Tiến sỹ Cấn Văn Lực: Những bất cập trong thu hút vốn đầu tư hạ tầng du lịch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam trong thực trạng cơ sở hạ tầng du lịch Việt Nam đang ở mức trung bình so với các nước trong khu vực.
Tiến sỹ Cấn Văn Lực phát biểu tại Hội thảo “Sửa Luật Đất đai: Tạo đất cho du lịch” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 19/10. Ảnh Dũng Minh Tiến sỹ Cấn Văn Lực phát biểu tại Hội thảo “Sửa Luật Đất đai: Tạo đất cho du lịch” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 19/10. Ảnh Dũng Minh

Ngành kinh tế mũi nhọn

Phát biểu tại Hội thảo “Sửa Luật Đất đai: Tạo đất cho du lịch” do Báo Đầu tư tổ chức sáng 19/10, Tiến sỹ Cấn Văn Lực cho biết, tiềm năng du lịch của Việt Nam lớn và Việt Nam còn rất nhiều dư địa để nâng tầm du lịch.

Bình quân trên thế giới du lịch đóng góp 7,6% GDP và 7,3% việc làm toàn cầu năm 2022. Tại Việt Nam, thu từ du lịch năm 2022 đạt 495 nghìn tỷ đồng, tương đương 5,2% GDP; riêng năm 2019, doanh thu từ du lịch đạt 755 nghìn tỷ đồng, tương đương 12,5% GDP. Du lịch và đi lại đóng góp 10,3% GDP toàn cầu năm 2019 trước đại dịch Covid-19, tại Việt Nam là khoảng 7% GDP.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu lưu trú ăn uống và dịch vụ lữ hành của Việt Nam đạt 526,5 nghìn tỷ đồng, tương đương 7,24% GDP, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 16% và dịch vụ lữ hành tăng 47,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

So với các nước trong khu vực về mức độ đóng góp của du lịch, năm 2019, Việt Nam đóng góp 7% GDP, nhưng Thái Lan đóng góp 20,3% GDP, Philippin đóng góp 22,5% GDP và Campuchia đóng góp 25,8% GDP.

“Mặc dù du lịch phát triển tương đối tốt trong 10 năm qua nhưng vẫn còn rất nhiều dư địa để nâng tầm du lịch”, Tiến sỹ Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Về định hướng, chính sách phát triển du lịch, Việt Nam đã có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển du lịch. Nghị quyết 08 TW của Bộ Chính trị ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nêu rõ mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp trên 10% GDP, doanh thu đạt 35 tỷ USD;

Đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, thuộc nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Quyết định 147/2020/QĐ-TTg ngày 22/1/2020 triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu lớn, năm2020, du lịch đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 12-14%. Đến năm 2030, đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 15-17%. Ông Cấn Văn Lực cho rằng, đây là mục tiêu tham vọng.

Hạ tầng du lịch Việt Nam ở mức trung bình

Về thực trạng hạ tầng du lịch của Việt Nam, Tiến sỹ Cấn Văn Lực cho rằng: “Chúng ta đang ở mức trung bình so với các nước được khảo sát về hạ tầng lưu trú bao gồm cả nhà hàng, khách sạn, resort, an toàn an ninh kinh tế. Việt Nam đặt mục tiêu vào nhóm 30 quốc gia du lịch hàng đầu thế giới thì phải nâng tầm về hạ tầng du lịch. Hiện nay, khách rất quan tâm đến ăn ở, đi lại du lịch như thế nào nhất là sau dịch bệnh Covid-19”.

Thực tế, quy mô cơ sở lưu trú của Việt Nam tăng còn chậm. Cuối năm 2022, tổng số cơ sở lưu trú du lịch là 35.000 cơ sở, tăng 16,7% so với năm 2019. Quy mô số phòng năm 2022 đạt 700.000 buồng, tăng 7,7% so với cuối năm 2019.

Các cơ sở lưu trú chủ yếu là xếp hạng 3 sao hoặc không xếp hạng: cuối năm 2022, có tới 82,7% các cơ sở lưu trú là hạng 3 sao hoặc không xếp hạng (không đủ tiêu chuẩn xếp hạng). Các cơ sở xếp hạng cao cấp chỉ chiếm tỷ trọng thấp: xếp hạng 5 sao chiếm 10,7%; hạng 4 sao chiếm 6,6% …

Chính sách phát triển và hạ tầng du lịch Việt Nam được đánh giá còn thua kém các nước trong khu vực, xếp hạng chỉ số chính sách và mức độ sẵn sàng phát triển du lịch của Việt Nam năm 2021 đứng thứ 55/117 quốc gia, thấp hơn Indonesia (thứ 52); Malaysia (thứ 38); Thái Lan (thứ 28) và Singapore (thứ 6).

Hội thảo “Sửa Luật Đất đai: Tạo đất cho du lịch” thu hút sự tham gia của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế, đại diện nhiều cơ quan, ban ngành và thu hút sự quan tâm lớn của cộng động nhà đầu tư. Ảnh Dũng Minh.

Hội thảo “Sửa Luật Đất đai: Tạo đất cho du lịch” thu hút sự tham gia của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế, đại diện nhiều cơ quan, ban ngành và thu hút sự quan tâm lớn của cộng động nhà đầu tư. Ảnh Dũng Minh.

Bất cập trong thu hút vốn đầu tư hạ tầng du lịch

Tại Hội thảo, Tiến sỹ Cấn Văn Lực chỉ ra còn nhiều bất cập trong thu hút vốn đầu tư hạ tầng du lịch. Chính sách ưu đãi đối với ngành du lịch chưa được cụ thể hóa rõ trong một số luật, quy định liên quan (Luật Đầu tư 2020, Luật PPP 2020…).

Khung pháp lý trong việc cấp đất cho các dự án phát triển du lịch còn nhiều bất cập: Doanh nghiệp du lịch hiện không được giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu quyền sử dụng đất (theo Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/2/2020 của Chính phủ).

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện nay quy định 30 trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, nhưng chưa có các dự án phát triển du lịch, vui chơi, giải trí.

Các quy định về cấp và chuyển nhượng quyền sở hữu đất và tài sản gắn liền với đất thương mại, dịch vụ du lịch (condotels, shophouse….) còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ. Dự thảo Luật đất đai sửa đổi chưa quy định chi tiết việc cấp giấy chứng nhận đối với đất thương mại, dịch vụ bao gồm đất du lịch và các loại hình BĐS du lịch hình thành trên đất du lịch.

Tiến sỹ Cấn Văn Lực kiến nghị: “Nên xem xét bổ sung cơ chế giao đất, cho thuê đất thông qua thu hồi đất cho các dự án phát triển du lịch, vui chơi, giải trí (có điều kiện). Xem xét bổ sung cơ chế cho thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thương mại và dịch vụ để phát triển du lịch tại Điều 121 của Dự thảo. Tăng cường chế tài đối với các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật về quy hoạch, về đầu tư phát triển du lịch, nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, lãng phí và tranh chấp đất đai. Rà soát các luật liên quan (luật nhà ở, luật kinh doanh bất động sản, luật thế chấp tín dụng sửa đổi…) đảm bảo nhất quan điểm này”.

Ông Lực nhấn mạnh cùng "cây gậy và củ cà rốt", có chế tài cụ thể để rà soát, thực hiện có hiệu quả. Song song, tạo đất cho du lịch không đủ phải bổ trợ cơ chế chính sách để phát triển du lịch đồng bộ như visa cho du lịch, phát triển du lịch xanh...

Tiến sỹ Đỗ Thanh Trung, cố vấn Ban giám đốc Phúc Khang Corporation. Ảnh Dũng Minh.

Tiến sỹ Đỗ Thanh Trung, cố vấn Ban giám đốc Phúc Khang Corporation. Ảnh Dũng Minh.

Về phía doanh nghiệp, theo Tiến sỹ Đỗ Thanh Trung, cố vấn Ban giám đốc Phúc Khang Corporation, Luật đất đai rất quan trọng trong hệ thống pháp lý Việt Nam, tác động đến các chủ quản có liên quan từ Nhà nước, doanh nghiệp, người dân, tác động đến phát triển kinh tế xã hội, trong đó có du lịch.

"Việt Nam có lợi thế phát triển du lịch lớn, nếu hạ tầng như hiện nay sẽ phát triển không cân đối. Cần tạo điều kiện thuận lợi để phát triển hạ tầng du lịch, những dự án bất động sản liên quan đến thương mại dịch vụ du lịch. Bởi nếu có lợi thế mà không có mặt bằng phát triển sẽ khó", ông Trung nói.

Đồng thời, ông Trung cho rằng cần có cơ chế, chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho nhà đầu tư có quỹ đất phát triển du lịch cũng như các điều kiện cần có để đưa đất phát triển du lịch vào nhóm 30 trường hợp được Nhà nước thu hồi đất phát triển kinh tế.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục