An ninh giao dịch ngân hàng nâng mức “báo động” dịp Tết

(ĐTCK) Với việc mua sắm trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt trong mùa mua sắm dịp Tết Nguyên đán, người tiêu dùng đứng trước nguy cơ lừa đảo qua mạng tăng cao.
Để tránh nguy cơ lừa đảo qua mạng, không chia sẻ thông tin cá nhân và các chi tiết về tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội hay thư điện tử, và tuyệt đối không tiết lộ mã PIN Để tránh nguy cơ lừa đảo qua mạng, không chia sẻ thông tin cá nhân và các chi tiết về tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội hay thư điện tử, và tuyệt đối không tiết lộ mã PIN

Lừa đảo qua mạng được thực hiện dưới nhiều hình thức, trong đó phổ biến nhất là thông qua các trang web giả mạo hay thư điện tử giả danh, các đối tượng tội phạm “dẫn dụ” nạn nhân tải các phần mềm giả mạo để đánh cắp các thông tin cá nhân, từ đó chúng có thể đánh cắp tiền trong tài khoản ngân hàng, dữ liệu và thậm chí là các thông tin về nhân thân khách hàng.

Tội phạm mạng thường sử dụng một số thủ đoạn như: gửi thư điện tử (email) và các tin nhắn qua điện thoại (SMS), trong đó có chứa các đường dẫn bất hợp pháp; lập các trang web giả mạo; xâm nhập trái phép vào các kết nối không dây thiếu an toàn; các cuộc điện thoại giả mạo là cuộc gọi từ ngân hàng…

Tương tự như khi bạn ra đường, không bao giờ bạn để mở túi xách hoặc ví tiền, nguyên tắc cơ bản nhất là đừng bao giờ chia sẻ thông tin cá nhân và các chi tiết về tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội hay thư điện tử, và tuyệt đối không tiết lộ mã PIN của bạn.

- Ông Nguyễn Đức Thịnh, HSBC Việt Nam.

Ông Nguyễn Đức Thịnh, Giám đốc Các chi nhánh miền Bắc, Khối dịch vụ tài chính cá nhân và quản lý tài sản Ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết, mỗi ngày, có hàng triệu người kết nối internet để mua sắm, thực hiện các giao dịch ngân hàng, tìm kiếm thông tin và giải trí, đặc biệt trong các kì nghỉ lễ.

Đây cũng là dịp mà các công ty, trong đó có nhiều trang web thương mại trực tuyến, tung ra những chương trình khuyến mãi hấp dẫn để thu hút khách hàng. Do đó, người tiêu dùng nên hết sức cẩn trọng khi mua sắm trực tuyến.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phan Thái Dũng, Phó cục trưởng Cục Công nghệ tin học (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho hay, để đảm bảo an toàn thông tin, nhất là dịch vụ dành cho khách hàng, NHNN vừa qua đã ra nhiều văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, ngân hàng điện tử, thanh toán qua mạng nâng cao tính an toàn, bảo mật hệ thống.

Cụ thể, Thống đốc NHNN ký ban hành Thông tư 35 quy định về an toàn bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trên Internet; Chỉ thị 01 về tăng cường công tác đảm bảo an toàn bảo mật mạng trong tình hình mới, Thông tư 47 quy định về yêu cầu đảm bảo, bảo mật đối với trang thiết bị thanh toán thẻ ngân hàng; Thông tư 34 quy định về đảm bảo an toàn bảo mật trong hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng…

Thực tế, song song với việc ban hành các văn bản hàng năm, NHNN tổ chức kiểm tra các tổ chức tín dụng, trung tâm thanh toán, nhằm kịp thời xử lý các tồn tại. NHNN cũng là đầu mối thường xuyên tiếp nhận, cảnh báo các lỗ hổng bảo mật, nguy cơ mất an toàn, bảo mật thông tin với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin truyền thông và các tập đoàn công nghệ, đối tác công nghệ thông tin để cảnh báo, chỉ đạo, kiểm soát kịp thời nhằm phòng tránh, không để xảy ra hiện tượng mất an toàn. Thậm chí, công tác đảm bảo an ninh còn được sát sao hơn vào dịp cuối năm.

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN cho biết, để bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng dịp Tết Nguyên đán 2017, NHNN đã gửi công văn yêu cầu các đơn vị/tổ chức trong toàn ngành phân công trực 24/7 đảm bảo an toàn các khu vực lắp đặt hệ thống công nghệ thông tin quan trọng như trung tâm dữ liệu chính và dự phòng. Rà soát, triển khai tăng cường các giải pháp đảm bảo an ninh thông tin và hoạt động liên tục của các hệ thống cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử cho khách hàng.

Tuy vậy, theo các chuyên gia trong ngành, các phòng tránh rủi ro hiệu quả nhất vẫn là khách hàng tự mình chủ động bảo vệ mình trước các rủi ro.

“Tương tự như khi bạn ra đường, không bao giờ bạn để mở túi xách hoặc ví tiền, nguyên tắc cơ bản nhất là đừng bao giờ chia sẻ thông tin cá nhân và các chi tiết về tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội hay thư điện tử, và tuyệt đối không tiết lộ mã PIN của bạn”, ông Thịnh nhấn mạnh.          

Một số thao tác mà người tiêu dùng có thể áp dụng để mua sắm trực tuyến một cách an toàn, theo khuyến nghị của HSBC Việt Nam là: không chia sẻ quá nhiều thông tin về cá nhân trên mạng xã hội và các trang web tương tác; xem xét cẩn thận các thư điện tử, tin nhắn điện thoại và các website, bởi các công ty uy tín sẽ không bao giờ tự ý gửi thư điện tử yêu cầu khách hàng của họ xác nhận các chi tiết liên quan đến bảo mật và thông tin cá nhân.

Không tiết lộ mã PIN cho bất cứ ai, bởi các ngân hàng không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin về thẻ hoặc mã PIN qua đường bưu điện. Luôn đảm bảo rằng, bạn chỉ sử dụng các kết nối không dây an toàn bằng cách kích hoạt tất cả các cài đặt riêng tư và có mật khẩu bảo vệ; sử dụng mật khẩu để tự động khóa và bảo vệ điện thoại, máy tính, máy tính bảng; cài đặt phần mềm chống virus và tải các cập nhật bảo mật mới nhất cho máy tính, máy tính bảng và các thiết bị di động…

Hồng Dung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục