Báo động tình trạng POS nước ngoài trái phép tại Việt Nam

(ĐTCK) Thời gian qua, tại một số tỉnh, thành phố xuất hiện các cửa hàng chủ yếu phục vụ khách du lịch là người Trung Quốc và sử dụng trái phép các thiết bị chấp nhận thẻ (POS) của ngân hàng Trung Quốc.
Báo động tình trạng POS nước ngoài trái phép tại Việt Nam

Câu chuyện này gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng thanh toán thẻ mà không qua bất kỳ một hệ thống ngân hàng hay tổ chức trung gian thanh toán nào của Việt Nam.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, máy POS muốn hoạt động tại Việt Nam phải được các ngân hàng trong nước chấp thuận và kết nối với các trung tâm thanh toán. Ngoài ra, máy POS hợp pháp cũng chỉ chấp thuận một số ít thẻ quốc tế tại Việt Nam để kiểm soát dòng tiền ngoại tệ ra vào, tránh chuyển ngoại tệ bất hợp pháp ra nước ngoài.

Tuy nhiên, thời gian qua, tại một số tỉnh, thành phố xuất hiện các cửa hàng chủ yếu phục vụ khách du lịch là người Trung Quốc. Các sản phẩm được bán tại hệ thống cửa hàng này khá đa dạng, đa số khách hàng mua hàng xong sẽ ký gửi chuyển phát hàng hóa về Trung Quốc.

Tại một số cửa hàng, khách hàng có thể sử dụng thẻ ngân hàng (do ngân hàng Trung Quốc phát hành) để cà/quẹt trên thiết bị POS (của ngân hàng Trung Quốc) tại các cửa hàng này để thanh toán. Tiền sẽ được chuyển từ tài khoản của khách hàng sang tài khoản của người bán hàng đều tại Trung Quốc mà không qua hệ thống ngân hàng của Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề này, ở góc độ luật pháp, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, Khoản 2, Điều 1 Thông tư số 26/2017/TT-NHNN ngày 29/12/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng đã quy định về hành vi bị cấm liên quan đến hoạt động phát hành, sử dụng, thanh toán thẻ.

Trong đó có hành vi: “Đơn vị chấp nhận thẻ chuyển thiết bị chấp nhận thẻ, QR Code cho bên khách sử dụng; chấp nhận thanh toán thẻ mà không có hợp đồng thanh toán thẻ; sử dụng trái phép các thiết bị chấp nhận thẻ, QR Code của tổ chức thanh toán thẻ ở Việt Nam hoặc của tổ chức thanh toán thẻ ở nước ngoài”.

Điểm b, Khoản 6 Điều 28 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ có quy định phạt tiền 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi phát hành thẻ, thanh toán thẻ không đúng quy định của pháp luật.

“Như vậy, việc cửa hàng sử dụng trái phép các thiết bị chấp nhận thẻ của các ngân hàng Trung Quốc như phản ánh trên thuộc hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật về hoạt động phát hành, sử dụng, thanh toán thẻ và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP”, ông Dũng cho biết.

Trước tình trạng trên, liên quan đến chỉ đạo của NHNN, ông Dũng chia sẻ, NHNN đã có văn bản chỉ đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn (công an, quản lý thị trường, thuế…) phối hợp với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố để tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động của hệ thống cửa hàng này và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện các hành vi vi phạm quy định về thanh toán, quản lý ngoại hối, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền để xem xét xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ngân hàng theo quy định tại Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng và các văn bản khác có liên quan về xử lý vi phạm hành chính.

Cũng theo ông Dũng, NHNN thấy hoạt động của các cửa hàng này ngoài nội dung liên quan đến hoạt động ngân hàng (quản lý ngoại hối và hoạt động thanh toán), còn có một số vấn đề khác như quản lý hàng hóa (xuất xứ, nhãn mác), quản lý thuế, liên quan đến chức năng của Bộ Công thương, Bộ Tài chính. Ngoài ra, đây còn là vấn đề về lợi dụng công nghệ cao, viễn thông cần phải có biện pháp xử lý về mặt kỹ thuật, theo đó, vai trò của Bộ Công an và Bộ Thông tin Truyền thông là hết sức quan trọng.

“Do vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan như Bộ Công thương (cơ quan quản lý thị trường); Bộ Tài chính (cơ quan quản lý thuế); Bộ Công an; Bộ Thông tin và Truyền thông; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương… cùng với NHNN để xử lý triệt để, đảm bảo hoạt động kinh doanh của các cửa hàng này tuân thủ các quy định của pháp luật”, ông Dũng nhấn mạnh.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục