2019: Rủi ro tỷ lệ nợ xấu gia tăng là không lớn

(ĐTCK) Năm 2019, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống vẫn là tập trung xử lý nợ xấu.
2019: Rủi ro tỷ lệ nợ xấu gia tăng là không lớn

Mục tiêu tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 2%

Trong ngày đầu năm mới, Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, với lĩnh vực ngân hàng, Chính phủ yêu cầu có giải pháp để tăng vốn cho các ngân hàng thương mại và ngân hàng thương mại nhà nước chiếm cổ phần chi phối.

Phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2% và tỷ lệ nợ xấu, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu (gồm nợ xấu, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng - VAMC hiện chưa xử lý được, cũng như các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu) về dưới mức 5%.

Trong khi đó, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dẫn báo cáo từ các tổ chức tín dụng cho thấy, tới cuối năm 2018, tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ so với cuối năm 2017, xuống mức 2,4% (năm 2017 là 2,5%). Dự phòng rủi ro tín dụng tăng khoảng 30,1% so với cuối năm 2017.

Tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng so với nợ xấu báo cáo cải thiện lên mức 78,2% (năm 2017 là 65,4%), nhưng không bao gồm nợ xấu đã bán cho VAMC. Ðáng chú ý, giá trị xử lý nợ xấu năm 2018 tăng khoảng 30% so với năm 2017.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết, năm 2018, khả năng sinh lời và chất lượng tài sản của các nhà băng đã được cải thiện rất nhiều.

Tỷ lệ nợ xấu liên tục đi xuống qua các năm kể từ mức đỉnh năm 2012, một phần xuất phát từ việc các ngân hàng chuyển nợ sang VAMC.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ quá trình xử lý nợ xấu, bao gồm những biện pháp tạo thuận lợi cho cả ngân hàng và VAMC trong việc thu giữ tài sản thế chấp khi người đi vay phá sản. Ðiều này làm gia tăng khả năng thu hồi tài sản từ nợ xấu. Ngoài ra, thị trường bất động sản ấm lên trong vài năm gần đây cũng giúp các ngân hàng dễ dàng hơn trong việc xử lý các tài sản thế chấp bằng bất động sản. 

Ðòi hỏi hình thành thị trường mua - bán nợ

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam cao hơn tương đối so với các quốc gia trong khu vực, khi tỷ lệ nợ xấu ở quanh mức 5,3% tổng dư nợ và tỷ lệ dự phòng rủi ro/nợ xấu đạt 47%.

Ðáng chú ý, tốc độ xử lý nợ xấu có thể sẽ chậm dần khi nền kinh tế đang trong giai đoạn cuối của chu kỳ tăng trưởng. Thị trường bất động sản chậm lại cũng là điểm nhấn quan trọng khi hầu hết tài sản đảm bảo ở dạng bất động sản.

Trong khi đó, nhiều ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng tập trung vào lĩnh vực tài chính tiêu dùng đang ghi nhận sự trở lại của nợ xấu sau giai đoạn tăng trưởng bùng nổ trước đó. Tỷ lệ nợ xấu nhóm 5 (khả năng mất vốn) tăng rất mạnh tại một số nhà băng quy mô lớn.

Mặt khác, năm 2019 cũng là thời điểm cuối của lộ trình 5 năm khi nợ xấu mà các ngân hàng đã bán cho VAMC trước đó sẽ quay trở lại nhà băng nếu chưa được xử lý.

Tính đến nay, cả hệ thống chỉ mới có 5 nhà băng tất toán xong trái phiếu VAMC bao gồm: Vietcombank, VIB, Techcombank, MB, ACB. Các ngân hàng còn lại đang nỗ lực xử lý và kỳ vọng sẽ tất toán xong trái phiếu VAMC trong năm 2019 là OCB, VPBank, Nam A Bank, Eximbank… Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này là không dễ dàng với các ngân hàng, nhất là với nhà băng có nợ xấu cao.

Trong số những cái tên nổi bật, Sacombank là một trong những ngân hàng đã nỗ lực đưa nợ xấu về dưới mức 3% trong năm qua và xử lý khối nợ xấu khổng lồ gần 20.000 tỷ đồng từ tồn đọng trước đó. Tuy nhiên, các tài sản đảm bảo lớn phải xử lý thu hồi nợ vẫn đang đòi hỏi nhà băng này cố gắng hơn nữa trong năm 2019 để có thể đưa nợ xấu về mức thấp nhất có thể.

Eximbank, BIDV cũng đang trong quá trình đẩy mạnh xử lý nợ xấu để sớm tất toán trái phiếu VAMC trong năm 2019. Tuy nhiên, lãnh đạo các nhà băng này thừa nhận, quá trình xử lý nợ gặp khó khăn nhất định khi việc phát mãi tài sản đảm bảo mất rất nhiều thời gian.

TS. Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế Chính phủ cho rằng, Nghị quyết 42 ra đời đã phần nào giúp các ngân hàng tháo gỡ khó khăn trong việc phát mãi tài sản.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa việc phát mãi tài sản đảm bảo bằng bất động sản, thu hồi nợ sẽ được đẩy nhanh.

Nguyên nhân là quá trình phát mãi tài sản còn liên quan đến tòa án nên tốn kém về chi phí và thời gian. Ðể việc xử lý nợ xấu được đẩy nhanh, theo ông Lịch, đòi hỏi phải hình thành được thị trường mua - bán nợ. Khi thị trường mua - bán nợ hoạt động sôi nổi, có sự tham gia của các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài thì quá trình xử lý nợ xấu mới có thể được thúc đẩy nhanh hơn nữa.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, rủi ro tỷ lệ nợ xấu tăng trở lại trong năm 2019 là không lớn. Theo BVSC, chất lượng tài sản của các ngân hàng vẫn tốt, do tỷ lệ nợ nhóm 2 chưa có dấu hiệu tăng. Thêm vào đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu hiện cải thiện hơn nhiều so với giai đoạn trước, các ngân hàng có nguồn lực tốt hơn để xử lý nợ xấu, nhất là từ trích lập dự phòng.

Ngoài ra, rủi ro nợ xấu bán cho VAMC quay lại nội bảng là không lớn, dù phần lớn số nợ được bán cho VAMC trong năm 2014 và 2015 sẽ đáo hạn vào năm 2019 và 2020. Nguyên nhân là đa phần lượng trái phiếu này tập trung ở những ngân hàng đang tái cơ cấu và những nhà băng này có thể có thời gian xử lý trái phiếu VAMC dài hơn 5 năm.          

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục