6 ngưỡng giới hạn của hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam

(ĐTCK) Kể từ khi hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam tiến hành tái cơ cấu đợt 1 từ cuối năm 2011 và đợt 2 từ đầu năm 2016 đến nay, hoạt động của hệ thống đã có nhiều cải thiện, nhưng đến thời điểm hiện tại, hệ thống này đang đối mặt với 6 ngưỡng giới hạn cần phải tập trung xử lý và vượt qua được mới có thể thành công hơn, phát triển an toàn và bền vững hơn.
Chính sách tiền tệ đang phải “gánh” thêm nhiệm vụ của chính sách tài khóa Chính sách tiền tệ đang phải “gánh” thêm nhiệm vụ của chính sách tài khóa

Chính sách tiền tệ đang "gánh việc" của chính sách tài khóa

Lâu nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thường phải duy trì nhiệm vụ đa mục tiêu như kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng…, dẫn tới đôi lúc vừa phải giảm mặt bằng lãi suất, mở rộng tín dụng, vừa phải kiểm soát chất lượng tín dụng, đảm bảo giảm nợ xấu… Những mục tiêu này rõ ràng là mâu thuẫn nhau.

Chưa kể, NHNN phải tham gia khá nhiều chương trình hỗ trợ sản xuất - kinh doanh như định hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các gói tín dụng (thu mua lúa gạo, cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cho vay thủy sản, cho vay đóng theo các chương trình Nghị định 67/2014, chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở…). Thông thường, những chính sách, gói hỗ trợ này thuộc về chính sách tài khoá hơn là chính sách tiền tệ, bởi nó đòi hỏi sự hỗ trợ về lãi suất, cũng như nguồn vốn và liên quan đến ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, ở Việt Nam, chính sách tiền tệ đang phải “gánh” thay nhiệm vụ của chính sách tài khóa.

Thực tế trên cho thấy, nhiệm vụ của NHNN là rất phức tạp và đôi khi khó xử. Đã đến lúc cần phải giảm dần những mâu thuẫn này, khi đó mới có thể hướng tới xây dựng một ngân hàng trung ương đúng nghĩa, độc lập và hiện đại hơn.

Đẩy nhanh hơn nữa tiến trình tái cơ cấu, củng cố và lành mạnh hóa quỹ tín dụng nhân dân

Trong suốt những năm qua, NHNN đã nỗ lực và tích cực trong quá trình cơ cấu lại các TCTD, nhất là các TCTD đã được mua lại 0 đồng, nhưng nhiều việc vượt quá thẩm quyền của cơ quan này.

Mặt khác, quá trình xin ý kiến quá lâu, dẫn đến các ngân hàng yếu kém đang tồn tại và hoạt động rất khó khăn. Hoạt động của các ngân hàng này hầu như không có lợi nhuận, nhân viên tốt bỏ đi và nếu càng để lâu thì càng tốn kém chi phí vận hành, quản lý.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế

Đã đến lúc cần ưu tiên tập trung xử lý dứt điểm các TCTD yếu kém mới đảm bảo thực hiện thành công Quyết định 1058 (tháng 7/2017) của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020.

Đồng thời, cũng đã đến lúc củng cố, lành mạnh hóa hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân. Kênh huy động và dẫn vốn qua quỹ tín dụng một mặt đã làm được nhiều việc thời gian qua, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giảm tình trạng "tín dụng đen", nhưng mặt khác cũng đang bộc lộ yếu điểm về quản trị điều hành, rủi ro biến tướng và xa rời tôn chỉ hoạt động của quỹ.

Đẩy nhanh và áp dụng thực chất Basel II

Hiện nay, nhiều ngân hàng trong khu vực đang áp dụng Basel III. Trong khi đó, tại Việt Nam, theo Quyết định 986 (tháng 8/2018) của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển hệ thống ngân hàng đến năm 2025 và tầm nhìn 2030, đến năm hết năm 2020 sẽ có khoảng 10 - 12 nhà băng đáp ứng đủ theo chuẩn Basel II và tới năm 2025, toàn bộ các ngân hàng đáp ứng đầy đủ Basel II.

Thực tế trên cho thấy, chúng ta đã khá muộn so với tiến độ chung của quốc tế (chính thức áp dụng Basel II từ năm 2006), cũng như so với nhu cầu nội tại. Đã đến lúc các TCTD cần tập trung cao độ để đáp ứng chuẩn Basel II, nhưng quan trọng hơn là đáp ứng một cách đầy đủ và thực chất theo đúng nghĩa của nó.

Theo đó, các TCTD cần chú trọng 4 vấn đề: (i) thực hiện tốt nhất các quy định tại Thông tư số 13/2018/TT-NHNN về quản lý rủi ro và kiểm soát nội bộ; (ii) khẩn trương làm giàu và xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (Big Data), vừa là để chạy mô hình định lượng rủi ro, vừa là để triển khai ngân hàng số; (iii) kiện toàn bộ máy - tổ chức theo đúng nghĩa của Basel II, nhất là bộ máy tổ chức cho quản lý rủi ro và tuân thủ; (iv) đáp ứng đầy đủ về chuẩn an toàn vốn theo Quy trình nội bộ đánh giá an toàn vốn (ICAAP).

Cụ thể hơn, hiện nay, các TCTD vẫn chủ yếu thực hiện hệ số an toàn vốn (CAR) theo Basel I, tức là bố trí vốn chủ sở hữu tương ứng đối với rủi ro tín dụng, còn chưa tính đến rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động. Theo đó, hệ số CAR của hệ thống các TCTD là 12,1% tính đến cuối năm 2018, nhưng nếu áp dụng theo chuẩn Basel II, con số này chỉ là 7 - 7,5% - thấp hơn nhiều so với bình quân của khu vực là 10 - 12%.

6 ngưỡng giới hạn của hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam ảnh 2

Đây là vấn đề hệ trọng, bởi các tổ chức quốc tế cũng như các đối tác, mỗi khi đánh giá, phân tích về một ngân hàng, họ rất chú trọng hệ số CAR (chiếm khoảng 20 - 25% trọng số đánh giá). Trong khi đó, việc tăng vốn chủ sở hữu cho các ngân hàng thương mại hết sức khó khăn, nhất là các ngân hàng thương mại có sở hữu nhà nước chi phối.

Lý do chính, theo cơ quan quản lý giải thích, là do ngân sách nhà nước hạn hẹp nên các ngân hàng này không được giữ lại phần cổ tức của Nhà nước. Tôi cho rằng, cần nhìn nhận vấn đề rộng hơn, linh hoạt hơn về vấn đề này với tư cách của một cổ đông chính, một nhà đầu tư chuyên nghiệp và kể cả góc độ quản lý ngân sách, việc cho phép giữ lại cổ tức tại những thời điểm nhất định cũng là để nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài cho ngân hàng.

Ngoài ra, việc phê duyệt, thỏa thuận với cổ đông chiến lược nước ngoài cũng mất rất nhiều thời gian, một phần do quy trình, thủ tục, phần khác do thỏa thuận về giá không dễ dàng. Bởi luật pháp yêu cầu xác định giá là giá bình quân 10 phiên giao dịch cổ phiếu gần nhất, nhưng khi có giá thì lại phải chờ phê duyệt, đến khi 2 bên ngồi lại để chốt giá thì giá trên thị trường đã thay đổi nhiều.

Tôi cho rằng, đã đến lúc phải ưu tiên xử lý rốt ráo vấn đề tăng vốn, đồng thời khâu định giá bán chiến lược cũng cần xem xét lại một cách tổng thể để xóa bỏ rào cản cho các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.

Ưu tiên nâng cao năng lực đội ngũ thanh tra, giám sát hệ thống

Hoạt động của các TCTD ngày nay đã rất khác so với 10 năm về trước, khi quy mô tăng gấp 2,5 lần, tính chất hoạt động cũng đa dạng hơn nhiều, chưa kể các sản phẩm - dịch vụ mới gắn với công nghệ đang phát triển mạnh mẽ, rủi ro hoạt động (các yếu tố liên quan đến quy trình, công nghệ, con người và khách quan) diễn biến phức tạp hơn… Thực tế này đòi hỏi đội ngũ thanh tra, giám sát của hệ thống, cũng như của mỗi TCTD phải được nâng tầm, thực thi giám sát trên cơ sở rủi ro nhiều hơn là hành chính, có khả năng cảnh báo, dự báo tốt hơn.

Ưu tiên thúc đẩy tài chính toàn diện

Mục tiêu thúc đẩy tài chính toàn diện nếu được hoàn thành sẽ giúp các TCTD nâng cao khả năng cung ứng nguồn vốn chính thức cho người dân và doanh nghiệp, góp phần quan trọng giảm tệ nạn "tín dụng đen". Theo đó, Chính phủ cần ưu tiên chỉ đạo, sớm ban hành chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện và chú trọng khâu tổ chức thực hiện.

Hoàn thiện thể chế cho hệ thống các TCTD

Điều này có nghĩa, những vướng mắc còn tồn tại trong xử lý nợ xấu, đặc biệt là xử lý nợ theo Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội, cần phải sớm được tháo gỡ. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều cơ quan, bộ, ngành khác nhau như toà án, công an, cơ quan thi hành án, chính quyền địa phương, cũng như Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) và bản thân các TCTD.

Đồng thời, cần quan tâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng khung pháp lý cho các sản phẩm, dịch vụ tài chính mới trên nền tảng công nghệ như cho vay ngang hàng, FinTech, thanh toán số…, như vậy mới có thể thực hiện tốt Nghị quyết 01 và 02/2019 của Chính phủ, cũng như đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Để xử lý tốt các ngưỡng giới hạn nêu trên, các nhà hoạch định chính sách cũng như cơ quan quản lý cần chú trọng các khâu phối kết hợp, thực thi, kiểm tra - giám sát và truyền thông để tạo nên sự đồng thuận, hưởng ứng trong xã hội.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2019

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục