Áp lực tăng lãi suất huy động

(ĐTCK) Áp lực tái cơ cấu nguồn vốn đáp ứng lộ trình giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để sử dụng cho vay trung và dài hạn đang khiến nhiều ngân hàng phải tăng lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng.
Áp lực tăng lãi suất huy động

Ðối với chứng chỉ tiền gửi, Ngân hàng Bản Việt đã phát hành sản phẩm này với lãi suất 10,2%/năm cho kỳ hạn 60 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ. Kỳ hạn 24 - 48 tháng, lãi suất dao động 9,5 - 10%/năm. Ðối với kỳ hạn 12 tháng, mức lãi suất là 10%, áp dụng cho số tiền đầu tư từ 100 triệu đồng; khách hàng lĩnh lãi 6 tháng 1 lần, lãi suất là 9,7%/năm.

Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) có chương trình huy động vốn bằng chứng chỉ tiền gửi cho các kỳ hạn 15 tháng, 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng, với lãi suất 8,1%/năm, cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm cùng kỳ hạn từ 0,7 - 1%/năm.

Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã phát hành 10.000 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất đến 8,9%/năm. Ngân hàng Quốc Tế Việt Nam (VIB) phát hành chứng chỉ tiền gửi từ ngày 8/8, kỳ hạn 61 tháng, trả lãi 12 tháng/lần với lãi suất 9,1%/năm. Số tiền gửi tối thiểu 10 triệu đồng.

Ðối với lãi suất tiền gửi tiết kiệm, Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank) đang áp dụng mức 8,7%/năm cho sản phẩm tiền gửi online với kỳ hạn gửi 36 tháng và nhận lãi cuối kỳ. Tại một số ngân hàng khác như An Bình (ABBank), Xây dựng Việt Nam (CBBank), lãi suất từ 8 - 8,2%/năm đối với kỳ hạn tiền gửi trên 12 tháng.

Ông Phạm Duy Hiếu, Quyền Tổng giám đốc ABBank cho biết, đợt điều chỉnh lãi suất lần này, Ngân hàng mong muốn thu hút, bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn để phục vụ cho nhu cầu kinh doanh trong thời gian tới, đồng thời đáp ứng lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước.

Trước áp lực tái cơ cấu nguồn vốn đáp ứng lộ trình siết vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, lãi suất tiền đồng được giới phân tích tài chính dự báo khó có thể giảm. Thực tế, cho vay trung và dài hạn thường hấp dẫn hơn so với cho vay ngắn hạn, do mang lại lãi biên cao hơn. Ðiều này cũng đồng nghĩa với việc rủi ro tiềm ẩn cho hệ thống trong tương lai lớn hơn, vì cho vay kỳ hạn càng dài thì rủi ro cân đối kỳ hạn càng cao, nhất là trong điều kiện tỷ trọng tiền gửi ngắn hạn vẫn chiếm chủ yếu trong cơ cấu nguồn vốn huy động nói chung, sức ép huy động càng lớn.

TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, tâm lý của người Việt Nam thường chọn gửi tiền kỳ hạn ngắn, trong khi đó, các nhà băng lại đẩy mạnh cho vay trung, dài hạn. Một phần vốn cho vay vào phân khúc bất động sản, nhà ở chủ yếu dài hạn nên sẽ khó khăn trong việc tái cơ cấu nguồn đáp ứng lộ trình siết vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Ðó là lý do cơ bản khiến lãi suất tiền đồng có xu hướng đi lên.

Thực tế, các ngân hàng thương mại đã và đang nỗ lực cân đối lại cơ cấu cho vay. Khảo sát trên 20 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý II/2019 cho thấy, tỷ lệ vốn cho vay trung và dài hạn trung bình của nhóm giảm xuống 54,64% so với mức 55,33% đầu năm.

Trong đó, Ngân hàng Ðông Nam Á (SeABank) cải thiện tỷ lệ vốn cho vay trung và dài hạn từ 72,93% thời điểm đầu năm xuống 66,86% vào cuối quý II/2019; tỷ lệ này tại VIB giảm từ 84,9% xuống 81,83%; TPBank, Sacombank, VPBank cũng có mức giảm đáng kể.

Ðầu năm 2019, các ngân hàng được sử dụng 40% vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo quy định tại Thông tư 19/2017/TT-NHNN. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước đưa ra kế hoạch giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.

Theo đó, phương án 1, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn đến hết 30/6/2020 là 40%. Từ 1/7/2020 đến 30/6/2021, tỷ lệ áp dụng là 35% và từ sau 1/7/2021 là 30%. Với phương án 2, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung và dài hạn ở mức 40% đến 30/6/2020 và giảm còn 37% từ 1/7/2020 đến 30/6/2021; từ 1/7/2021 đến 30/6/2022, tỷ lệ này hạ xuống mức 34% và từ 1/7/2020 giảm xuống 30%.

Sở dĩ, Ngân hàng Nhà nước xây dựng lộ trình siết vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn là do tỷ lệ cho vay trung và dài hạn của nhiều ngân hàng ở mức cao, phần lớn nằm ở phần khúc bất động sản, kể cả với tín dụng cho cá nhân vay mua nhà. Theo đó, rủi ro thanh khoản và nợ xấu là nguy cơ khó tránh khỏi.

Với lộ trình siết vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn nêu trên của cơ quan quản lý, lãi suất đầu vào tăng nên lãi suất đầu ra được nhận định sẽ khó giảm. Mùa kinh doanh cao điểm cuối năm sắp tới, các doanh nghiệp cần nhiều vốn hơn, trong khi ngân hàng khó được nới “room” tín dụng, nên lãi vay có thể sẽ tăng.       

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục