Tiết kiệm ngân hàng kém hấp dẫn
Đầu năm 2021, khi sổ tiết kiệm đến kỳ hạn, ông Phương Tiến Bỉnh ở Trung Hoà, Cầu Giấy khá bất ngờ khi lãi suất huy động tại TPBank kỳ hạn 6 tháng trước đây trên 7%/năm giờ chỉ còn 5,8%/năm. Chưa có kênh đầu tư nào khác, ông đành chấp nhận gửi tiền kỳ hạn 6 tháng và âm thầm tìm kiếm kênh đầu tư khác nhằm tối đa hoá lợi ích.
Một người quen đã giới thiệu ông Bỉnh tới một công ty chứng khoán, công ty này đang đứng ra gom tiền mua cổ phiếu của một doanh nghiệp với lãi suất 12,5%/năm. Trừ 1% hoa hồng cho bên môi giới của công ty chứng khoán, ông Bỉnh được hưởng lãi suất 11,5%/năm - cao gần gấp đôi lãi suất ngân hàng.
Tất toán sổ tiết kiệm trị giá 3 tỷ đồng chỉ được hưởng lãi không kỳ hạn khoảng 600.000 đồng cho hơn 2 tháng gửi tiết kiệm, ông Bỉnh bảo, “chẳng ăn thua gì”.
Tương tự, chị Nguyễn Thu Hà ở Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội kể, chị được một công ty chứng khoán mời tham gia đầu tư chung trong một gói trị giá 30 tỷ đồng. Lần đầu trao đổi, công ty này đưa ra mức lãi suất 12%/năm, tuy nhiên, đến khi nộp tiền vào thì lãi suất chỉ còn 10%/năm, trừ đi 1% cho môi giới thì lãi suất được hưởng là 9%/năm.
“Tôi cũng bỏ công đi tìm hiểu thì được biết, ban đầu công ty này dự đoán gom tiền sẽ không nhanh được nên chào lãi suất cao nhưng không ngờ vừa giới thiệu có mấy người mà đã là gom đủ tiền nên những người vào sau với khoản tiền ít hơn như tôi sẽ phải chịu lãi suất thấp hơn”, chị Hà kể.
Một dòng tiền lớn từ kênh tiết kiệm ngân hàng đã tìm đến thị trường bất động sản, đẩy giá nhà đất tăng chóng mặt trong thời gian gần đây.
Anh Nguyễn Mạnh Hoàng, ở Khâm Thiên chia sẻ, năm ngoái, cũng thời điểm này, vợ chồng anh đi tìm mua nhà ở Royal City (Nguyễn Trãi, Hà Nội) thì căn hộ 3 phòng ngủ với diện tích 92 – 110 m2 dao động từ mức giá 4 - 5 tỷ đồng, nhưng hiện tại thì phải từ 4,9 - 5,7 tỷ đồng mới mua được.
Còn căn hộ 4 phòng ngủ năm ngoái tầm 5,7 - 6,5 tỷ đồng thì bây giờ phải 6,9 - 8,2 tỷ đồng mới mua được.
Theo số liệu báo cáo từ Bộ Xây dựng, giá bán bình quân căn hộ chung cư tại Hà Nội quý IV/2020 tăng khoảng 2-3% so với cùng kỳ 2019, tại TP.HCM tăng khoảng 3-4%, thị trường đất nền có mức tăng trung bình khoảng 5% so với năm 2019.
Trong khi đó, theo ghi nhận của báo chí, cơn sốt đất nền nổi lên khắp nơi, dòng người nườm nượp đổ đi săn tìm đất, đặc biệt ở vùng ven Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phố khác.
Tiền còn rẻ
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm, nguyên nhân cơ bản của chứng khoán tăng điểm và bất động sản tăng giá nhiều nơi đều là tiền rẻ và sâu xa của vấn đề này là việc hạ lãi suất năm 2020 với ba lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành khiến lãi suất huy động các ngân hàng giảm mạnh.
Quả vậy, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái điều hành quyết liệt để hạ lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch.
Cụ thể, cơ quan quản lý đã áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng có kiểm soát, nhằm tránh những hệ lụy về sau như nợ xấu và bong bóng giá tài sản như giai đoạn 2009 - 2011.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước quyết định hạ lãi suất điều hành 3 lần liên tiếp vào tháng 3, tháng 5 và 10 với tổng mức giảm là 150 điểm cơ bản đối với lãi suất tái cấp vốn, cũng như hạ trần lãi suất huy động dưới 6 tháng từ 80 - 100 điểm cơ bản.
Năm 2021, chính sách tiền tệ được dự báo sẽ duy trì trạng thái nới lỏng nhằm tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình gặp khó khăn
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước hoãn siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn thêm 1 năm để cho các ngân hàng không bị chịu áp lực cơ cấu lại nguồn vốn trong bối cảnh các ngân hàng thương mại phải hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn về mặt thanh khoản, thông qua việc giảm lãi suất cho vay, giãn nợ và cơ cấu lại nợ
Theo bà Thái Thị Việt Trinh, chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán KB Securities, thanh khoản dư thừa đã khiến lãi suất liên ngân hàng và suất trái phiếu chính phủ duy trì ở mức thấp kể từ tháng 5/2020.
Mặt bằng lãi suất huy động nhờ đó cũng giảm mạnh, với mức giảm từ 150 - 300 điểm cơ bản cho các kỳ hạn. Lãi suất cho vay có mức giảm nhẹ hơn, khoảng 50 - 100 điểm cơ bản, chủ yếu do yêu cầu của cơ quan quản lý nhằm hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn sau dịch.
Ông Hiếu phân tích thêm, những quyết định hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước rất quan trọng vì sẽ tác động đến lãi suất chung của nền kinh tế. Khi giảm lãi suất điều hành sẽ gián tiếp tác động đến lãi suất cho vay trên thị trường 1, nhưng sẽ có độ trễ trong chính sách trên tới thị trường người dân và doanh nghiệp.
Thực tế, độ trễ tiền tệ tại Việt Nam khoảng 3 - 6 tháng, được thể hiện giai đoạn từ cuối năm ngoái. Các sổ tiết kiệm lãi suất cao trước đó đến hạn tất toán, nếu gửi lại sẽ nhận lãi suất tiền gửi còn một nửa khiến nhiều cá nhân như ông Bỉnh thay vì gửi tiết kiệm đã chuyển sang kênh đầu tư khác.
“Năm 2021, chính sách tiền tệ được dự báo sẽ duy trì trạng thái nới lỏng nhằm tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình gặp khó khăn. Nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ hạ lãi suất điều hành thêm một lần nữa trong nửa đầu năm 2021, khi áp lực giá tiêu dùng vẫn chưa đáng lo ngại”, bà Trinh dự báo.
Dòng tiền rẻ - động lực quan trọng cho đà tăng của thị trường chứng khoán – được KBSV kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì, thậm chí là rẻ hơn trong năm nay.