện nay, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD 2017 đã cho phép BHTGVN được cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản khi TCTD có nguy cơ mất khả năng chi trả, đe dọa đến sự ổn định hệ thống trong thời gian TCTD bị kiểm soát đặc biệt, được mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ dựa trên quyết định của NHNN nhằm tăng cường khả năng tài chính cho TCTD lành mạnh tham gia quản trị, kiểm soát, điều hành, hỗ trợ tài chính và hoạt động của TCTD yếu kém được kiểm soát đặc biệt.

Ngoài ra, BHTGVN cũng được tham gia xây dựng phương án phục hồi đối với các QTDND, tổ chức tài chính vi mô, trên cơ sở phối hợp với Ban Kiểm soát đặc biệt và Ngân hàng Hợp tác xã nhằm tạo thuận lợi cho việc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ở các TCTD yếu kém có sai phạm trong hoạt động.

Trên cơ sở đó, trong năm 2019, BHTGVN tập trung vào một số nhóm nhiệm vụ nhằm tăng cường vai trò của tổ chức BHTG trong việc tham gia hỗ trợ, xử lý các QTDND yếu kém:

Một là, tích cực đề xuất, tham mưu với các cơ quan quản lý nhà nước để hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về BHTG, đặc biệt là các quy định hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD.

Hai là, tích cực tham gia vào quá trình cơ cấu lại, xử lý các TCTD nói chung và QTDND nói riêng theo chỉ đạo của NHNN, đặc biệt là Chỉ thị 06 ngày 02/10/2018 của Thống đốc NHNN.

Ba là, phối hợp với các đơn vị có liên quan, tăng cường tuyên truyền chính sách BHTG nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và thành viên của QTDND.

Bốn là, phát huy vai trò giám sát, cảnh báo an toàn hệ thống đối với hệ thống QTDND nói riêng, toàn hệ thống các TCTD nói chung, nhất là an toàn tiền gửi.

Năm là, hoàn thành xây dựng Chiến lược phát triển của BHTG Việt Nam báo cáo NHNN trình Thủ tướng Chính phủ; tập trung nguồn lực để xây dựng kế hoạch triển khai Chiến lược sau khi được Thủ tướng phê duyệt.

Sáu là, hoàn thành tổng kết thi hành Luật BHTG; nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật, nhằm tham gia có hiệu quả hơn vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD, tiến gần hơn tới chuẩn mực quốc tế về BHTG.

Cuối cùng, BHTGVN tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, quy trình nghiệp vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy ngày càng tốt hơn vai trò của tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định, an toàn, thúc đẩy nhanh hơn quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD.

Quỳnh Anh
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2019

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục